Thế lực đứng sau Aramco: Tập đoàn lớn nhất hành tinh, muốn đầu tư lớn vào Việt Nam
Tập đoàn Saudi Aramco - một trong những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất hành tinh và từng vượt mặt cả Apple vào năm 2022. Hiện tại, Tập đoàn Saudi Aramco đang dự định đầu tư, xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Việt Nam.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 19/10, ông Yasser M.Mufti, phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Aramco đã bày tỏ mong muốn có cơ hội đầu tư vào Việt Nam và xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu mới.
Ở thời điểm hiện tại, Tập đoàn Aramco chưa có hoạt động đầu tư trực tiếp tại nước ta. Tuy nhiên, Tập đoàn Aramco hiện đã cung cấp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam nhiều mặt hàng dầu thô. Nếu kế hoạch xây dựng nhà máy lọc hóa dầu của Tập đoàn Aramco đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ ngày càng đa dạng hóa thị trường hóa dầu.
Tập đoàn Saudi Aramco hay còn gọi là Tập đoàn Aramco là công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới và chủ yếu thuộc sở hữu của nhà nước Ả Rập Saudi.
Aramco được thành lập sau một thỏa thuận nhượng quyền giữa chính phủ Ả Rập Saudi và công ty Standard Oil California vào năm 1993. Công ty bắt đầu sản xuất dầu thương mại vào năm 1938 và nhanh chóng mở rộng ra khắp Ả Rập Saudi trong thập kỷ tiếp theo với sản lượng khoảng 500.000 thùng dầu thô mỗi ngày.
Để mở rộng hoạt động, Aramco đã xây dựng đường ống xuyên Ả Rập Saudi với chiều dài lớn nhất trên thế giới.
Vào năm 1973, chính phủ Ả Rập Saudi mua 25% cổ phần của Aramco và tăng dần lên 100% vào cuối những năm 1970. Công ty cũng bắt đầu đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển để mở rộng hoạt động sang các sản phẩm phi kim loại, và sản phẩm hóa chất làm từ dầu thô.
Tập đoàn Aramco chính thức IPO vào năm 2019 và huy động được 25,6 tỷ USD qua việc bán 3 tỷ cổ phiếu, tương đương 1,5% giá trị công ty. Việc hạn chế quyền sở hữu Tập đoàn Aramco cho phép chính phủ Ả Rập Saudi duy trì quyền kiểm soát công ty. Điều này trái ngược hoàn toàn với các công ty khác như Apple khi có hơn 84% cổ phần do công chúng nắm giữ.
Kế hoạch IPO của Aramco nằm trong tham vọng của Thái tử Mohammed, người kiểm soát hầu hết đòn bẩy quyền lực tại Arab Saudi và muốn theo đuổi hoạt động IPO như một phần trong kế hoạch điều hành đất nước trong thời kì hậu dầu mỏ.
Tất cả các mỏ dầu của Ả Rập Saudi hiện nằm dưới sự bảo trợ của Aramco. Đồng thời, mạng lưới của trải dài khắp Vương quốc của Aramco chiếm khoảng 16% trữ lượng dầu đã được chứng minh trên toàn thế giới và lớn hơn trữ lượng của tổng 5 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Aramco trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất toàn cầu với khách hàng trải dài từ châu Á sang châu Âu. Tính đến năm 2020, khách hàng lớn nhất của Aramco là ở châu Á, nơi chiếm tới hơn 70% lượng hàng xuất khẩu của tập đoàn này. Aramco cũng là nhà cung cấp lớn nhất cho 6 thị trường lớn ở lục địa, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines với sản lượng xuất khẩu lên tới hàng triệu thùng/ngày.
Không đơn thuần là bán dầu sang các thị trường này, Aramco còn hoạt động tích cực trong lĩnh vực lọc dầu, tiếp thị và dịch vụ hậu cần ở Hàn Quốc, Nhật Bản và xây dựng nhà máy lọc dầu cũng như đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu tại Trung Quốc.
Trong khi đó, tính đến năm 2020, châu Âu nhập khẩu khoảng 860.000 thùng dầu thô/ngày từ Aramco. Tại Hà Lan, Aramco thậm chí còn thiết lập một mạng lưới về các ngành công nghiệp hóa dầu, bao gồm cả liên doanh ARLANXEO, công ty cao su tổng hợp hàng đầu thế giới.
Mỹ cũng nhập khẩu hơn 1 triệu thùng dầu/ngày từ Aramco. Công ty này cũng sở hữu nhà máy lọc dầu Motiva ở Texas, nhà máy lọc dầu lớn nhất Bắc Mỹ.
Trong năm 2022, Aramco có thu nhập ròng kỷ lục 161,1 tỷ USD, lợi nhuận hàng năm cao nhất với tư cách là một công ty niêm yết, tăng 46% so với năm trước do giá năng lượng cao hơn. Lợi nhuận của Aramco trong năm 2022 cao gấp 3 lần so với các công ty dầu hàng đầu thế giới khác như Exxon, BP, Shell hay Chevron và là công ty có lợi nhuận lớn nhất thế giới trong ngành. Nhờ đó, Aramco đã vượt Apple để trở thành công ty có giá trị lớn nhất hành tinh với 2.430 tỷ USD vào năm 2022.
Aramco đặt sản lượng dầu thô của mình vào khoảng 11,5 triệu thùng/ngày vào năm 2022 và hy vọng sẽ đạt 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Để thúc đẩy sản xuất đó, công ty có kế hoạch chi tới 55 tỷ USD trong năm nay cho các dự án vốn.
Bất chấp những biến động về địa chính trị và xu hướng dịch chuyển sang nguồn năng lượng tái tạo, các quan chức của Ả Rập Saudi vẫn tự tin rằng ngay cả khi thế giới chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo, Vương quốc này sẽ là nhà sản xuất dầu mỏ cuối cùng trên thế giới vẫn trụ vững.