Chuyển dự án sân golf thành đất ở: Có vì lợi ích nhóm?

Thời gian gần đây, nhiều sân golf đã được phê duyệt xin chuyển đổi thành khu đô thị, nhà ở để bán, cho thuê. Chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi phục vụ quyền lợi của nhóm lợi ích.

Bộ Xây dựng cũng “hướng dẫn” chuyển đổi

Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến sân golf Phan Thiết sau khi chuyển thành khu đô thị.

Trước khi trở thành đô thị, khu đất dự án trên là sân golf Phan Thiết được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp giấy phép từ năm 1993, 100% vốn nước ngoài, thời gian hoạt động 50 năm, cho thuê trả tiền đất hằng năm.

Trong quá trình hoạt động, dự án sân golf trải qua 4 lần thay đổi chủ đầu tư. Lần gần nhất là năm 2013, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông. Tổng diện tích sân golf và các công trình phụ trợ khoảng 62ha.

Tiếp nhận sân golf hơn hai tuần, ngày 24/12/2013, chủ đầu tư kiến nghị địa phương xin chuyển nhượng đất sân golf sang đất ở đô thị để đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng..., vì cho rằng kinh doanh sân golf không hiệu quả, luôn bị thua lỗ, không bù đắp nổi chi phí. Yêu cầu này được chấp thuận vào tháng 3/2015.

Việc địa phương cho phép chuyển đổi sân golf thành khu đô thị, Thanh tra Chính phủ kết luận phù hợp với quy định.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, Bình Thuận phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 không bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) trong phạm vi dự án là chưa đúng quy định.

Cho dù chính quyền tỉnh này đã hoán đổi hai khu đất khác có tổng diện tích tương đương (8,57ha) để xây dựng NƠXH, đồng thời cho phép chủ đầu tư nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất cho Nhà nước thì vẫn chưa phù hợp theo quy định.

 Lý do là việc nộp tiền quỹ đất xây dựng NƠXH chỉ áp dụng đối với các dự án phát triển nhà thương mại, đầu tư phát triển đô thị có quy mô dưới 10ha, trong khi dự án trên có quy mô hơn 62ha.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, Bộ Xây dựng cũng có phần trách nhiệm trong trường hợp này. Lý do là bộ này, trong một văn bản phản hồi với chính quyền Bình Thuận, đã “hướng dẫn” địa phương này “có thể căn cứ vào nhu cầu, kế hoạch phát triển NƠXH hằng năm, trung hạn và dài hạn đã phê duyệt, nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch đất dành cho NƠXH sang vị trí khác cho phù hợp trong TP Phan Thiết”.

Đầu năm 2019, UBND thành phố Hà Nội cũng có văn bản đề nghị các bộ, ngành cho ý kiến thống nhất điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô theo hướng cho Cty CP đầu tư Long Biên cắt 7,68 ha đất sân golf Long Biên xây khu nhà ở sinh thái Him Lam Long Biên.

Trước đó, trong văn bản cho ý kiến về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại dự án sân golf Long Biên, Bộ Xây dựng đã bày tỏ lo ngại về việc chuyển đổi đất quốc phòng tại dự án sân golf Long Biên sang đất xây nhà thương mại để bán và tác động của việc chia tách dự án sân golf Long Biên.

Tuy nhiên, trong Văn bản số 7899/BQP góp ý về việc chuyển một phần diện tích đất sân golf thành dự án khu nhà ở sinh thái Him Lam Long Biên , Bộ Quốc phòng lại cho rằng việc điều chỉnh chức năng khu đất không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng.

Dự kiến, sau khi các bộ, ngành cho ý kiến thống nhất tách 7,68 ha đất từ sân golf Long Biên để làm dự án khu nhà ở sinh thái Him Lam Long Biên, UBND TP Hà Nội sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng quyết định.

Ngăn chặn thế nào?

Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự thảo nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, quy định điều kiện, thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh sân golf và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh sân golf.

Dự thảo nêu rõ, đất xây dựng sân golf phải được công bố công khai, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng các điều kiện, thủ tục theo quy định tại nghị định này, pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường và pháp luật có liên quan.

Dự thảo quy định rõ không được sử dụng đất xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf để xây dựng nhà ở thương mại hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Không được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch xây dựng sân golf đã phê duyệt để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nghị định vẫn trong thời gian “thai nghén”.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường, các cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết phải có quan điểm rõ ràng trong việc điều chỉnh.

“Đừng lợi dụng biến các dự án này thành một loạt chung cư. Điều cuối cùng là thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết thực hiện việc này thế nào? Có yếu tố tiêu cực, tham nhũng nào trong việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, lợi ích nhóm nào không, cơ quan chức năng phải làm rõ”, ông Võ nói.

Theo ông Võ, không cần phải chờ đến nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, bởi việc chuyển đổi chỉ cần Thủ tướng quyết định là xong.

Thậm chí, việc điều chỉnh ở một tỉnh nào đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách đơn vị quản lý sử dụng đất hoàn toàn có thể “tuýt còi” dự án chứ không cần đến nghị định hay đề xuất, kiến nghị lên đến tận Thủ tướng.

Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận xác nhận, tỉnh có văn bản phản hồi sau khi có thông tin về kết luận thanh tra liên quan khu đô thị.

Hiện tại, còn có nhiều ý kiến khác nhau, vừa rồi cũng có hiểu lầm đáng tiếc, nhiều điểm chưa thống nhất. “Thanh tra dự kiến kết luận như thế và báo cáo xin Chính phủ có ý kiến.

Nhiều khi Chính phủ có ý kiến không đồng tình với kết luận. Lúc đó, Thanh tra Chính phủ phải chỉnh sửa và có bản kết luận khác với bản trình Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, thực hiện đúng kết luận và công bố công khai kết luận theo quy định”, ông Hùng nói.

Theo Ngọc Mai/ Tiền Phong

 

Tin liên quan