Chuyện buồn tại CC1: “Lãi cũng như không”, ngày càng lệ thuộc vốn vay, dòng tiền tiếp tục âm hơn 2.000 tỷ đồng
Năm 2024, Tổng công ty xây dựng số 1 – CTCP (mã chứng khoán: CC1) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 259 tỷ đồng. Song thực tế, lãi chỉ nằm trên sổ sách chứ không thu được tiền về kéo theo dòng tiền kinh doanh trở lại với quỹ đạo âm.
![]() |
Lãi như không
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 mới được Tổng công ty xây dựng số 1 – CTCP công bố cho thấy, năm vừa qua, CC1 ghi nhận thu thuần tăng tới 81% so với năm trước, đạt 10.157 tỷ đồng, lập kỷ lục mọi thời đại, song biên lãi gộp lại suy giảm tới 1,08 điểm %, xuống mức 4,76%.
Mặc dù biên lãi gộp suy giảm, nhưng do có doanh thu lớn, lãi gộp năm 2024 của CC1 vẫn rất cao, đạt 484 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước. Tuy vậy, kết năm 2024, lãi sau thuế cũng chỉ tăng 18%, đạt 259 tỷ đồng.
Nguyên do căn bản khiến lãi sau thuế của công ty không thể tăng mạnh như doanh thu hay lãi gộp là sự suy giảm của doanh thu tài chính. Cụ thể, năm qua, doanh thu tài chính của CC1 chỉ đạt 351 tỷ đồng, giảm 55%, chủ yếu là do công ty không còn ghi nhận khoản lãi “khủng” từ hoạt động chuyển nhượng các khoản đầu tư như năm trước, bất chấp lãi từ tiền gửi/tiền cho vay đã tăng lên.
Bởi vậy, so với kế hoạch năm đầy tham vọng: doanh thu thuần 11.600 tỷ đồng, lãi trước thuế 590 tỷ đồng, CC1 chỉ hoàn thành được lần lượt 87,5% và 55%.
Tồn kho “phình to”, dòng tiền âm hơn 2.000 tỷ đồng
Nếu nhìn vào bức tranh tài chính qua các năm của CC1 thì có thể thấy năm 2024 doanh nghiệp ghi nhận lãi khá cao (259 đồng sau thuế, cao thứ 4 trong lịch sử doanh nghiệp, chỉ sau các năm 2021, 2015, 2014), nhưng lãi của CC1 lại chỉ nằm trên sổ sách chứ không thu được tiền về.
Trong khi đó, dòng tiền kinh doanh năm 2024 của CC1 lại âm rất nặng lên đến -2.270 tỷ đồng, đánh dấu việc quay trở lại với quỹ đạo âm dòng tiền kinh doanh. Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua (2020 – 2024), CC1 chỉ có duy nhất năm 2023 là dương dòng tiền kinh doanh.
![]() |
Nguyên nhân cơ bản khiến dòng tiền kinh doanh của CC1 âm rất nặng trong năm 2024 là sự gia tăng của các các khoản phải thu và hàng tồn kho. Tại ngày 31/12/2024, các khoản phải thu đạt 7.863 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và chiếm 47% tổng tài sản.
Hàng tồn kho trong năm 2024 cũng tăng tới 60%, lên 1.487 tỷ đồng, chiếm 9% tổng tài sản. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 10%, lên 2.853 tỷ đồng, chiếm 17% tổng tài sản.
![]() |
Như vậy, 73% tài sản của CC1 đang bị “chôn” ở các khoản phải thu, hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
“Lỡ hẹn” chuyển sàn, ngày càng lệ thuộc vào vốn vay
Trước tình trạng dòng tiền kinh doanh âm lớn, CC1 đã gia tăng vay nợ để duy trì hoạt động. Năm 2024, dòng tiền thu từ đi vay của công ty đã tăng 79%, lên 7.297 tỷ đồng – mức cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Dư nợ vay cuối năm 2024 tăng 40% lên 6.020 tỷ đồng, kéo tổng nợ phải trả của công ty lên 12.161 tỷ đồng, gấp 2,65 lần vốn chủ sở hữu.
Nhờ nguồn tiền đi vay lớn, CC1 hiện vẫn có quỹ tiền mặt khá dồi dào, đạt 2.710 tỷ đồng, tương đương 16% tổng tài sản.
![]() |
Đáng chú ý, bên cạnh việc gia tăng vay nợ thì CC1 cũng vừa trải qua 2 năm liên tiếp chưa tăng vốn thành công như mong đợi và cũng “lỡ hẹn” với việc chuyển cổ phiếu từ sàn UPCoM sang HoSE. Đây chính là một trong những yếu tố khiến công ty lún sâu vào việc lệ thuộc vốn vay.
Cụ thể, năm 2023, CC1 đặt mục tiêu tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán riêng lẻ. Tuy nhiên, công ty chỉ thực hiện được phần phát hành hơn 29,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 3.585 tỷ đồng. Trong khi đó, phương án chào bán riêng lẻ vẫn chưa thể triển khai. Ban lãnh đạo CC1 cho biết, trước sự bất ổn của thị trường chứng khoán, việc phát hành cổ phiếu có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông, do đó công ty quyết định hoãn kế hoạch này.
Sang năm 2024, CC1 tiếp tục đề xuất phương án phát hành thêm 232,2 triệu cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên 5.907,4 tỷ đồng. Kế hoạch này bao gồm phát hành hơn 32,2 triệu cổ phiếu trả cổ tức và chào bán riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng giống như năm trước, kế hoạch này chưa thể thực hiện.
Biến động “ghế nóng”
Song song với tình hình kinh doanh chưa như mong đợi thì mới đây, ngày 3/2/2025, ông Nguyễn Văn Huấn – Chủ tịch HĐQT CC1 đã có đơn xin từ nhiệm. Nguyên nhân do ông Huấn cần dành nhiều thời gian cho vai trò lãnh đạo tại CC1 Holdings để tiếp tục định hình và phát triển nhiều lĩnh vực kinh doanh mới của CC1 Holdings.
Theo đó, ông Huấn - người đã dẫn dắt CC1 kể từ khi thoái vốn hoàn toàn vào cuối năm 2020 cho biết, ông không thể sắp xếp thời gian đảm nhận và hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ do HĐQT CC1 giao phó.
Cùng ngày, CC1 có thông báo thay đổi nhân sự, bổ nhiệm ông Phan Hữu Duy Quốc – Thành viên HĐQT độc lập đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 3/2/2025. Dữ liệu báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 cho biết, ông Nguyễn Văn Huấn đang sở hữu 11,02% vốn của CC1; CTCP CC1-Holidngs sở hữu 10% vốn của CC1. Còn lại 78,98% là các cổ đông khác.