Chìm sâu sau bê bối, Tập đoàn Tiến Bộ lỗ quý thứ 4 liên tiếp
Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (HoSE: TTB) ghi nhận quý lỗ thứ 4 liên tiếp với mức lỗ 306 triệu đồng.
Báo cáo của TTB cho biết trong quý III/2023, doanh thu thuần đạt 24 tỷ đồng, giảm 94%; lợi nhuận gộp đạt 2,8 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Với lợi nhuận gộp ít ỏi, TTB không thể “bao” được các loại chi phí hoạt động – dù cho đã được tiết giảm đáng kể. Hệ quả là công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 192 triệu đồng.
Khoản lỗ khác 114 triệu đồng đã bồi thêm, nâng tổng lỗ trước thuế quý III/2023 lên 306 triệu đồng (cùng kỳ có lãi 653 triệu đồng), đánh dấu quý lỗ thứ 4 liên tiếp của TTB.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 45 tỷ đồng, giảm 94%; lợi nhuận gộp đạt 11 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Do doanh thu tài chính sụt giảm 83%, chi phí tài chính lại tăng 48% (7,4 tỷ đồng) và chi phí quản lý đạt 4,5 tỷ đồng (giảm 24%), TTB lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 692 triệu đồng. Khoản lỗ khác 152 triệu đồng đã nâng tổng lỗ trước thuế 9 tháng lên 845 triệu đồng (cùng kỳ có lãi 2,18 tỷ đồng).
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của TTB đạt 1.816 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Các khoản phải thu chiếm 54% tổng tài sản, đạt 986 tỷ đồng, giảm 14%. Hàng tồn kho chiếm 9% tổng tài sản, đạt 166 tỷ đồng, không đổi.
Ngoài ra, công ty có 367 tỷ đồng là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang và chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chiếm 20% tổng tài sản, gồm: chung cư Tiến Bộ 121 tỷ đồng, chung cư Green City – Bắc Giang 237 tỷ đồng, dự án Đại Từ - Thái Nguyên 6,2 tỷ đồng…
Nợ phải trả của TTB tại ngày 30/9/2023 đạt 765 tỷ đồng, giảm 19% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm 23%, đạt 180 tỷ đồng, không đổi. Khoản người mua trả tiền trước giảm 79%, còn 45 tỷ đồng.
Với vốn chủ sở hữu đạt 1.051 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,72 lần.
Dòng tiền kinh doanh 9 tháng dương 4,6 tỷ đồng, do giảm các khoản phải thu và hàng tồn kho. Dòng tiền tài chính cho thấy, công ty không phát sinh hoạt động vay mượn và chỉ trả được 416 triệu đồng nợ gốc vay (giảm 99,6% so với cùng kỳ).
Về TTB, đây là doanh nghiệp có tiếng tại Thái Nguyên, thành lập từ năm 1998. Công ty hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, ở nhiều lĩnh vực như: bất động sản, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản xuất quả cầu lông tiêu chuẩn thi đấu, giàn giáo, cốp pha...
Năm 2015, công ty lên sàn HNX; năm 2018 chuyển sang sàn HoSE đồng thời mở rộng hoạt động sang tỉnh Bắc Giang rồi tỉnh Lạng Sơn.
Trong quá trình hoạt động trên thị trường chứng khoán, TTB đã nhiều lần bị xử phạt vì các vi phạm. Đáng kể, tháng 1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định xử phạt ông Dương Thanh Xuân (ở phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) và ông Nguyễn Thành Nam (phường Ngô Quyền, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), mỗi người 600 triệu đồng, vì có hành vi cùng sử dụng 102 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu TTB.
Tháng 2/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết cơ quan này đang điều tra vụ án “Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán”, xảy ra tại TTB. Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 4 bị can thuộc TTB.
Cũng liên quan đến TTB, báo Thái Nguyên cho biết tháng 12/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hải Lý, nhân viên văn phòng dự án Bắc Giang thuộc doanh nghiệp này, vì lợi dụng nhiệm vụ được giao để chiếm đoạt số tiền 17 tỷ đồng của công ty.
Cụ thể, từ tháng 5 đến tháng 11/2021, nữ nhân viên này được giao nhiệm vụ thu tiền của khách hàng được nhà nước hỗ trợ tái định cư tại khu nhà ở xã hội và khu nhà ở thương mại thuộc dự án Green City (phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nguyễn Thị Hải Lý đã thu tiền của nhiều khách hàng nhưng không nộp về công ty mà chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích cá nhân.