Chuyên gia: Cần có những giải pháp “tháo gỡ” thị trường trong khi chờ Luật Đất đai được thông qua

Hầu hết các chuyên gia đều ủng hộ việc lùi thời hạn thông qua Luật Đất đai. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng nên có những giải pháp tháo gỡ trong thời gian chờ đời để giải cứu thị trường bất động sản.

Hầu hết các chuyên gia đều ủng hộ việc lùi thời hạn thông qua Luật Đất đai. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng nên có những giải pháp tháo gỡ trong thời gian chờ đời để "giải cứu" thị trường bất động sản.

So với Dự thảo đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu, có 6/26 nội dung của Luật Đất đai đã tiếp thu gọn còn 1 phương án, nhưng vẫn còn tới 14/26 nội dung còn có 2 phương án, trong đó có quy định phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159). Do vậy, chưa thể thông qua luật Đất đai tại kỳ họp 6.

Luật đất đai đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia. Với các DN kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư thì đây là Luật được mong chờ nhất để làm nền tảng hoạch định chiến lược và thực hiện đầu tư trong giai đoạn mới.

Hầu hết các chuyên gia đều tỏ ý đồng tình với việc chưa thông qua và cho rằng, Luật đất đai là một bộ luật lớn quan trọng vì vậy cần phải cẩn thận và suy xét nhiều vấn đề xung quanh.

PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội

PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho biết, ông ủng hộ việc chưa thông qua Luật đất đai thời điểm này. Theo ông, Luật Đất đai là đạo luật gốc có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, nhưng ngay cả trong quá trình sửa đổi thì tính thống nhất giữa Luật đất đai, dự thảo Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản chưa được được đảm bảo thì không nên thông qua. Thứ hai Luật Đất đai là vấn đề khó, phức tạp nhưng các phương án vẫn chưa đủ sức thuyết phục và còn gây tranh luận. Do vậy nếu chưa thực sự thuyết phục thì nên có thêm thời gian để nghiên cứu, cân nhắc và xác định ưu, nhược điểm và đánh giá tác động của các phương án với thị trường.

Khi đã xây dựng luật thì phải tính đến tất cả các mặt, vừa đảm bảo chất lượng, vừa phải đáp ứng được yêu cầu của các chủ đầu tư. Vậy nên không cần phải vội vàng hay sốt ruột làm gì cả. Nếu như vội vàng thông qua thì càng bất cập cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn luật sư TP.HCM cũng có cùng quan điểm với TS. Nguyễn Quang Tuyến và cho rằng, Ở góc độ tích cực, việc đặt mục tiêu chất lượng của văn bản luật lên trên hết sẽ giúp công tác lập pháp càng trở nên khoa học hơn, phù hợp hơn với thực tiễn. Từ đó, không chỉ có tính tích cực trong lĩnh vực nhà ở mà liên quan cả đến lĩnh vực khác.

Nếu như việc sửa luật hoặc ban hành mới văn bản có chất lượng khoa học tốt, kéo dài hiệu lực hơn thì tính ổn định, tính hiệu quả sẽ tăng và thậm chí sẽ sớt vài lần toàn bộ công việc (mỗi lần sửa đổi)., hoặc chỉ phải sửa đổi, bổ sung ít đi. Quan điểm cá nhân, chúng ta cần phải cương quyết đi theo hướng này, thay cho chu kỳ 10 năm lại sửa một lần”.

Song, các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản lại đang khá lo lắng vì đang mong chờ Luật ra đời để tìm hướng xử lý, các nhà đầu tư đang nắm trong tay quỹ đất lớn thu gom trước đây, đang tồn đọng rất lớn nguồn vốn trong đó cũng mong chờ Luật đất đai ra đời để thực hiện các thủ tục pháp lý.

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp đang “nằm” chờ Luật?

Luật sư Trần Đức Phượng 
Luật sư Trần Đức Phượng 

Bên cạnh việc đồng tình thì một số đơn vị có phần lo lắng với tin tức Luật sẽ bị lùi đến kỳ họp tiếp theo. Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho rằng việc hoãn thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có tác động tiêu cực đến các chủ đầu tư có những dự án tồn đọng vì sẽ tiếp tục kéo dài thêm thời gian giải quyết và triển khai các dự án mới. Tuy nhiên theo quan điểm của VCSC, mức độ ảnh hưởng cũng sẽ phụ thuộc vào tình trạng pháp lý cụ thể của từng dự án, do VCSC quan sát thấy hầu hết các thủ tục bất động sản đều phức tạp và liên quan đến nhiều bên.

PGS. Tuyến cho rằng, theo quan điểm của ông trong lúc Chính phủ đang bàn bạc để chốt một bộ luật đất đai hoàn thiện thì có thể đưa ra một số giải pháp tạm thời để để tháo gỡ về mặt thể chế. Chính phủ và các bộ ban ngành sẽ phải đồng hành để chỉ đạo tháo gỡ, xử lý bớt đi những ách tắc, những tồn đọng đang hiện hữu.

Việc chậm thông qua 3 dự thảo luật này 1 năm nhưng qua đó có thời gian để rà soát lại, rút kinh nghiệm và đặc biệt là việc phản biện của những nhà khoa học pháp lý, từ đó đảm bảo chất lượng của dự thảo luật, việc thông qua chậm nhưng bù lại là tạo môi trường pháp lý tốt trong môi trường kinh doanh và đời sống xã hội. “Hoãn thông qua luật thì tâm lý của các nhà đầu tư và cả xã hội có thể thiếu ổn định, bởi đặt ra kế hoạch nhưng lại không kịp kế hoạch này. Song, những ảnh hưởng khác có thể giảm bớt, hạn chế được, chẳng hạn thông qua dự thảo luật thì phải kèm các dự thảo nghị định, dự thảo thông tư theo đúng quy định. Nếu thực hiện đúng quy định này, chậm trễ thông qua dự thảo luật nhưng luật đi ngay vào đời sống xã hội, thay vì chờ đợi nghị định, thông tư hướng dẫn trong thời gian dài (thường là 1 năm sau). Có thể chậm thay đổi nhưng đây là thời kỳ khó khăn sẽ tạo ra những hướng đi mới trên cơ sở sự căn bản trong cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường và sự uy tín. Tôi tin tưởng sẽ xuất hiện những dooanh nghiệp mới trong giai đoạn này.” – LS. Trần Đức Phượng.

PGS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, trong khi chờ luật được thông qua không có nghĩa các doanh nghiệp “nằm im” chờ mà có thể hành động nhưng “Các doanh nghiệp phải thận trọng từng bước. Pháp lý nào hiện nay phù hợp với doanh nghiệp thì cứ triển khai”.

Ông cũng cho rằng, trong phiên họp Quốc hội hôm qua, chính phủ cũng đã đưa ra dấu hiệu sẽ thông qua Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản thì đó cũng sẽ là điểm sáng cho thị trường hiện nay bởi điểm chính của hai bộ luật này sẽ nằm ở việc giúp các doanh nghiệp bất động sản giải quyết được các vấn đề liên quan tới quỹ đất nhà ở xã hội. Còn Luật đất đai là luật gốc thì phải tính toán thật cẩn thận bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực kinh tế”.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống