Chuyên gia Bùi Kiến Thành: 'Việt Nam đang có vị thế đặc biệt để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ'
Nhân chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành chia sẻ với Tạp chí Đầu tư tài chính - VietnamFinance góc nhìn riêng của ông về cơ hội và những thách thức với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ cả hai quốc gia.
Hợp tác kinh tế Mỹ và Việt Nam chưa đạt quy mô xứng tầm
Mối quan hệ Việt Nam và Mỹ đã được kết nối sau khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 12/7/1995 (giờ Việt Nam). Tình trạng này kéo dài 18 năm, đến tháng 7/2013 nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện.
Trong tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện, lần đầu tiên hai nước xác định rõ nguyên tắc quan hệ là ‘tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nhất là tôn trọng thể chế chính trị của nhau’.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng, sau mấy chục năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, sự hợp tác kinh tế Mỹ và Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Lẽ ra nước Mỹ là đại cường quốc trên toàn cầu, nhưng vẫn chưa nằm trong top dẫn đầu của các nước đầu tư vào Việt Nam. Danh sách các top này hiện có Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc….
"Chúng ta vẫn nên tự hỏi sao chưa thấy nhà đầu tư Mỹ đâu', ông Thành nêu.
Có một số ít các tập đoàn tài chính Mỹ đầu tư vào Việt Nam qua các công ty con ở Singapore, trừ 1 số nhà đầu tư năng lương. thì tổng đầu tư Mỹ vào Việt Nam thực tế chưa xứng tầm với quốc gia phát triển như Mỹ và chưa xứng với tiềm năng đặc biệt của Việt Nam.
Thương mại song thương với Mỹ năm 2022 đạt 139 tỷ USD, về con số là rất lớn nhưng gần 80% là của các công ty đầu tư nước ngoài xuất khẩu qua Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm chừng 20%.
Số liệu thống kê cho thấy tổng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc, thực chất lấy tiền công lao động là chính, nguyên liệu linh kiện đều nhập từ nước ngoài vào, gia công rồi xuất đi. Chẳng hạn xuất khẩu qua Mỹ điện thoại di động, con số lên đến vài chục tỷ USD, tạm nhập tái xuất linh kiện Hàn Quốc là chính, còn là của Việt Nam chỉ là gia công.
Sản phẩm xuất khẩu lớn khác là may mặc, giày dép, Việt Nam lãnh đơn hàng của nhà nhập khẩu Mỹ, nhưng cũng phải nhập nguyên liệu nước ngoài.
Tính ra số tiền xuất khẩu tinh của Việt Nam vào Mỹ chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong doanh thu này. Do vậy, cần xem xét và kiện toàn vấn đề quan hệ thương mại Việt Nam và Mỹ cũng như tài chính thương mại của Mỹ vào Việt Nam.
Nếu hợp tác với Mỹ thì Việt Nam làm gì để tăng lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ. Việt Nam làm gì gia tăng hàm lượng nội địa của hàng xuất sang Mỹ...
Tại sao Mỹ chưa đầu tư lớn vào Việt Nam?
Một vấn đề cực kỳ lớn, nhưng lâu nay ít được đề cập trực diện, mà trong quá trình làm việc cùng các giới chức của Mỹ, các đời đại sứ Mỹ đều có đề cập đến: đó là tình trạng chi phí không chính thức cao.
Tại Mỹ có luật về bài chống tham nhũng, buộc các tập đoàn Mỹ phải tuân thủ. Theo đó, trong hợp đồng của các doanh nghiệp Mỹ ký với nước ngoài đều phải tuân thủ qui tắc không được cho quà cáp, không được chi trả chi phí không chính thức… Nếu vi phạm, thì xử lý hình sự chứ không phải là dân sự.
Vấn đề chi phí không chính thức đã được các đại sứ Mỹ nêu lên nhiều lần từ các năm trước. Việc này cản trở rất nhiều việc đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam. Lãnh đạo các xí nghiệp, doanh nghiệp Mỹ lương hàng triệu USD sẽ không muốn mất thời giờ xử lý, không muốn dính dáng đến vấn đề này.
Các quốc gia khác có thể uyển chuyển mềm dẻo hơn, nên các doanh nghiệp của họ mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam. Còn lại các cường quốc kinh tế như Mỹ, Anh, Pháp, Đức... chưa thực sự đầu tư lớn, trực tiếp vào Việt Nam.
Cần phải hiểu cách làm việc của đại tập đoàn của Mỹ thì mới thu hút được họ.
Vấn đề thứ 2 là Việt Nam chưa đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân sự. Ví dụ 1 tập đoàn Mỹ vào đầu tư Việt Nam kéo theo hàng loạt nhân sự trình độ cao, Việt Nam chưa có sẵn đội ngũ này.
Việt Nam cũng đã bắt đầu có trường đào tạo nhưng chưa đủ, chưa có trường đào tạo nhân sự cấp cao nổi tiếng toàn cầu. Thậm chí người Việt Nam được gửi đi đào tạo còn có tình trạng đi không về hoặc về ít, tình trạng mất chất xám.
Ông Thành lưu ý, Việt Nam có vốn nhân sự cực lớn trên thế giới, đó là 4-5 triệu dân ở các nước, trong đó có hơn 1 triệu người ở Mỹ, số này có khá nhiều chuyên gia cao cấp, nhưng đến nay chưa có chính sách cụ thể thực sự khuyến khích chất xám đó ở nước ngoài về phục vụ, làm việc tại Việt Nam. Đây là điều chính phủ cần nghiên cứu sâu và kỹ hơn, chi tiết và thiết thực hơn chứ không dừng ở mời gọi.
Hạ tầng phát triển công nghệ cao chưa có, thì có thể tổ chức từ từ. Những ngày tới, hy vọng chính phủ Mỹ và Việt Nam sẽ thảo luận cụ thể để đi tới giải pháp phát triển hạ tầng hiệu quả thực tế hơn.
Những năm trước đây, Việt Nam từng có nhiều dự án tầm vóc quốc gia như sân bay Chu Lai, khu kinh tế Vân Phong... muốn mời gọi hợp tác từ các nhà đầu tư lớn. Nhưng khi tổ chức bộ máy làm việc dự án quy mô hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD, lại giao cho đơn vị tổ chức nhỏ, giao cho địa phương... và cứ thể dự án lớn bị xé nát thành dự án quy mô nhỏ, lẻ tẻ…
Vị trí trung tâm đặc biệt của Việt Nam trong tương lai
Trước vấn đề tại sao Mỹ lại quan tâm đến Việt Nam, theo ông Bùi Kiến Thành, là do chính sách phát triển kinh tế hướng về Á Đông của Mỹ. Vùng phát triển kinh tế tương lai thế kỷ này và thế kỷ tới là Vùng phát triển kinh tế tương lai Bắc Á - Nam Á, từ Nhật Bản, tới Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Asian, Băng ladesh, Pakistan, Ấn Độ, hơn ½ dân số thế giới, hơn ½ GDP thế giới. Đây là vùng phát triển tiềm năng của cả thế giới và Mỹ ủng hộ điều này.
Đặc biệt, Việt Nam lại là trung tâm của các vùng phát triển. Đơn giản lấy Việt Nam làm tâm, bay 4 giờ đồng hồ tới Tokyo, 4 giờ tới Ấn Độ. Nếu đi đường biển, từ cảng Vân Phong thì 7.000 dặm là tới Nhật, 7.000 dặm cũng cũng tới Ấn Độ. Việt Nam hiện đang là trung tâm chiến lược của cả khu vực.
Bên cạnh đó, trên cung đường phát triển tương lai ở Châu Á, thì Nhật đã phát triển, hàng chục quốc gia châu Á cũng phát triển khá tốt, Việt Nam đang trên đà phát triển nên còn rất nhiều tiềm năng lớn.
Việt Nam đang có vị thế bang giao với hơn 20 quốc gia lớn trên toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có dân số trên 100 triệu dân.
Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong lần đến Việt Nam đã ngỏ ý Mỹ muốn hợp tác phát triển công nghệ cao với Việt Nam - công nghệ bán dẫn.
Mỹ đánh giá Việt Nam có thể phát triển ngành này tốt. Nguyên liệu ngành bán dẫn - đất hiếm, hiện hàng đầu thế giới là Trung Quốc, số 2 Việt Nam, hợp tác với Việt Nam sẽ giải bài toán độc quyền của Trung Quốc.
"Như vậy, xét trên nhiều mặt như hàng không, hàng hải, vị thế trung tâm, công nghệ bán dẫn… Việt Nam đang có vị thế đặc biệt để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ, cũng như từ các cường quốc kinh tế thế giới đón đầu tương lai phát triển từ Châu Á. Hơn 1 năm qua các bộ ngành của Mỹ đã nghiên cứu, và chuyến đi này của Tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ vọng mang lại những kết quả hợp tác tốt đẹp. cho cả 2 quốc gia", ông nói.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 4 ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nga. Kỳ vọng nếu có thêm bản ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với đối tác thứ 5 là Mỹ, thì đây sẽ là bản ký kết quan trọng thúc đẩy cả 2 quốc gia phát triển mạnh mẽ.