Chính phủ yêu cầu các dự án sân golf không được lấy vào đất lúa

Chính phủ vừa có công văn chỉ đạo thành lập đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sân golf ở các địa phương.

Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo xây dựng và sớm ban hành các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc hình thành các dự án sân golf theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009.

Chính phủ yêu cầu các dự án sân golf không được lấy vào đất lúa, đất màu và đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; khu đô thị; đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng). Ngoài mục tiêu thu lợi nhuận, việc xây dựng sân golf còn phải đáp ứng các nhu cầu giải trí, phát triển thể lực của cộng đồng.

Công tác kiểm tra thực hiện quy hoạch sân golf trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2010.

Quy hoạch sân golf đến năm 2020, cả nước sẽ có 89 sân golf, tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ với 29 dự án, tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ 21 sân, đồng bằng sông Hồng 16 sân, vùng Trung du miền núi phía Bắc 11 sân, Tây Nguyên 8 sân và đồng bằng sông Cửu Long 4 sân golf.

Riêng tại Hà Nội có tất cả 19 dự án sân golf nhưng mới chỉ có 4 sân golf đã đi vào hoạt động là sân golf Sóc Sơn, Vân Trì - Đông Anh, Đồng Mô và sân golf hồ Văn Sơn). Còn lại 15 sân golf khác mới chỉ là dự án được chấp thuận đầu tư hoặc đang triển khai.

Trước đó Hà Nội cũng đã có 1382/UBND-KH&ĐT về chuyển mục đích của 11 dự án và 8 dự án tiếp tục được triển khai.

8 dự án được tiếp tục kinh doanh, thực hiện gồm: Sân golf Vân Trì; Sân golf Hà Nội; Sân golf Đồng Mô (Dong Mo – King\’s Island Golf); Sky Lake Resort and Golf Club (Sân golf hồ Văn Sơn); Sân golf quốc tế Sóc Sơn; Sân golf và dịch vụ Long Biên; Khu du lịch – đô thị sinh thái hồ Quan Sơn, Mỹ Đức.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Quyết định số 480/QĐ-BTNMT về việc tổ chức thanh tra diện rộng của Bộ năm 2010.

Trong đó, có đưa ra một số giải pháp như phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu mối quan hệ giữa các loại hình đầu tư, kinh doanh, dịch vụ có mục tiêu sân gofl gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và kinh doanh bất động sản để quy định rõ tiêu chí loại đất được phép sử dụng để xây dựng sân gofl và điều chỉnh các nguồn thu từ các hoạt động này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa trình Thủ tường dự án về cấp phép cho các dự án sân Golf. Các dự án không phân biệt quy mô, địa điểm và vốn đầu tư trong nước hay ngoài nước phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, thay vì các địa phương cấp phép như trước đây.

K.T