Chiều cổ đông trước mùa ĐHCĐ, ngân hàng chi nghìn tỷ cổ tức tiền mặt

Năm nay, bên cạnh kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao nhằm tăng vốn, nhiều ngân hàng dự kiến chi hàng nghìn tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.

Loạt ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt

Trong mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), kế hoạch trả cổ tức của các nhà băng đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư. Năm nay, nhiều ngân hàng dự kiến chia cổ tức ở mức cao dựa trên kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024.

Năm nay, nhiều ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 15-49,5%, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB Bank, VPBank và Nam A Bank là những cái tên đáng chú ý với kế hoạch phát hành hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu thưởng cho cổ đông.

Bên cạnh kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao nhằm tăng vốn, nhiều ngân hàng dự kiến sẽ chi hàng nghìn tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2025.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, tương đương với quy mô 1.726 tỷ đồng. Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên OCB có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Trước đó, OCB chủ yếu sử dụng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ, chứ không chi trả bằng tiền mặt.

Chiều cổ đông trước mùa ĐHCĐ, ngân hàng chi nghìn tỷ cổ tức tiền mặt - Ảnh 1

Tuy nhiên, đa phần ngân hàng chọn phương thức chia cổ tức kết hợp cả tiền mặt và cổ phiếu.

ĐHCĐ thường niên 2025 của VIB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ (vốn điều lệ tại ngày 31/12/2024 là 29.791 tỷ đồng), ước tính số tiền để chi trả cổ tức là hơn 2.085 tỷ đồng.

Cùng với đó, VIB sẽ phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 4.171 tỷ đồng và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành hai cấu phần trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%.

Năm nay, ACB tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án trả cổ tức 25% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu tại kỳ đại hội thường niên diễn ra trong tháng này. Theo đó, ACB sẽ chi ra khoảng 4.466 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt và tỷ lệ cổ tức 15% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm nay. Kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ của ACB dự kiến hoàn tất vào quý III/2025.

Trong khi đó, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ban lãnh đạo HDBank đã hé lộ kế hoạch trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ tối đa là 30% vốn điều lệ, trong đó bao gồm cổ tức tiền mặt tối đa 15%. Kế hoạch chi tiết sẽ được trình tại ĐHCĐ sắp tới.

VietinBank dự kiến phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu, với tỷ lệ phát hành lên tới 44,64% (tỷ lệ cụ thể sẽ được thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) cho cổ đông hiện hữu, từ lợi nhuận còn lại sau thuế, trích các quỹ và chia cổ tức tiền mặt giai đoạn từ năm 2009 đến 2016, nhằm tăng vốn điều lệ từ 53.700 tỷ lên 77.671 tỷ đồng.

Còn Techcombank có kế hoạch chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận. Năm 2024, Techcombank đã chi gần 5.300 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, sau 10 năm liên tiếp giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng kinh doanh.

MB có khả năng sẽ tiếp tục áp dụng phương án trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu trong năm 2025. Trong năm 2024 và 2023, MB đã dành lần lượt 2.653 tỷ đồng và 2.267 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 5%, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 500 đồng.

VPBank cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Trong năm 2024, ngân hàng này đã sử dụng 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%.

Nên trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu?

Làn sóng chia cổ tức tiền mặt bắt đầu quay lại trong 2 năm gần đây khi "vòng kim cô" hạn chế chia cổ tức tiền mặt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được gỡ bỏ.

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều ngân hàng thường lên kế hoạch chia cổ tức 2 phần tiền mặt và cổ phiếu. Nhưng các năm 2020-2022, theo chỉ đạo hạn chế chia cổ tức tiền mặt của NHNN, các ngân hàng phải dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nên các ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt.

Chiều cổ đông trước mùa ĐHCĐ, ngân hàng chi nghìn tỷ cổ tức tiền mặt - Ảnh 2

Đến đầu năm 2023, NHNN không còn yêu cầu các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt. Đây là điều kiện để các ngân hàng có khả năng tài chính và nền tảng vốn tốt có thể trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.

Năm 2024, có 9 ngân hàng đã trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông là VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Techcombank, Eximbank, SHB, TPBank. Tổng số tiền mà các ngân hàng dùng để trả cổ tức tiền mặt trong năm 2024 ước tính vào khoảng 30.000 tỷ đồng. Năm 2023, có 6 ngân hàng trả 23.000 tỷ đồng cổ tức tiền mặt.

Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, trả cổ tức bằng tiền mặt mang lại cảm giác chắc chắn cho cổ đông khi tìm kiếm lợi nhuận trong đầu tư cổ phiếu. Việc nhà băng trả cổ tức bằng tiền cũng cho thấy họ có dòng tiền vững mạnh, là lựa chọn an toàn khi đầu tư.

Một chuyên gia kinh tế nhận xét: "Trong nền kinh tế, về cơ bản, có sẵn tiền mặt vẫn là vua”.

Nhưng phương án nào cũng có 2 mặt. Theo quy định hiện hành, cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.

Trong khi đó, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt giúp các ngân hàng tích lũy vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) và tăng khả năng mở rộng tín dụng, đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16% trong năm 2025. Đối với cổ đông, đây là cơ hội sở hữu thêm cổ phiếu mà không phải bỏ thêm vốn đầu tư, đồng thời hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngân hàng.

Nhiều chuyên gia cho biết, chi trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu còn tùy vào chiến lược của từng ngân hàng. Các ngân hàng nên tiếp tục có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu xen kẽ cùng tiền mặt để tăng khả năng đáp ứng vốn cũng như năng lực tài chính.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance