Hết thời lách luật mua trái phiếu doanh nghiệp?

Trước nhiều vụ việc liên quan đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán khiến hàng trăm nhà đầu tư “non trẻ” điêu đứng vì mất trắng. Để chấn chỉnh và tạo môi trường đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lành mạnh, đề xuất quy định mới đưa ra các điều kiện yêu cầu nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải hội đủ điều kiện mới được mua.

Hết thời lách luật mua trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 1

Sau vụ 9 đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tân Hoàng Minh) bị hủy bỏ, dư luận đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu sẽ được đảm bảo ra sao. Theo đó, Tân Hoàng Minh đã huy động tổng cộng 10.300 tỷ đồng tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, Tân Hoàng Minh đã chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư thông qua thị trường chứng khoán. Điều này đã khiến sân chơi trái phiếu nhiễu loạn, không tạo được lòng tin đối với các nhà đầu tư trong tương lai.

Để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch phải đạt giá trị bình quân tối thiểu 2 tỷ đồng trong thời gian tối thiểu 6 tháng liền kề, không bao gồm giá trị vay ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Kết quả xác nhận nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp sẽ có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày xác định.

Tuy nhiên, ghi nhận trên thực tế cho thấy, dù ban hành rất nhiều điều kiện nghiêm ngặt để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn có hiện tượng “lách”. Theo Bộ Tài chính, tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ trong 7 tháng năm 2022 là 280.641 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021. Trong đó nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,11%, công ty chứng khoán mua 22,43% và phần còn lại chủ yếu là các tổ chức tín dụng. Song, khi thống kê trên thị trường thứ cấp, sau khi mua trái phiếu, các công ty chứng khoán chủ yếu bán lại cho nhà đầu tư cá nhân khiến lượng trái phiếu nắm giữ của cá nhân tăng lên mức 32,6%.

Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (hiệu lực trong vòng 1 năm) bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian từ 2 - 4 ngày. Hay nhà đầu tư cá nhân sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng nhưng thực tế số vốn tự có thấp hơn; cá nhân không trực tiếp đứng tên mua trái phiếu mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp khác để mua TPDN riêng lẻ.

Nhìn nhận cách khách quan thì những quy định mới này nhằm bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường TPDN riêng lẻ nhưng ít người đáp ứng được. Ngược lại, đối với nhà đầu tư cá nhân đáp ứng được các tiêu chí trên thì lại không mặn mà với thị trường trái phiếu. Lý do là vì đại đa số khách hàng của TPDN hiện nay thường sử dụng nguồn tiền gửi tiết kiệm, sau đó được các nhân viên kinh doanh trái phiếu tư vấn mua. Rủi ro ở đây là người mua trái phiếu không hiểu về trái phiếu mà nghĩ đó là tiền gửi tiết kiệm, không đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, không biết trái phiếu đó có tài sản thế chấp hay không.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường TPDN trong thời gian tới sẽ khó có nhà đầu tư cá nhân tham gia. Việc lách quy định bằng cách tổ chức, cá nhân chuyên nghiệp mua xong bán lại, hay góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không chuyên nghiệp sẽ bị hạn chế. Các nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia vào TPDN có thể chờ những đợt chào bán ra công chúng của doanh nghiệp hoặc mua chứng chỉ quỹ trái phiếu. Do vậy, để chấm dứt tình trạng thao túng trái phiếu doanh nghiệp thị trường trong nước và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, việc phát hành TPDN sắp tới sẽ diễn ra khó khăn hơn. Được biết, cơ quan chức năng sẽ bổ sung thêm quy định đánh giá tín nhiệm của tổ chức phát hành để kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở này.

Theo Chất lượng và Cuộc sống