'Sức khỏe' SaigonBank trước ngày 'đón' cổ đông lớn là đại gia BĐS
Với sự xuất hiện của Công ty cổ phần Phát Đại Cát, hiện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) đang có tới 5 cổ đông lớn, trong đó có 4 cổ đông Nhà nước.
Phát Đại Cát gia nhập danh sách cổ đông lớn của SaigonBank
Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank – mã chứng khoán: SGB) công bố Công ty cổ phần Phát Đại Cát trở thành cổ đông lớn tại ngân hàng này.
Cụ thể, trong thông báo về ngày trở thành cổ đông lớn, từ 8/1/2025, Phát Đại Cát nắm giữ 33,5 triệu cổ phiếu, tương đương 9,889% cổ phần tại SaigonBank. Ngoài ra, tổ chức có liên quan đến CTCP Phát Đại Cát là Công ty Cổ phần Bách Hóa Điện Máy Sài Gòn cũng đang nắm giữ 68.330 cổ phiếu, chiếm 0,02%. Như vậy, CTCP Phát Đại Cát và bên liên quan hiện đang nắm giữ tổng cộng 9,9% cổ phần tại SaigonBank.
Trước khi nhận chuyển nhượng hơn 16,75 triệu cổ phiếu SGB, CTCP Phát Đại Cát nắm giữ 16.750.635 cổ phiếu, tương đương 4,944% cổ phần.
Theo thông tin đăng ký trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần Phát Đại Cát được thành lập vào năm 2022, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Trụ sở chính của công ty đặt tại 198 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM. Vốn điều lệ của CTCP Phát Đại Cát là 321 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của CTCP Phát Đại Cát là ông Lê Huỳnh Gia Hoàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Trong đó, Công ty TNHH Một thành viên Nguyễn Kim Express & Logistics nắm giữ 2% vốn cổ phần, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim nắm giữ 95% cổ phần và Công ty TNHH Một thành viên đầu tư Xây dựng Hoàng Kim nắm giữ 3%.
SaigonBank hiện chưa công bố danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% cổ phần theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024. Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2024, Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm giữ 61,6 triệu cổ phiếu, tương đương 18,18%.
Theo sau là Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận với 56,3 triệu cổ phiếu (16,64%) và Công ty TNHH MTV Du lịch TM Kỳ Hòa với 55,4 triệu cổ phiếu (16,35%) và Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM với 47,7 triệu cổ phiếu (14,08%). Đây là 3 đơn vị trực thuộc của Văn phòng Thành ủy TP.HCM.
Đa số các đại diện cổ đông lớn của Saigonbank đều có đại diện trong HĐQT SaigonBank. Cụ thể, ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank, là đại diện vốn cho Văn phòng Thành ủy Tp. HCM và Công ty TNHH MTV xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận. Bà Trần Thị Phương Khanh, Thành viên HĐQT Saigonbank, đại diện cho số cổ phần của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM và Công ty TNHH MTV Du Lịch TM Kỳ Hòa. Ngoài ra, bà Trần Thị Phượng Khanh còn là người quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, nhóm cổ đông lớn của SaigonBank gồm có 4 cổ đông Nhà nước với 65,25% và CTCP Phát Đại Cát cùng tổ chức liên quan với 9,9%.
Saigonbank đang kinh doanh ra sao?
Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024, cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Do đó, việc các cổ đông tổ chức tại SaigonBank sở hữu tỷ lệ trên 10% là một vấn đề đáng chú ý.
Trước đó, trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ: việc xử lý giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quy định của Luật các TCTD còn chậm, kéo dài nhiều năm tại một số ngân hàng, trong đó có SaigonBank.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tính đến 31/12/2022, vẫn còn một số NHTM có cổ đông là tổ chức sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ, bao gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (nay là Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển) và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam), có cổ đông và người có liên quan của cổ đông sở hữu cổ phần chiếm trên 20% vốn điều lệ (Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương) và có cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông sở hữu cổ phần trên 5% vốn điều lệ của TCTD khác (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương; Ngân hàng TMCP Đông Á).
Ngoài ra, trong những năm qua, khi các ngân hàng bạn ồ ạt tăng vốn điều lệ thì vốn điều lệ của SaigonBank chỉ nhích nhẹ. Tính đến hết ngày 30/9/2024, vốn điều lệ của SaigonBank ở mức 3.387 tỷ đồng, mức thấp nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại hiện nay.
Tỷ lệ vốn điều lệ ở mức thấp, cơ cấu cổ đông “cô đặc” khiến SaigonBank không thể mở rộng hoạt động, hạn chế khả năng cấp tín dụng lớn hoặc thực hiện các dự án đầu tư chiến lược. Hậu quả là SaigonBank dần đánh mất đi vị thế của một ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên được thành lập.
Theo kết quả kinh doanh mà SaigonBank mới cập nhật, tính đến cuối năm 2024, ngân hàng đạt được một số kết quả, bao gồm huy động vốn tăng 7,5%; dư nợ tín dụng tăng 10,4% so với đầu năm; thanh toán đối ngoại tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện SaigonBank chưa công bố báo cáo tài chính năm 2024. Tuy nhiên, trong 3 quý đầu năm 2024, SaigonBank ghi nhận 212,98 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận sau thuế của SaigonBank chủ yếu đến từ hoạt động khác, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước đó.
Cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 172 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023 (199,8 tỷ đồng). Nguyên nhân là do ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, khoản trích lập dự phòng rủi ro này có thể trở thành “của để dành” của SaigonBank nếu thu hồi được nợ. Tính đến ngày 30/9/2024, tỷ lệ nợ xấu tại SaigonBank đạt 1,8%.
Trong giai đoạn 2017 – 2023, lợi nhuận sau thuế của SaigonBank chưa từng vượt quá 200 tỷ đồng. Nhiều năm (2017, 2018, 2020), lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này còn dưới ngưỡng 100 tỷ đồng. Mãi đến năm 2023, SaigonBank bất ngờ ghi nhận mức tăng vọt trong lợi nhuận sau thuế, lên 266,7 tỷ đồng.
Hiệu quả sử dụng vốn của SaigonBank duy trì mức thấp trong nhiều năm. Chỉ số ROEA của SaigonBank luôn duy trì ở ngưỡng thấp, 2,7% năm 2020, 3,35% năm 2021, 4,99% năm 2022 và 6,7% năm 2023.
Hiện chỉ có 5 ngân hàng còn niêm yết trên sàn UpCom, bao gồm ABBank, Vietbank, BVBank, PGBank, VietABank và SaigonBank. Tại kỳ ĐHĐCĐ năm 2024, Chủ tịch HĐQT SaigonBank Vũ Quang Lãm cho biết, các chỉ số về tài chính của ngân hàng đã đủ điều kiện để chuyển từ UPCoM lên sàn HoSE. Trước năm 2023, SaigonBank không đủ điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên HoSE do chỉ số ROE dưới 5%.
Việc chuyển sàn giao dịch cổ phiếu từ UpCoM sang HoSE/HNX là điều cần thiết để mở ra cơ hội huy động thêm vốn, nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh của ngân hàng. Đồng thời, cũng giúp nâng cao thanh khoản cổ phiếu và thương hiệu trên thị trường, mang đến lợi ích tốt hơn cho các cổ đông.
Tuy nhiên, theo ông Lãm, đây là quá trình dài và phức tạp. Do đó, đến nay, SaigonBank vẫn chưa thể chuyển sàn thành công.