Chủ tịch Quốc hội thúc Hà Nội thực hiện quy hoạch các phân khu sông Hồng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hà Nội sớm hiện thực hóa quy hoạch các phân khu sông Hồng, rộng hơn nữa là sông Đuống để thay đổi căn bản diện mạo Thủ đô.
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên khai mạc kỳ họp 12 HĐND TP. Hà Nội vào ngày 3/7. Trong đó, ông nhấn mạnh thành phố không thể chủ quan, còn rất nhiều việc phải làm với những bước đi, giải pháp quyết liệt, đột phá.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc đã được chỉ rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế để kiến tạo phát triển Thủ đô, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố như dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; xây dựng hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị (Nhổn - ga Hà Nội; Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); đề án về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030…
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội; tập trung triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt và vẫn còn có hiệu lực, nhất là sớm hiện thực hóa các quy hoạch các phân khu sông Hồng để thay đổi căn bản diện mạo Thủ đô, tạo động lực đột phá phát triển Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn TP. Hà Nội đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. Đến năm 2045, Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Quy hoạch phân khu sông Hồng được Hà Nội công bố và thông qua vào năm 2022. Phân khu đô thị sông Hồng trải dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; thuộc địa giới hành chính của các quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.
Phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông hơn 5.400ha (50%). Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), công trình hạ tầng kỹ thuật...
Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 khoảng 300.000. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000.
Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Hà Nội dự kiến tổ chức trong 4 ngày để xem xét, thông qua 43 nội dung, gồm 21 báo cáo và 22 Nghị quyết. Một số nội dung quan trọng được các đại biểu xem xét thông qua gồm: định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; đề án thành lập quận Đông Anh; miễn giảm phí, lệ phí; các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thể thao.