Chứng khoán hút vốn: Nhà đầu tư đổ tiền vào tài khoản, giao dịch 1 - 2 tỷ USD/phiên

Đại diện VPBankS cho rằng, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã điều chỉnh về mức thấp hơn trung bình 10 năm, định giá thị trường hiện ở mức tương đối hấp dẫn so với khu vực MSCI Emerging và một số nước trong khu vực.

 

Chứng khoán hút vốn: Nhà đầu tư đổ tiền vào tài khoản, giao dịch 1 - 2 tỷ USD/phiên - Ảnh 1Hội thảo "Chọn danh mục - đón sóng lớn" của VPBankS

Nhiều tín hiệu tích cực

Tại hội thảo "Chọn danh mục - đón sóng lớn", các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã đưa ra những góc nhìn tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán trong năm 2024.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS, giai đoạn nới lỏng chính sách của Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 4/2023 đến nay. Nghiên cứu của VPBankS cho thấy sự tương quan giữa nới lỏng chính sách và VN-Index là khi lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm, thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh và ngược lại.

“Tham chiếu với tất cả chu kỳ nới lỏng chính sách trong quá khứ, thị trường chứng khoán đều tăng trưởng tốt. Do đó, cùng với triển vọng nâng hạng thị trường, tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ đi lên trong 1-2 năm tới. Thị trường chứng khoán sẽ có nhịp điều chỉnh, nhưng xu hướng chủ đạo là đi lên”, ông Trần Hoàng Sơn cho biết.

Theo ông, niềm tin của nhà đầu tư đã quay lại, với dẫn chứng là thanh khoản thị trường tăng cao. Nếu khởi đầu năm 2023, thanh khoản đạt khoảng 13.000 – 14.000 tỷ đồng/phiên, trung bình cả năm là 18.000 tỷ đồng/phiên thì khởi đầu năm 2024 đã xuất hiện nhiều phiên giao dịch với thanh khoản từ 1-2 tỷ USD.

“Điều này cho thấy thanh khoản đã tăng lên rất cao kể từ tháng 3/2022. Kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế và kỳ vọng nâng hạng thị trường đã kéo dòng tiền vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu”, ông Trần Hoàng Sơn cho biết.

Một dẫn chứng khác cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại là giá trị tiền gửi tại các công ty chứng khoán tăng lên qua từng quý trong năm 2023.

Đại diện VPBankS cho rằng định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã điều chỉnh về mức thấp hơn trung bình 10 năm. Sau khi P/E đạt 17 lần tại vùng đỉnh ở tháng 9/2023, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh trở lại, định giá về mức hấp dẫn hơn khi P/E đạt 15,4 lần, thấp hơn mức trung bình 10 năm là 16,6 lần. Theo đó, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối hấp dẫn so với khu vực MSCI Emerging và một số nước trong khu vực.

Chứng khoán hút vốn: Nhà đầu tư đổ tiền vào tài khoản, giao dịch 1 - 2 tỷ USD/phiên - Ảnh 2

Với dự báo lợi nhuận năm 2024 tiếp tục phục hồi, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng mức định giá hợp lý là cơ sở để thu hút dòng tiền tham gia trở lại thị trường.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước qua sóng điều chỉnh mạnh của năm 2022 và chuyển sang giai đoạn tích luỹ, hồi phục trong năm 2023. Xu hướng thị trường trong năm 2024 sẽ tiếp tục khởi sắc hơn khi được hỗ trợ từ chính sách nới lỏng, lãi suất điều hành và lãi suất huy động giảm dần, lợi suất trái phiếu giảm, các gói hỗ trợ kích cầu kinh tế được đưa ra,…”, ông Trần Hoàng Sơn dự báo.

VPBankS dự phóng chỉ số VN-Index có thể đạt mốc cao trong năm 2024 từ 1.326 – 1.350 điểm (tăng 17% so với năm 2023), trong đó vùng dao động chính xoay quanh mốc 1.200 điểm. Mức thấp trong năm có thể ở mốc hỗ trợ 1.100 điểm.

Triển vọng nâng hạng thị trường

Theo ông Trần Hoàng Sơn, 2 rào cản lớn để đáp ứng các điều kiện nâng hạng của FTSE là tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) và ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) hiện đang được Bộ Tài chính tháo gỡ thông qua việc sửa đổi một số điều luật. Chuyên gia VPBankS dự báo các thay đổi này có thể được triển khai ngay trong nửa đầu năm 2024.

“Công ty chứng khoán sẽ được trao quyền quyết định tỷ lệ ký quỹ, trong đó một vài công ty chứng khoán lớn với tệp khách hàng là tổ chức nước ngoài sẽ được áp dụng đầu tiên, giải quyết câu chuyện về ký quỹ trước giao dịch”, ông Trần Hoàng Sơn cho biết.

Về room ngoại, ông Sơn dự báo nhiều khả năng Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp sử dụng chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết tương tự như Thái Lan, giúp giải tỏa cơn khát của nhà đầu tư nước ngoài. Biện pháp này dự kiến được áp dụng từ cuối năm 2024, giúp việc giao dịch của khối ngoại trở nên dễ dàng hơn.

Về hệ thống KRX, trong tháng 3 vừa qua, hệ thống đã được chạy thử ở hầu hết các công ty chứng khoán và dự kiến sớm áp dụng trong năm 2024. Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh sẽ được áp dụng trong năm 2025.

VPBankS kỳ vọng Việt Nam sẽ đáp ứng điều kiện của FTSE trong kỳ đánh giá nâng hạng vào tháng 3/2025, đến tháng 9/2025 sẽ chính thức được nâng hạng.

Với MSCI, trong kỳ đánh giá vào tháng 6 tới, MSCI sẽ thu thập phản hồi của nhà đầu tư quốc tế, nhiều khả năng sẽ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng. Đến tháng 6/2025, nếu đáp ứng được các tiêu chí, MSCI sẽ thông báo về việc Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi và áp dụng chính thức từ tháng 6/2026.

Với lộ trình nêu trên, ông Trần Hoàng Sơn dự báo thị trường chứng khoán dự kiến tăng trưởng tốt. Các nhịp điều chỉnh chính là cơ hội để nhà đầu tư mua vào.

VPBankS ước tính, giá trị dòng vốn thụ động tối thiểu chảy vào thị trường Việt Nam đạt khoảng 882 triệu USD khi quyết định nâng hạng của FTSE có hiệu lực, dòng vốn chủ động có thể lớn hơn gấp 10 lần. Khi được MSCI nâng hạng, Việt Nam có thể thu hút dòng vốn tối đa khoảng 1,02 tỷ USD.

Ông Trần Hoàng Sơn sự báo VN-Index có thể đạt cao nhất 1.650 – 1.750 điểm sau khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi. 

Hải Đường

Theo VietnamFinance