Chứng khoán giảm điểm phiên đầu tuần, SAB "dìm" chỉ số
SAB chấm dứt chuỗi tăng giá liên tiếp và gây nhiều áp lực lên VN-Index trong phiên 13/7. Các cổ phiếu bất động sản lớn như VRE hay VHM cũng không có được sự tích cực.
Thị trường khởi động phiên giao dịch đầu tuần mới có phần tích cực khi lực mua thắng thế và kéo hàng loạt cổ phiếu trụ cột lên trên mốc tham chiếu, các chỉ số thị trường vì vậy cũng tăng điểm tương đối tốt. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư dường như đã chững lại khi lực bán dâng cao và đẩy hàng loạt cổ phiếu lớn đảo chiều, lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Các chỉ số biến động trong biên độ hẹp nên VN-Index và HNX-Index cũng chỉ giao dịch với trạng thái giằng co.
Khoảng thời gian từ 14h, áp lực bán tiếp tục dâng cao và khiến VN-Index không còn duy trì được sắc xanh mà lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Dù vậy, mức giảm của các chỉ số đều không quá mạnh.
SAB, VRE, VHM, VNM, BID… đều chìm trong sắc đỏ và là nguyên nhân chủ chốt đẩy VN-Index xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, SAB giảm đến 2,9% xuống 2000.000 đồng/cp. Như vậy, sau chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp từ 157.000 đồng/cp lên 206.000 đồng/cp thì cổ phiếu này đã điều chỉnh mạnh trở lại trong phiên 13/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 13/7. Nguồn: Fialda.
Nêm cạnh đó, VRE giảm 2% xuống 26.500 đồng/cp, VHM giảm 0,4% xuống 79.100 đồng/cp, VNM giảm 0,4% xuống 114.800 đồng/cp, HPG giảm 0,4% xuống 27.650 đồng/cp. Sáng 11/7, tại khu vực lò cao số 1 Khu liên hợp gang Thép Hoà Phát Dung Quất đã xảy ra sự cố cháy. Sự việc diễn lúc 6h30 - 6h45 sáng và không có thiệt hại về người. Các khu vực sản xuất khác không bị ảnh hưởng. Công ty đã khắc phục xong sự cố và 2-3 ngày tới lò cao số 1 sẽ vận hành trở lại bình thường.
Chiều ngược lại, GAS, VCB, FPT, CTG, REE… là các cổ phiếu làm trụ đỡ tốt cho thị trường giúp VN-Index không giảm quá sâu. GAS tăng 0,8% lên 74.900 đồng/cp, VCB tăng 0,2% lên 82.900 đồng/cp, FPT tăng 1,8% lên 48.650 đồng/cp.
Theo thông báo mới đây, SCIC muốn bán toàn bộ hơn 46 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 5,87% vốn điều lệ tại thời điểm tháng 6/2020. Giá khởi điểm là 49.400 đồng/cp, tương đương nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra tối thiểu gần 2.273 tỷ đồng để mua trọn lô. SCIC chỉ bán cho các nhà đầu tư trong nước do FPT đã hết room nước ngoài.
Một cổ phiếu khác cũng gây được sự chú ý là HSG, cổ phiếu này tăng 0,9% lên 11.850 đồng/cp. HSG vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 6 với doanh thu 2.121 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng. Tính lũy kế quý III niên độ tài chính 2020 (1/4-30/6), doanh thu ước đạt 6.825 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế là 307 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sự phân hóa tiếp tục diễn ra khá mạnh, các mã như E29, C21, RCL hay TIX đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, KOS giảm 2,1%, FIT giảm 1,9%, DXG giảm 1,7%...
Tuy vậy, vẫn có khá nhiều cổ phiếu lớn tăng giá tốt, THD là cái tên đáng chú ý nhất, cổ phiếu này vẫn được kéo lên mức giá trần và đây cũng là phiên tăng trần thứ 17 liên tiếp của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE hôm 19/6. Ngoài ra, các cổ phiếu như PPI, CCL, DIG, IDJ… cũng tăng giá tương đối tốt.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,49 điểm (-0,29%) xuống 868,72 điểm. Toàn sàn có 149 mã tăng, 230 mã giảm và 54 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 115,65 điểm. Toàn sàn có 65 mã tăng, 67 mã giảm và 66 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,03 điểm (0,05%) lên 57,28 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với phiên cuối tuần trước và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 4.713 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 280 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 934 tỷ đồng. Chỉ có 2 cổ phiết bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường là HQC và ITA, trong đó, HQC khớp lệnh được 7,9 triệu cổ phiếu còn ITA là 5,9 triệu cổ phiếu.
Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 13/7. Nguồn: Fialda.
Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng nhưng giá trị giảm đáng kể so với phiên trước và ở mức 63 tỷ đồng (gồm cổ phiếu và chứng chỉ quỹ). VRE đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với 25,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các cổ phiếu bất động sản như CII, DXG, KDH và NLG cũng nằm trong danh sách bị khối ngoại bán ròng mạnh. Chiều ngược lại, chỉ có VIC là cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã được mua ròng mạnh nhất nhưng giá trị cũng chỉ là hơn 6 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), việc VN-Index đánh mất ngưỡng 870 điểm trong phiên 13/7 là một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu sớm của sóng 5 hiện tại và nếu như không sớm lấy lại ngưỡng này trong các phiên tiếp theo thì khả năng target 895 điểm (MA200) khó đạt được. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên thứ tư liên tiếp với gần 65 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 7 giảm nhẹ hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức basis âm xuống còn 3,17 điểm; trong bối cảnh chỉ còn ba phiên nữa là đáo hạn thì diễn biến này là dễ hiểu.
SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 14/7, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để hướng dần đến ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 895 điểm (MA200). Nhà đầu tư đã giảm tỷ trọng một phần trong phiên hôm nay khi VN-Index đánh mất ngưỡng 870 điểm nên tiếp tục quan sát thị trường và có thể bán ra toàn bộ nếu VN-Index đánh mất ngưỡng 855 điểm trong các phiên tiếp theo. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và chưa nên vội giải ngân do đây đã là sóng tăng cuối của chu kỳ hồi phục từ quanh ngưỡng 650 điểm đến nay.
Theo Tuấn Hào/ Reatimes
Link nguồn: http://reatimes.vn/chung-khoan-giam-diem-phien-dau-tuan-sab-dim-chi-so-1594645471689.html