Chuyên gia kêu gọi cởi trói pháp lý cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh giá nhà liên tục leo thang, giới chuyên gia liên tục kêu gọi đẩy nhanh các giải pháp cởi trói pháp lý cho doanh nghiệp, tăng nguồn cung, hạ cơn sốt trên thị trường.
Bất động sản là một thị trường có giá trị rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam tuy nhiên lại đang tắc nghẽn. Nếu không gỡ được nút thắt này thì nền kinh tế khó đi lên một cách vững chắc.
Chuyên gia cho rằng, hiện có rất nhiều dự án, đất đai đang nằm đắp chiếu, bỏ hoang, gây lãng phí, nếu giải quyết được thì đây là một nguồn lực rất lớn, cần tìm cách để thị trường bất động sản phục hồi.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, hiện nay có khoảng 3 triệu tỷ dư nợ tín dụng vào bất động sản, bao gồm cho vay phát triển dự án và cho vay mua nhà. Chúng tôi đang thuyết phục Bộ Xây dựng với Chính phủ tìm mọi cách giải tỏa cho thị trường này, đặc biệt với phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Có thể cung cấp thêm dự án, cung cấp thêm các chính sách, thậm chí là những chính sách rất mạnh mẽ từ ngân sách để hỗ trợ cho thị trường bất động sản phục hồi nhanh. Như thế kinh tế mới tăng trưởng đột phá được.
Báo cáo của chuyên trang Batdongsan mới đây cho thấy, trong tháng 4 vừa qua, giá căn hộ tại Hà Nội tăng từ 3-12%, giá chung cư tại TP. HCM cũng tăng 1-5% so với tháng trước đó. Nếu giá căn hộ Hà Nội tăng do sốt nóng trên thị trường thứ cấp, xu hướng tăng giá căn hộ TPHCM lại là do nguồn cung mới nghiêng về hàng cao cấp, hạng sang khiến mặt bằng giá trung bình bị đội lên.
Đại diện CBRE Việt Nam cho biết, nguồn cung của thị trường tiếp tục khan hiếm trong khi nhu cầu cao. Dự đoán trong cả năm 2024, TP HCM sẽ chỉ có khoảng 8.000 căn hộ được chào bán ra thị trường, trong khi Hà Nội dự báo có 11.000 căn. Người có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư tiếp tục có rất ít sự lựa chọn. Giá nhà tăng lên theo quy luật, đặc biệt là tại thị trường thứ cấp.
Theo ghi nhận từ CBRE, thị trường căn hộ thứ cấp tại Hà Nội đã tăng giá 17% trong quý I, cục bộ một số nơi tăng 25 - 30%. Trong thời gian còn lại của năm 2024, mức tăng sẽ chậm lại nhưng vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng.
Dự báo, tính cả năm 2024, thị trường căn hộ thứ cấp Hà Nội sẽ tăng giá khoảng 20%. Sang năm 2025 và 2026, tăng trưởng giá sẽ chững là ở mức 5 - 6%/năm. Còn tại TP HCM, do mặt bằng giá đã ở mức cao nên chung cư thứ cấp sẽ chỉ tăng từ 2 - 4%/năm từ nay đến 2026.
Báo cáo thị trường bất động sản của Dat Xanh Services cho thấy, trong tháng 5/2024, nguồn cung mới nhà ở có sự sụt giảm rất mạnh, chỉ bằng khoảng 38,5% của tháng 4, phần lớn đến từ phân khúc căn hộ trung và cao cấp.
Các dự án mở bán mới trong kỳ chủ yếu đến từ phân khúc trung cấp trở lên góp phần làm tăng mức giá bán bình quân tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Trong tháng 6, một số dự án cao cấp, hạng sang sẽ được mở bán chính thức, trong khi nguồn cung mới từ các dự án bình dân, trung cấp ngày càng hạn chế, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội chưa được cải thiện về tiến độ nên mặt bằng giá dự báo sẽ tiếp tục xu hướng leo thang.
Một trong những giải pháp đang được kỳ vọng là Chính phủ đã đề nghị xây dựng Nghị định thí điểm mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại trong 5 năm, từ ngày 1/1/2025. Theo đó, 3 loại đất thực hiện dự án thí điểm gồm: Đất thuộc đô thị; khu quy hoạch phát triển đô thị đã được duyệt; đất của doanh nghiệp đã thu tiền sử dụng, thuê đất hoặc của cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch. Đồng thời dự án thí điểm phải phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất, đô thị, xây dựng, phải có trong kế hoạch phát triển tại địa phương và được chấp thuận về thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất.
Chuyên gia nhìn nhận nếu nghị định trên được thông qua sẽ là tin vui đối với thị trường bất động sản, bởi thời gian qua có hàng trăm dự án nhà ở thương mại không được công nhận chủ đầu tư hoặc không thể thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng vì chủ đầu tư đang có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở.
Việc mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại sẽ bảo đảm quyền của nhà đầu tư, làm tăng nguồn cung. Việc tăng cung sẽ phát huy vai trò điều tiết thị trường, buộc các chủ đầu tư phải tự cơ cấu lại sản phẩm nhà ở theo tín hiệu của thị trường, để dần khắc phục tình trạng thiếu nhà ở vừa túi tiền, giúp những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị có cơ hội mua được nhà.