Chủ tịch Ủy ban chứng khoán: 'Chúng tôi nợ nhà đầu tư lời xin lỗi'

Ngày 24/6, CLB Nhà báo chứng khoán tổ chức tọa đàm về chủ đề "Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và giải pháp" với sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban chứng khoán, HoSE, các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư. Lần đầu tiên vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý được đề cập tới.

Sáng 24/6, CLB Nhà báo chứng khoán tổ chức tọa đàm về chủ đề "Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và giải pháp" với sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban chứng khoán, HoSE, các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư. Lần đầu tiên vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý được đề cập tới.

Tọa đàm nhằm kết nối thông tin từ nhà quản lý đến các thành viên thị trường, giải đáp các thắc mắc quanh câu chuyện nghẽn lệnh kéo dài nhiều tháng nay cũng như làm rõ các giải pháp trước mắt, trung hạn của việc thông lệnh, giữ an toàn giao dịch đồng thời gợi mở một số giải pháp nền tảng khác cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững hơn, nhiều cơ hội rộng mở hơn cho nhà đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban chứng khoán: 'Chúng tôi nợ nhà đầu tư lời xin lỗi' - Ảnh 1

Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm gồm có: Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở GDCK Tp.HCM (HOSE); ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI; ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hệ thống thông tin FPT (FPT IS); ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Quyền tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT; ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SHS; ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách danh mục đầu tư DragonCapital; ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư độc lập.

Ngoài ra còn có sự tham gia của hơn 100 điểm kết nối khác là đại diện các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư. Tọa đàm chia thành 3 nội dung chính: Đối thoại về những nghi vấn xung quanh tình trạng nghẽn lệnh; giải pháp xử lý nghẽn lệnh và dự báo tương lai thị trường.

Vì sao HOSE lại nghẽn lệnh?

Trả lời những thắc mắc về hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra tại Sở Giao dịch TP. Hồ Chí Minh (HOSE) trong thời gian qua, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HOSE cho biết, bản chất tình trạng quá tải là do thiết kế của hệ thống. Mỗi hệ thống được thiết kế dựa trên nhiều nền tảng và tham số khác nhau. Hệ thống HOSE liên quan đến tham số cơ bản, số lượng lệnh mà hệ thống có thể xử lý trong 1 ngày giao dịch là 900.000 lệnh. Thực tế là số lượng lệnh tham gia vào hoạt động giao dịch vượt quá con số 900.000 lệnh, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn giao dịch.

Theo ông Trà, mỗi lệnh giao dịch có tham số. Lệnh giao dịch đặt mua 100 cổ phiếu cũng là 1 lệnh giao dịch, 1.000 cổ phiếu cũng là 1 lệnh giao dịch, 1 lệnh sửa giao dịch cũng được tính là 1 lệnh… Chính vì vậy, cũng một số lượng lệnh khớp trên thị trường nhưng giá trị hoàn toàn khác nhau.

Lý giải về việc nhiều công ty chứng khoán nhỏ không nghẽn dù công ty chứng khoán lớn đã nghẽn giao dịch, ông Trà cho biết đây là câu chuyện liên quan đến việc phân bổ, dựa trên lệnh giao dịch của 1 công ty chứng khoán sử dụng. Khi công ty chứng khoán sử dụng hết lệnh được phân bổ thì sẽ dẫn đến tình trạng nghẽn.

Liên quan đến việc sửa, hủy lệnh, Tổng Giám đốc HOSE thông tin, hiện nay, tỷ lệ sửa, hủy lệnh trong một ngày giao dịch chiếm 1/3, tức là khoảng 300.000 lệnh chỉ để sửa, hủy lệnh trước đó, do đó số lượng lệnh thực tế khớp chỉ khoảng 600.000 lệnh. Hạn chế sửa, hủy lệnh giúp số lượng lệnh thực tế khớp tăng lên, có thêm khoảng 200.000 lệnh được khớp, giúp giá trị thanh khoản khớp lệnh có lúc tăng lên 30.000 tỷ đồng.

Khi xảy ra tình trạng nghẽn, các lệnh phải xếp hàng vào hệ thống nhưng việc sửa, hủy lệnh gây lỗi với các lệnh đã khớp, thiết kế hệ thống có ngưỡng chịu lỗi nhất định, nếu quá ngưỡng đó có thể gây sụp đổ hệ thống, do đó HOSE đã phải đóng cửa hệ thống giao dịch phiên chiều ngày 1/6. Theo quy định hiện hành, nếu số lượng lỗi của một công ty chứng khoán vượt quá ngưỡng cho phép thì HOSE được phép ngắt kết nối hệ thống với công ty chứng khoán.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý

"Chúng tôi nợ nhà đầu tư lời xin lỗi", ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nói tại buổi tọa đàm.

Xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh là điều đáng tiếc nhưng theo ông Dũng, việc này cũng cho thấy thị trường đã tăng trưởng vượt bậc. "Gần 1/4 thế kỷ tham gia thị trường, cùng với các thế hệ gầy dựng, những người như chúng tôi chỉ mong thấy được thị trường như ngày hôm nay, phát triển cả về quy mô, thanh khoản và độ sâu", ông nói

Nhưng không vì thế mà ông đổ lỗi rằng nghẽn lệnh hoàn toàn do khách quan. Người đứng đầu ngành chứng khoán thừa nhận, những nhà quản lý đã có lúc bị xao nhãng. Sự mất tập trung đó đến từ sự vận hành quá trơn tru của thị trường trong giai đoạn trước, không lường trước hết tình hình thị trường có thể tăng tốc nhanh như hiện nay. Điều này dẫn tới hệ thống mới chưa được chuẩn bị một cách kịp thời.

Ngay khi tình trạng nghẽn lệnh xảy ra, Bộ Tài chính đã coi sự cố này là tình trạng khẩn cấp quốc gia, tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm. Một trong những mục tiêu lớn nhất là không để thị trường ngừng nghỉ dù chỉ là một ngày. Đồng thời, cơ quan quản lý phải tìm ra giải pháp khẩn cấp và dài hạn để xử lý vấn đề.

Cái khó nhất trong 6 tháng qua là tìm được giải pháp tốt nhất trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, và giữa một "rừng" giải pháp. Tốt nhất trong trường hợp này là hạn chế tối đa ảnh hưởng tới nhà đầu tư, nhưng vẫn phải giảm tải được cho hệ thống, giúp thị trường ổn định hơn. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã nghĩ rằng Sở và Ủy ban chỉ "nhắm mặt chọn bừa", nhưng ông Dũng kể, mỗi giải pháp được đưa ra đều là sự tính toán, nghiên cứu từ tình hình thực tế.

"Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn, email, các ý kiến đóng góp của mọi người, nhưng thực sự không có nhiều thời gian trả lời, không tranh luận được tại sao áp dụng giải pháp này mà không áp dụng giải pháp kia", Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nói và cũng gửi lời xin lỗi tới các chuyên gia, nhà khoa học, công ty chứng khoán... đã nêu ý kiến.

Là người đi cùng với ngành chứng khoán từ những ngày đầu, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI cho rằng, nghẽn lệnh chứng tỏ thị trường phát triển nhanh, nhưng "dự báo, đầu tư là nhiệm vụ" của những người phát triển thị trường.

"Họ trả tiền trả phí để được cung cấp dịch vụ. Vì một lý do gì đó họ chưa thỏa mãn, nếu lý do về phía chúng ta thì chúng ta nợ họ một lời xin lỗi", Chủ tịch SSI nói.

Thị trường sẽ đi vào ổn định trong năm nay

Về hệ thống KRX đã ký kết với Hàn Quốc gần 20 năm, ông Dũng cho biết quá trình triển khai, giới hạn về mặt nhận thức là rào cản rất lớn, mất rất nhiều thời gian để định hình và thỏa thuận về hệ thống. Điều này kéo dài cũng có nhiều yếu tố từ phía đối tác cũng như trong quá trình làm, bản thân HOSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có những lúc xử lý vấn đề chưa quyết liệt. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, ông hy vọng cuối năm nay có thể đưa hệ thống KRX do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc thiết kế sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm nay.

Chia sẻ về tiến độ xử lý nghẽn lệnh với FPT, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HOSE cho biết, những nỗ lực của FPT và HOSE hết sức đáng ghi nhận. Đến bây giờ đã vào đến những bước cuối cùng để báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính và giải quyết triệt để vấn đề nghẽn lệnh trong 6 tháng qua.

"Ngay chiều 24/6, chúng tôi sẽ có buổi họp của ban chỉ đạo, sẽ có báo cáo chính thức và trên cơ sở đó sẽ đưa ra thời gian chính thức", ông Trà thông tin.

Theo Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) Dương Dũng Triều, FPT cử 50 cán bộ chuyên gia phối hợp với 30 cán bộ chuyên gia của HOSE. Hai đội đang làm việc rất vất vả, mấy ngày nay đều làm việc tới 4 giờ sáng, duy trì cho đến khi hệ thống mới sẵn sàng bàn giao và đưa vào vận hành.

Trong kế hoạch 100 ngày, được chia thành 5 giai đoạn: Khảo sát hiện trạng của HOSE, chỉnh sửa phần mềm, kiểm thử với 20 công ty chứng khoán hàng đầu, kiểm thử với tất cả các công ty chứng khoán, chạy giả lập với các công ty chứng khoán.

FPT đang kiểm tra về an ninh bảo mật và ngưỡng hệ thống, song song đó, xây dựng quy trình vận hành nhất là khi xảy ra sự cố. Hệ thống đặt mục tiêu năng lực 3-5 triệu lệnh/ngày và bỏ cơ chế phân bổ lệnh, các công ty chứng khoán đẩy lệnh theo đúng năng lực của họ. Cùng với đó là làm chủ năng lực công nghệ, chủ động nâng cấp…

Về số lượng lệnh gửi vào mỗi giây, hệ thống mới đang được test ngưỡng đáp ứng cao hơn rất nhiều so với hệ thống hiện nay, ông Triều thông tin thêm. Về cảnh báo, ngay cả hệ thống Thái Lan lên đến 90% công suất thì hệ thống không dừng mà chậm đi. FPT đang thảo luận với HOSE tạo ra kịch bản để có hành động thích hợp nhằm duy trì hệ thống không dừng, ông Triều cho biết.

Minh Châu

Theo DNVN