Quy hoạch sông Hồng: ‘Nếu không làm nhanh, quỹ đất, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu’
Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến nhấn mạnh quy hoạch phân khu của sông Hồng hiện nay mới dừng ở mức quy hoạch. Nếu không triển khai nhanh, quỹ đất ven sông, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu. Cụ thể, bãi Tứ Liên nay đã thành khu đô thị tự phát.
Quy hoạch ven sông Hồng: Mới chỉ dừng ở mức quy hoạch
Chia sẻ tại tọa đàm “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng chuyên đề 2: Điểm sáng phía đông” sáng nay (25/10), ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh không phải đến bây giờ mới đặt ra câu chuyện khai thác khu vực sông Hồng vào cảnh quan chung của Hà Nội mà đã được khởi nguồn từ năm 1998 với đồ án 5.
Ông Chiến cho biết sau một thời gian dài đến năm 2011, phê duyệt lại quy hoạch thành phố Hà Nội vẫn khẳng định phải khai thác giá trị cảnh quan sông Hồng thông qua việc phát triển khu vực hai bên sông. Và cho đến nay, Hà Nội vẫn kiên trì thực hiện theo định hướng Quy hoạch 1259/QĐ-TTg “Về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo ông Chiến, với quy hoạch sông Hồng, từ những năm 2016-2017, Hàn Quốc cùng thành phố Hà Nội đã tính khai thác cảnh quan và tạo thành phố hai bên sông. Tuy nhiên để thực hiện được điều này, công tác giải phóng mặt bằng và hạ tầng phải đi trước và đưa an toàn thoát lũ lên hàng đầu.
“Quy hoạch phân khu của sông Hồng là một trong những bước tiến lớn của Hà Nội và phái tổ chức triển khai ngay. Nhưng hiện nay mới dừng ở mức quy hoạch. Nếu không triển khai nhanh, quỹ đất ven sông, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu. Cụ thể, hiện nay bãi Tứ Liên đã thành khu đô thị tự phát”, ông Chiến nói.
Do đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị để quản lý, trên cơ sở phân khu, các hành lang cấm, hạn chế xây dựng bắt buộc lập hồ sơ và cắm mốc ngoài thực địa và giao cho chính quyền địa phương quản lý từng khu vực. Dù còn ít nhưng phải giữ được.
Mặc dù tổ chức di dân cuốn chiếu, nhưng hiện tại để thực hiện công tác này đang rất khó khăn. Do đó, ông Chiến cho rằng cần xác định lại quỹ đất hiện còn để quản lý và giữ lại để tránh thất thoát. Trên quy hoạch phân khu được duyệt, cần xác định, hình thành các dự án và phân ra 3 loại cụ thể: bắt buộc đấu thầu; xã hội hóa; nhà nước và nhân dân cùng làm.
Nhấn mạnh phía bắc, phía đông vẫn còn dư địa phát triển, nhưng ông Chiến nhấn mạnh cần phải bắt tay vào thực hiện ngay quy hoạch để kiến tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tìm đến trong thời gian tới.
Các đại đô thị bám trục giao thông nên chưa phát triển bền vững
Ở góc độ kiến trúc sư, ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng, Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đánh giá xuyên suốt trong quy hoạch chung của Hà Nội đều lấy sông Hồng làm trục phát triển. Đây là ý tưởng tốt. Đặc biệt, tại quy hoạch chung của thành phố Hà Nội năm 2011, trục sông Hồng chính thức hiện thực hoá và nằm trong thành phố.
Theo ông Tùng, trước đây, quan điểm của chúng ta xem trục sông Hồng là đường biên phát triển Hà Nội. “Vì vậy, suy nghĩ lại, tôi nhận thấy nhiều bệnh viện trong nội đô di dời ra khỏi thành phố chủ yếu về phía nam, các trường đại học di dời về phía tây, chưa có trường học đi qua sông Hồng về phía đông”, ông Tùng nhấn mạnh.
Chia sẻ từ góc nhìn thực tế, ông Tùng cho rằng trong giai đoạn phát triển vừa qua, ước tính có khoảng 40.000 dân sống ở đại đô thị ven đô nhưng trên thực tế mỗi năm thành phố Hà Nội tiếp nhận gần 20 vạn dân, tương đương với quy mô một huyện. Mong muốn đưa dân ra khỏi nội đô hình như còn mơ hồ; 5 đô thị vệ tinh không có sức hấp dẫn.
“Tôi hay đặt câu hỏi tại sao? Tôi không nghi ngờ về quy hoạch. Để những điểm sáng phía đông xuất hiện ngày càng nhiều, tôi cho rằng vai trò của chính quyền quan trọng. Khu vực phía đông tạo sức hút khi quận Gia Lâm được thành lập vào năm 2023 rồi đến quận Đông Anh cùng với việc triển khai đô thị sông Hồng để thu hút các nhà đầu tư và hướng dẫn để họ phát triển”, ông Tùng nói.
Nhắc lại một số công trình đã được thực hiện tại huyện Đông Anh như công viên Kim Quy nhưng hiện nay đang không triển khai được do đang còn một số vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, ông Tùng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc quản lý và triển khai quy hoạch, từ bản vẽ, quyết định được duyệt đến ra thực tế rất khác.
Ông Phạm Thanh Tùng cũng đồng tình với quan điểm cho rằng cần lấy trục kinh tế phát triển tạo sức mạnh thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển dịch vụ đi kèm chứ không phải là nhà ở.
"Nếu nhà ở đi trước một bước, trục kinh tế đi chỗ khác thì những khu nhà ở tại đó thành những khu nhà ở “ma”. Điều này rất nguy hiểm", ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, ông Tùng cho rằng vẫn còn một số câu hỏi và cần được trả lời để phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp trên thế giới đang tác động đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Từ đó, ông Phạm Thanh Tùng đặt câu hỏi: Có cần thiết có đại đô thị?
Liên quan đến các đại đô thị, ông Tùng nhấn mạnh phải mang bản sắc Việt Nam, phát triển kinh tế để thu hút cư dân, xây dựng văn hoá để đảm bảo cuộc sống cư dân bền vững. Hiện nay, các đại đô thị bám vào trục giao thông nên chưa đảm bảo phát triển bền vững.