Chứng khoán Việt Nam lại lỡ 'chuyến tàu' nâng hạng, phải chờ năm 2025
FTSE Russell ghi nhận nỗ lực cải cách thị trường của Chính phủ và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều lý do khiến Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Không nằm ngoài dự đoán, trong kỳ đánh giá tháng 10/2024, FTSE Russell vẫn chưa xướng tên Việt Nam trong danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Theo FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí về “Chu kỳ thanh toán (DvP)”, hiện đang được đánh giá là “Hạn chế” (Restricted) do thực tế thị trường còn thực hiện kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo có sẵn vốn trước khi thực hiện giao dịch. Như vậy, nghiễm nhiên là thị trường không có các giao dịch thất bại (failed trades) và tiêu chí “Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại“ không được đánh giá.
Tổ chức xếp hạng cũng cho rằng, cần có sự cải thiện trong quy trình đăng ký tài khoản mới, vì thực tế thị trường hiện tại đang kéo dài quá trình đăng ký. Việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã “cạn” hoặc sắp “cạn” room cũng được xem là một biện pháp quan trọng.
Báo cáo FTSE Russell nêu rõ, mô hình thanh toán “Không cần ký quỹ trước” (Non-Prefuding) đang được xem xét đã được điều chỉnh với sự tham gia và phối hợp của các thành viên thị trường và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC, loại bỏ cầu phải có đủ tiền trước khi thực hiện giao dịch mua của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, cập nhật mới nhiều các quy định về giao dịch chứng khoán, thanh toán và bù trừ, hoạt động của các công ty chứng khoán và công bố thông tin.
Nội dung liên quan tiếp theo được chờ đợi là việc công bố các quy tắc vận hành chi tiết hơn từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC). FTSE Russell tiếp tục khuyến khích các cuộc họp giữa các tổ chức Việt Nam địa phương và cộng đồng đầu tư quốc tế, để đảm bảo các quy tắc này đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia quốc tế và địa phương liên quan.
“Điều quan trọng là Việt Nam phải duy trì được tốc độ thay đổi, cải cách nếu muốn đạt được mục tiêu vào năm 2025 mà Thủ tướng Việt Nam đặt ra vào đầu năm nay. Các quy tắc thị trường đã sửa đổi cần sớm được thống nhất và thông tin rộng rãi, bao gồm việc xác định vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán, cũng như lộ trình thực hiện với các mốc thời gian cụ thể”, FTSE Russell nhấn mạnh.
Tổ chức xếp hạng cũng ghi nhận sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ Việt Nam đối với các cải cách thị trường và đánh giá cao mối quan hệ xây dựng với UBCKNN, các cơ quan quản lý thị trường khác và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), đơn vị đang hỗ trợ đẩy mạnh chương trình cải cách thị trường.
Tháng 9 vừa qua, ngay sau khi Thông tư 68 được ban hành, các công ty chứng khoán đã đưa ra dự báo về triển vọng nâng hạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, giới phân tích thống nhất quan điểm cho rằng, việc xóa bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài đã Việt Nam đã tiến gần hơn tới các tiêu chí đánh giá thị trường mới nổi của FTSE Russell.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để Việt Nam được nâng hạng trong kỳ phân loại tháng 10. Thực tế, phải đến ngày 2/11, Thông tư 68 mới có hiệu lực và các công ty chứng khoán cũng cần thời gian xây dựng quy trình và triển khai sản phẩm giao dịch thiếu tiền.
ACBS kỳ vọng FTSE Rusell sẽ thêm Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025. Trong khi đó, Mirae Asset và SSI Research cùng duy trì kịch bản thị trường Việt Nam được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025.
Theo các chuyên gia, việc chuyển từ thị trường cận biên lên mới nổi không chỉ là thay đổi tên gọi, mà còn là sự thay đổi về chất với dòng vốn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp.
SSI Research ước tính, với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).
Còn theo ACBS, nếu được nâng hạng, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7-0,9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động.
Trong khi đó, tổng hợp một số quỹ ETF sử dụng FTSE Emerging Markets Index làm tham chiếu, Mirae Asset tính toán, với tỷ trọng phân bổ 0,6% Việt Nam có thể nhận đầu tư khoảng 516 triệu USD (gần 12.500 tỷ đồng).