Chi phí tăng “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp xi măng

Do chi phí sản xuất, giá than tăng cao khiến kết quả kinh doanh của nhiề doanh nghiệp xi măng sa sút so với cùng kỳ.

Vì sao giá thép sắp về đáy, xi măng vẫn treo đỉnh?

 

Trong khi giá thành sản xuất tăng mạnh, nhưng giá xuất khẩu sản phẩm xi măng không tăng làm các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt về giá.
Trong khi giá thành sản xuất tăng mạnh, nhưng giá xuất khẩu sản phẩm xi măng không tăng làm các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt về giá.

Chi phí tăng cao

Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tiêu thụ xi măng ở thị trường trong nước, đặc biệt là xuất khẩu giảm mạnh do áp lực cạnh tranh gay gắt về giá và giá nhiên liệu than tăng quá cao.

Tháng 7/2022, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 5,95 triệu tấn, giảm khoảng 27% so với tháng 7/2021; trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 4,85 triệu tấn; xuất khẩu ước đạt khoảng 1,1 triệu tấn.

Tính chung trong 7 tháng năm 2022, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 54,99 triệu tấn, giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 36,84 triệu tấn, giảm khoảng 3% cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu sản phẩm xi măng trong 7 tháng chỉ ước đạt 18,15 triệu tấn, giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, hiện 7 tháng qua, cả nước tồn kho khoảng 5,9 triệu tấn, tương đương từ 25-30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.

Trung Quốc, Philippines là 2 thị trường xuất khẩu xi măng, clinker chính của Việt Nam đều giảm nhập khẩu sản phẩm từ các nhà cung cấp Việt Nam trong nửa đầu năm 2022.

Nguyên nhân do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero-COVID,” cùng đó là thị trường bất động sản của nước này đang trong trạng thái suy giảm đã khiến sản lượng tiêu thụ xi măng tại Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian qua.

Với thị trường xuất khẩu xi măng lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao.

Trong báo cáo ngành xi măng, CTCK BIDV (BSC) lý giải sản lượng xuất khẩu giảm mạnh do cú sốc giá dầu làm tăng chi phí vận chuyển và giảm sức cạnh tranh của xi măng xuất khẩu. Trong khi giá thành sản xuất tăng mạnh, nhưng giá xuất khẩu sản phẩm xi măng không tăng làm các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt về giá.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam mới đây cũng đã nêu ra một loạt thách thức mà ngành xi măng phải đối mặt. Cụ thể, giá than nhập khẩu là khoảng 210 - 220 USD, trong khi đó nguyên liệu than chiếm 56% trong giá thành sản xuất clinker.

Cùng với đó, hầu hết nhà máy xi măng đều sản xuất vượt công suất thiết kế khi đẩy mạnh năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật… Kéo theo đó là nguyên vật liệu đầu vào cũng phải tăng, dẫn đến tình trạng khai thác tăng vượt mức được cho phép. Bài toán này là hết sức khó khăn đối với các nhà máy.

Nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh cùng biến động giá nguyên vật liệu làm tăng chi phí cố định trên một đơn vị sản phẩm, khiến kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp xi măng sa sút so với cùng kỳ năm 2021.

Thực tế, các doanh nghiệp xi măng đã tăng giá bán 10-15% so với đầu năm nhưng do giá than nhập khẩu, chiếm khoảng 30-35% giá thành sản xuất đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm khiến biên lợi nhuận gộp của các hầu hết doanh nghiệp trong ngành suy giảm mạnh.

Doanh nghiệp giảm lãi

Công ty cổ phần xi măng VICEM Hà Tiên (mã: HT1) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 với ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.525 tỷ đồng, tăng 10% so với quý 1. Lãi sau thuế của doanh nghiệp đạt 136 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Vicem Hà Tiên đạt 4.343 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 160 tỷ đồng. Doanh thu tăng nhẹ 8,5% nhưng lãi sau thuế giảm một nửa.

VICEM lý giải ảnh hưởng từ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cùng các biện pháp cấm vận của phương Tây đã tác động lớn đến kinh tế thế giới, gây ra khủng hoảng năng lượng toàn cầu với than, dầu, khí đốt... Theo đó, giá nguyên nhiên liệu chính cho sản xuất xi măng như than, dầu, thạch cao... tăng giá mạnh trong cả hai quý đầu năm, đẩy lợi nhuận gộp giảm mạnh.

Sau Hà Tiên báo lãi quý 2 giảm mạnh, tới lượt Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã: BCC) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cụ thể, trong BCTC quý 2 vừa mới công bố, Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận tổng doanh thu thuần giảm 4,5% xuống 1.134 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 42% xuống 52 tỷ đồng.

Đơn vị lý giải doanh thu và chi phí của hoạt động bán hàng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp lớn hơn mức giảm của giá vốn hàng bán và chi phí tài chính trong kỳ, kéo theo lợi nhuận giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Xi măng Bỉm Sơn thu về 2.316,6 tỷ đồng doanh thu thuần và 120,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 3,1% và 24,6% so với cùng kỳ.

Với mục tiêu đạt 160 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm nay (tăng gần 50% so với thực hiện năm 2021), đơn vị đã hoàn thành 75,4% chỉ tiêu.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của Bỉm Sơn, năm 2022 tiếp tục là một năm cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp xi măng do thị trường đang dư cung lớn so với cầu, nguồn cung xi măng duy trì ở mức cao khoảng 107 triệu tấn, trong khi nhu cầu xi măng trong nước chỉ khoảng 64 - 65 triệu tấn.

Thị trường xuất khẩu dự báo vẫn khó khăn, các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, dựng hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận tải tăng cao...

Cùng đó, nhu cầu sử dụng xi măng bao đang thấp hơn xi măng rời, làm giảm lợi thế về thương hiệu VICEM Bỉm Sơn, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất - kinh doanh.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống