Lộ diện cực tăng trưởng mới của thị trường bất động sản phía Bắc
Hải Phòng đang từng bước khẳng định vị thế là cực tăng trưởng mới của thị trường bất động sản phía Bắc, với hàng loạt lợi thế về hạ tầng, công nghiệp, quy hoạch và dòng vốn đầu tư đổ mạnh vào địa phương này.
Tọa đàm “Hải Phòng - Tâm điểm bất động sản miền Bắc: Kịch bản ‘TP.HCM thứ 2" của thị trường địa ốc” diễn ra mới đây đã thu hút sự quan tâm lớn từ các chuyên gia kinh tế, quy hoạch và giới đầu tư.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Phạm Nguyễn Toan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: Hải Phòng đang bước vào chu kỳ phục hồi 2024–2025 với nhiều tín hiệu tích cực. Trong bối cảnh các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM trở nên bão hòa về quỹ đất và giá đã neo ở mức cao, dòng vốn đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường mới nổi có tiềm năng tăng giá và hạ tầng phát triển, trong đó Hải Phòng là tâm điểm đáng chú ý.
Đòn bẩy hạ tầng và công nghiệp
Theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hải Phòng hiện sở hữu hạ tầng liên vùng nổi bật với hệ thống cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc ven biển, cầu Hoàng Gia, sân bay Cát Bi mở rộng, cùng hệ thống 52 bến cảng, tiêu biểu là Cảng nước sâu Lạch Huyện – mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics quốc gia.
Thành phố cũng đang phát triển nhiều không gian đô thị mới quy mô lớn như Vũ Yên, Dương Kinh, Kiến Thụy… theo mô hình đại đô thị hiện đại, đa chức năng. Song song, Hải Phòng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, với hơn 1.000 dự án đến từ 40 quốc gia, tổng vốn lũy kế gần 34 tỷ USD. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp và khu kinh tế duy trì ở mức cao, kéo theo nhu cầu lớn về bất động sản nhà ở và dịch vụ.
Đáng chú ý, thành phố đang triển khai kế hoạch mở rộng địa giới hành chính, trong đó có phương án sáp nhập Hải Dương. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ, việc hợp nhất này sẽ giúp Hải Phòng gia tăng quy mô dân số, diện tích và GDP, vươn lên vị trí thứ 3 cả nước. Đây được xem là cú hích lớn cho đà phát triển bất động sản.
Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư
TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh – cho rằng, có 4 yếu tố khiến nhà đầu tư lựa chọn một địa phương: sự quyết liệt của chính quyền, hạ tầng giao thông và logistics, sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, và tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Hải Phòng hiện hội tụ đủ các yếu tố này.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới – cho biết Hải Phòng là địa phương dẫn đầu về chỉ số PCI, đồng thời có vị trí địa kinh tế quan trọng, là cửa ngõ giao thương hàng đầu phía Bắc với cảng nhập khẩu lớn nhất cả nước.

“TP.HCM thứ 2” của thị trường địa ốc?
Nhìn từ chu kỳ tăng trưởng của TP.HCM cách đây hơn một thập kỷ, nhà báo Phạm Nguyễn Toan đánh giá, Hải Phòng đang đứng trước cơ hội tạo nên kịch bản tương tự. Nếu TP.HCM từng chứng kiến giá đất tại Thủ Thiêm, Quận 9 tăng gấp nhiều lần, thì với xuất phát điểm hạ tầng tốt hơn và quy hoạch bài bản, Hải Phòng được kỳ vọng sẽ tái hiện câu chuyện thành công đó ở phía Bắc.
TS.KTS Trương Văn Quảng – Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam – nhận định, nếu so sánh với TP.HCM năm 2010, Hải Phòng hiện có nhiều yếu tố tương đồng, thậm chí hấp dẫn hơn ở khía cạnh quy hoạch, dư địa tăng giá và sức hút đầu tư.
TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – cho biết: “Hải Phòng đang ở giai đoạn đầu của một chu kỳ phát triển sôi động, tương tự như TP.HCM trước đây. Sức hấp thụ thị trường tốt, ngay cả trong giai đoạn trầm lắng, tỷ lệ bán hàng vẫn trên 65%”. Ông khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn các khu vực mới nổi, có quy hoạch tốt, thay vì các khu vực trung tâm đã bão hòa về quỹ đất.
Vũ Yên – Dương Kinh: Hai tâm điểm mới
Theo các chuyên gia, hai khu vực đang nổi lên như tâm điểm đầu tư là Vũ Yên và Dương Kinh. Đây là các địa bàn có quy hoạch hiện đại, sở hữu hạ tầng đồng bộ, vị trí chiến lược, và đang thu hút nhiều nhà phát triển bất động sản lớn.
Tại Vũ Yên, dự án Vinhomes Royal Island được định vị là trung tâm mới của thành phố, kết nối thuận tiện với trung tâm hành chính cũ và các tỉnh lân cận thông qua 5 cây cầu lớn, trong đó cầu Hoàng Gia sẽ chính thức thông xe vào ngày 15/7. Khu vực này kỳ vọng trở thành hạt nhân kinh tế – xã hội của thành phố, đặc biệt sau khi Hải Phòng sáp nhập Hải Dương.
Trong khi đó, Dương Kinh đóng vai trò là cửa ngõ phía Đông Nam, kết nối chuỗi liên kết kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, đồng thời là điểm trung chuyển quan trọng tới các khu công nghiệp công nghệ cao. Dự án Vinhomes Golden City tại đây cũng đang ghi nhận mức độ quan tâm lớn từ nhà đầu tư.
Ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam – đánh giá, cả hai khu vực này đều có tiềm năng sinh lời cao, phù hợp với mục tiêu tích sản, cho thuê hoặc để ở. “Nếu tìm kiếm khu vực có tiềm năng phát triển đô thị kinh tế – du lịch, hãy chọn Vũ Yên; còn nếu quan tâm đến khu đô thị cửa ngõ, giao thương – Dương Kinh là lựa chọn tối ưu”, ông nói.
Với nền tảng hạ tầng, vị trí chiến lược, quy hoạch đồng bộ và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, Hải Phòng đang cho thấy đầy đủ các yếu tố để trở thành điểm đến hàng đầu cho nhà đầu tư bất động sản tại miền Bắc. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cơ hội chỉ dành cho những người hành động sớm và lựa chọn đúng phân khúc, đúng thời điểm.