Chứng khoán nâng hạng: DN nâng chất để để đón dòng vốn ngoại

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành HoSE đã nêu rõ những điều mà các DN cần chuẩn bị để đón dòng vốn ngoại khi TTCK được nâng hạng.

Năm 2024, tổ chức xếp hạng tín nhiệm FTSE đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và thị trường chứng khoán có khả năng được nâng hạng vào năm 2025. Để tiến tới cột mốc này, cơ quan quản lý đã nỗ lực tháo gỡ nhiều vướng mắc để thoả mãn đủ các tiêu chí mà FTSE đưa ra.

Các chuyên gia dự báo khi chứng khoán được nâng hạng, dòng vốn lớn từ khối ngoại sẽ chảy vào thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh đó, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã nêu rõ những điều mà các doanh nghiệp trên thị trường cần chuẩn bị để đón dòng vốn ngoại dồi dào này.

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành HoSE  
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành HoSE  

Theo bà, các doanh nghiệp niêm yết cần tập trung cao chất lượng về công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp tốt, đảm bảo thông tin công bố là trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, có thể so sánh được và quyền tiếp cận bình đẳng thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài.

“Doanh nghiệp niêm yết cần minh bạch không chỉ đối với thông tin bắt buộc công bố mà còn phải chủ động cung cấp những thông tin cần thiết để bảo vệ quyền lợi cổ đông và duy trì lòng tin nhà đầu tư. Đồng thời, theo thông tư 68/2024/TT-BTC quy định về lộ trình CBTT bằng tiếng Anh đối với các công ty đại chúng thì doanh nghiệp niêm yết phải CBTT định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ 1/1/2025, CBTT bất thường đồng thời bằng tiếng Anh kể từ 1/1/2026”, bà Trần Anh Đào nêu rõ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp niêm yết cần chuẩn bị nguồn lực để áp dụng chuẩn mực IFRS theo đúng lộ trình của Bộ Tài chính, góp phần nâng cao tính minh bạch cũng như có thể so sánh được trên phạm vi quốc tế, từ đó huy động được nguồn vốn mang tính chất toàn cầu.

Đánh giá về việc công khai minh bạch thông tin của doanh nghiệp trong năm 2024, bà Trần Anh Đào cho biết đã có sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành đúng quy định pháp luật về công bố thông tin. Nếu như trong năm 2023, thị trường ghi nhận 175 công ty vi phạm và bị nhắc nhở 216 lần, thì từ đầu năm 2024 đến nay đã giảm còn 104 công ty vi phạm và bị nhắc nhở công khai 125 lần trên website HoSE.

Về thực hành quản trị doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững, vượt trên tuân thủ, các doanh nghiệp nên áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt từ những thị trường phát triển, tích hợp các tiêu chí ESG vào hoạt động kinh doanh.

Theo bà, những tiêu chuẩn này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn góp phần bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận nguồn vốn từ nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh việc gia tăng chất lượng của doanh nghiệp, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp niêm yết mới cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có thêm nhiều lựa chọn.

Tính đến hết ngày 31/10/2024, HoSE đón 9 doanh nghiệp niêm yết mới, với khối lượng 2,5 tỷ cổ phiếu, tăng hơn 9 lần so với năm 2023, bao gồm một số doanh nghiệp lớn từ nhiều lĩnh vực như bưu chính (VTP), vận tải (QNP), ngân hàng (NAB), tiêu dùng thiết yếu (GEE, MCM), năng lượng (HNA), chứng khoán (DSE, TCI, DSC).

Hải Đường

Theo VietnamFinance