Cổ đông 'phản đối' Kido Group bán 24% cổ phần Kido Foods

Sáng 25/1, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) đã tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường để xin ý kiến về thương vụ bán cổ phần sở hữu tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods) cũng như các vấn đề liên quan đến thương hiệu.

Theo đó, nhiều cổ đông quan tâm đến giao dịch bán 24,03% cổ phần của Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods, KDF) cho Nutifood. Giao dịch này được Kido chuyển nhượng vào năm 2023 thông qua một công ty chứng khoán. Đến tháng 9/2024, Nutifood tiếp tục gom cổ phiếu KDF thông qua các giao dịch trên sàn, nắm quyền kiểm soát Kido Foods với 51% cổ phần, còn Kido Group giữ 49% phần còn lại.

Cụ thể, trong phiên thảo luận, đại diện quỹ đầu tư Singapore sở hữu hơn 20 triệu cổ phiếu KDC (chiếm 7,1% cổ phần) đã phản đối giao dịch bán 24,03% vốn nêu trên vì cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi các cổ đông công ty. Theo vị đại diện, Kido đã thành công trong việc phát triển nhiều thương hiệu dẫn đầu và sẽ là đơn vị có khả năng vận hành hai thương hiệu kem Celano và Merino hiệu quả tại Việt Nam.

"Để vận hành ngành kem hiệu quả, Kido sẽ vận hành hiệu quả hơn và với những gì đã làm được trong quá khứ là minh chứng rõ nét. Quỹ không đồng tình với giao dịch trên", đại diện quỹ ngoại nêu ý kiến.

Cùng với đó, cổ đông Phan Lâm Bình, đại diện quỹ đầu tư nắm giữ 2,6 triệu cổ phiếu KDC cũng cho hay giao dịch bán hơn 24% vốn tại Kido Foods cần được biểu quyết lại và kêu gọi Hội đồng Quản trị hợp tác với các bên liên quan để bảo vệ quyền lợi của cổ đông.

Phản hồi cổ đông, lãnh đạo Kido giải thích giao dịch đã được Hội đồng Quản trị phê duyệt theo thẩm quyền, nhưng công ty sẽ tiến hành biểu quyết để đảm bảo quyền lợi của cổ đông. Kido cũng cam kết trao đổi với các luật sư nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho công ty.

Tại đại hội, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kido khẳng định sẽ bảo vệ thương hiệu tập đoàn theo đúng nguyện vọng của cổ đông. Ông cũng nhấn mạnh rằng một doanh nghiệp muốn thành công, ngoài sản phẩm tốt, dây chuyển sản xuất tốt cần thương hiệu có vị trí trong lòng khách hàng.

"Thương hiệu là tài sản mất nhiều thời gian từ lúc khai sinh đến lúc được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng không hề đơn giản. Các đơn vị từng thực hiện M&A luôn hiểu rằng mua nhà máy là khác, mua kênh phân phối là khác, mua thương hiệu lại là câu chuyện khác", ông Thành cho hay.

Vị chủ tịch cũng dẫn chứng, khi mua kem Wall’s từ Unilever, Kido chỉ được sử dụng nhà máy, trong khi toàn bộ thương hiệu và bao bì của Wall’s phải ngưng sử dụng. Các thương vụ mua lại trước đây của Kido cũng tương tự.

Đối với giao dịch chuyển nhượng 24% vốn Kido Foods, ông Thành lý giải do tỷ lệ sở hữu giảm khiến từ công ty con thành công ty liên kết nên mới cần được cổ đông xem xét. Ông Thành mong nhà đầu tư tự suy xét tài sản, thương hiệu của công ty nên được sử dụng ra sao để việc kinh doanh tiếp tục phát triển tốt.

Kết thúc phiên họp đại hội, theo kết quả kiểm phiếu, hơn 89% cổ đông tham dự họp đã không thông qua giao dịch bán hơn 24% cổ phần KDF của Kido Group. Đồng thời, cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định các điều khoản liên quan, bao gồm hợp đồng, thỏa thuận, kể cả điều khoản sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hay thay thế liên quan đến giao dịch này.

Được biết, giao dịch bán 24% vốn Kido Foods đã được Kido hoàn tất và giá trị thương vụ 1.069 tỷ đồng, các báo cáo của Kido thể hiện Kido Foods không còn là công ty con mà chuyển sang đơn vị liên kết. Vào tháng 9/2024, Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood công bố đã hoàn tất các thủ tục để sở hữu 51% vốn cổ phần tại Kido Foods.

Liên quan đến thương hiệu, cổ đông cũng quyết định giữ lại quyền sở hữu các thương hiệu Celano, Merino (cùng 34 nhãn hiệu/thương hiệu liên quan) và Kido cho Tập đoàn Kido

 

Anh Phan

Theo Vietnamfinance