Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói gì trước lời 'kêu cứu' của cổ đông HAGL?
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết đã nắm bắt được thông tin liên quan đến cổ phiếu HAG và đang trong quá trình xử lý.
Thông tin huỷ niêm yết cổ phiếu HAG gây rúng động thị trường tài chính những ngày gần đây.
Trước đó, trong đơn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (CO3 – Bộ Công an), Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), các cổ đông HAGL “đề nghị vào cuộc làm rõ, có hay không sự tung tin sai sự thật phá hoại cổ phiếu HAG, hủy hoại sự minh bạch của thị trường chứng khoán và trả lời rõ cho cổ đông căn cứ vào đâu để huỷ niêm yết HAG”.
Theo cổ đông, việc tung thông tin HAG lại đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho các cổ đông bởi giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.
Trước đó, thông tin huỷ niêm yết cổ phiếu HAG dựa vào vì doanh nghiệp này lỗ 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019).
Cổ đông HAGL cho rằng, không có căn cứ hủy HAG trên sàn HoSE vì Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán, tại Điều 120 khoản 1, điểm e, thì không có quy định hồi tố lỗ.
Đồng thời, nhóm cổ đông HAG khẳng định năm 2019 HAGL báo lãi, không hề có chuyện 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019 thua lỗ như một số thông tin được đưa ra gần đây.
Đặc biêt, các nhà đầu tư đặt câu hỏi, tại sao ngay từ tháng 4/2021 các cơ quan quản lý nhà nước như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HoSE không đưa ra cảnh báo với nhà đầu tư về nguy cơ HAG bị hủy niêm yết, mà sau đó 10 tháng mới lôi vấn đề này ra?
"Chúng tôi là những cổ đông đã đầu tư từ sau thời điểm ngày phát hành báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 (tức tháng 4/2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý sao giờ lại lôi chuyện cũ ra xem xét”, đơn của cổ đông HAGL đặt câu hỏi.
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng. Nguồn Tạp chí Travelmag.vn
Phải chăng cơ quan quản lý đang đem con bỏ chợ, đánh lừa nhà đầu tư, để cổ đông “xuống tiền” sở hữu cổ phiếu của HAGL rồi mới “lộ” thông tin HAGL sẽ bị hủy niêm yết vì để lỗ trong ba năm liên tục.
Liên quan đến các nội dung "kêu cứu" của cổ đông HAGL trước nguy cơ huỷ niêm yết cổ phiếu HAG, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (bộ Tài Chính) đã có ý kiến phản hồi báo chí.
Cụ thể, trên ấn phẩm Người Đưa Tin (thuộc Tạp chí Đời Sống Pháp Luật), ông Dũng thừa nhận, việc hồi tố báo cáo tài chính dẫn đến nguy cơ cổ phiếu bị hủy niêm yết là chua có tiền lệ, chưa từng xảy ra với thị trường chứng khoán Việt Nam. “Vấn đề xem xét huỷ niêm yết liên quan đến hồi tố báo cáo tài chính chưa từng xảy ra nên phía Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) có hỏi ý kiến của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Thực tế thẩm quyền huỷ niêm yết hay không là của HOSE. Tất nhiên chúng tôi cũng có vai trò và trách nhiệm, tuy nhiên mọi chuyện vẫn đang trong quá trình xử lý nên chưa thể thông tin gì thêm”, ông Trần Văn Dũng nói.
Cùng ngày, ông Lê Công Điền – Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty đại chúng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng cho biết, theo nguyên tắc, thẩm quyền quyết định thuộc về HOSE.
“Tôi được biết phía HoSE sẽ làm việc với HAGL để xem xét các vấn đề liên quan. Chúng tôi cũng có vai trò phối hợp để đưa ra phương án theo đúng căn cứ pháp lý. Dù vậy, mọi việc đều phụ thuộc vào đề xuất của HOSE”, ông Lê Công Điền phân tích.
Ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) cho rằng “vụ việc này không thuộc thẩm quyền của VNX, nếu phóng viên cần lấy thông tin thì nên hỏi các cơ quan quản lý”.
Theo phản ánh, phóng viên của tờ báo này nhiều lần gọi điện cho ông Lê Hải Trà – Tổng giám đốc HOSE, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi. Trong khi Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết ông đang đi công tác nhưng cũng đã nắm bắt được thông tin cổ phiếu HAGL có nguy cơ bị hủy niêm yết vì hồi tố báo cáo tài chính. Ông Chi cho biết thêm sẽ yêu cầu báo cáo để có phương án xử lý.
"Chúng tôi là những cổ đông đã đầu tư từ sau thời điểm ngày phát hành báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 (tức tháng 4/2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý sao giờ lại lôi chuyện cũ ra xem xét. Vậy ai chịu trách nhiệm cho những người mua cổ phiếu từ tháng 4/2021. Đặc biệt, những ngày cuối năm 2021, hàng loạt thông tin, báo cáo từ HAG cho thấy một doanh nghiệp hồi sinh vì có liên tiếp các quý làm ăn khởi sắc và có lãi trở lại, kỳ vọng năm 2022 có lợi nhuận gấp chục lần năm 2021 nên chúng tôi đã đầu tư.
Vì vậy, nếu HOSE đột ngột thông báo HAG bị hủy niêm yết vì những chuyện xảy ra những năm trước, sẽ gián tiếp giết chết các cổ đông, những người mua cổ phiếu vì kỳ vọng tương lai chứ không hề có trách nhiệm phải chịu về những tồn đọng quá khứ", đơn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan hữu quan của cổ đông HAGL cho biết.
Theo cổ đông HAGL, nếu HoSE tiến hành hủy đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông HAG hiện nay, đặc biệt là những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 3/2021 trên cơ sở căn cứ vào BCTC quý của HAG gần đây có lãi. Cũng theo cổ đông, báo cáo tài chính hồi tố 2017, 2018, 2019 không có kiểm toán và không có giá trị pháp lý để xem xét việc hủy niêm yết HAG.