Cơ nghiệp của đại gia Nguyễn Ngọc Sơn, ông chủ hãng đồ gỗ Tản Viên
Công ty TNHH Tản Viên là nhà nhập khẩu và phân phối có tiếng trong ngành nội thất. Doanh nghiệp này của ông Nguyễn Ngọc Sơn vừa bị phát hiện nhiều tồn tại trong hoạt động thuế.
Cục Thuế TP. Hà Nội vừa ban hành kết luận thanh tra thuế tại Công ty TNHH Tản Viên, trong đó chỉ ra nhiều tồn tại trong hoạt động thuế của doanh nghiệp.
Cụ thể, về thuế GTGT, Cục Thuế TP. Hà Nội phát hiện Công ty TNHH Tản Viên kê khai thuế GTGT mua vào được khấu trừ của chi phí không có hồ sơ chứng từ chứng minh về việc đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định và chưa phân bổ lại số thuế GTGT mua vào được khấu trừ cho doanh thu không chịu thuế/tổng doanh thu làm giảm số thuế được khấu trừ trên tờ khai VAT.
Về thuế TNDN, Công ty TNHH Tản Viên hạch toán chi phí không đầy đủ hồ sơ, chứng từ; hạch toán thiều doanh thu hoạt động tài chính không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp trên tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2022 và thiếu số thuế phải nộp trên tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2023.
Về thuế TNCN, Công ty TNHH Tản Viên kê khai thiếu thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn (các khoản lãi cá nhân nhận được từ hoạt động cho công ty vay tiền) dẫn đến thiếu số phải nộp trên tờ khai thuế TNCN từ đầu tư vốn...
Trước những tồn tại nêu trên, Cục Thuế TP. Hà Nội đã quyết định xử phạt hành chính vi phạm về thuế và truy thu Công ty TNHH Tản Viên với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Công ty TNHH Tản Viên được thành lập vào tháng 2/2001, trụ sở đóng tại cụm công nghiệp Bình Phú, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội.
Ban đầu, Công ty TNHH Tản Viên đăng ký vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Cổ đông gồm 2 thành viên, trong đó ông Nguyễn Ngọc Sơn góp 12 tỷ đồng, sở hữu 60% cổ phần và bà Nguyễn Thị Dung góp 8 tỷ đồng, sở hữu 40% cổ phần còn lại.
Tháng 7/2017, Công ty TNHH Tản Viên tiến hành nâng vốn điều lệ lên thành 90 tỷ đồng. Lúc này, tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông nêu trên không thay đổi, với số vốn góp lần lượt là ông Nguyễn Ngọc Sơn 54 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Dung 36 tỷ đồng.
Tháng 5/2020, Công ty TNHH Tản Viên tiếp tục nâng vốn điều lệ từ 90 tỷ đồng lên thành 150 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn góp 90 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Dung góp 60 tỷ đồng.
Hiện ông Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1969, trú tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) là Chủ tịch HĐTV và là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Tản Viên.
Ngoài vai trò tại Công ty TNHH Tản Viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn hiện cũng đang là đảm nhận vai trò tổng giám đốc và đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Gỗ MDF Mekong. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 5/2021, trụ sở hiện đóng tại lô CN 19 Khu công nghiệp Cẩm Khê, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Công ty cổ phần Gỗ MDF Mekong có vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 250 tỷ đồng. Danh sách cổ đông gồm: Công ty TNHH Tản Viên góp 12,5 tỷ đồng, sở hữu 5% cổ phần; Công ty TNHH kỹ nghệ Gỗ Shing Việt góp 12,5 tỷ đồng, sở hữu 5% cổ phần; Đoàn Văn Tỉnh góp 50 tỷ đồng, sở hữu 20% cổ phần; Trần Thị Liên góp 82,5 tỷ đồng, sở hữu 33% cổ phần; Nguyễn Ngọc Sơn góp 92,5 tỷ đồng, sở hữu 37% cổ phần còn lại.
Như vậy, cộng với số cổ phần của Công ty TNHH Tản Viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn đang gián tiếp sở hữu tới 42% cổ phần tại Công ty cổ phần Gỗ MDF Mekong.
Những năm gần đây, Công ty cổ phần Gỗ MDF Mekong liên tục mở rộng quy mô bằng cách tăng vốn điều lệ. Theo đó, doanh nghiệp nâng vốn điều lệ từ 250 tỷ lên thành 550 tỷ đồng vào tháng 1/2022; rồi nâng lên thành 620 tỷ đồng vào tháng 9/2022 và thành 650 tỷ đồng vào tháng 11 cùng năm.
Sang năm 2023, Công ty cổ phần Gỗ MDF Mekong nâng vốn lên thành 700 tỷ đồng vào tháng 2; tiếp tục nâng lên thành 810 tỷ đồng vào tháng 9.
Tháng 1/2024, Công ty cổ phần Gỗ MDF Mekong nâng vốn điều lệ lên thành 892,5 tỷ đồng. Cập nhật mới nhất vào tháng 9 vừa qua, vốn điều lệ của doanh nghiệp đã cán mốc 1.070 tỷ đồng.
Xả thải gây ô nhiễm ra môi trường
Tháng 9/2024, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần Gỗ MDF Mekong vì hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ).
Ngoài ra, Công ty cổ phần gỗ MDF Mekong còn bị phạt tăng thêm 50% đối với thông số Tổng Ni tơ vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên 130 triệu đồng; Phạt tăng thêm 40% đối với thông số COD vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 lần đến dưới 10 lần 104 triệu đồng; Phạt tăng thêm 20% đối với thông số BOD5 vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,5 lần đến dưới 3 lần 52 triệu đồng; Phạt tăng thêm 20% đối với thông số Độ màu vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,5 lần đến dưới 3 lần 52 triệu đồng; Phạt tăng thêm 10% đối với thông số Dầu mỡ khoáng vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần 26 triệu đồng... Tổng số tiền phạt hành vi vi phạm của Công ty cổ phần gỗ MDF Mekong là 624 triệu đồng.
UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Công ty cổ phần gỗ MDF Mekong chấm dứt ngay hành vi vi phạm trên, dừng ngay việc xả nước thải chưa đạt quy chuẩn cho phép ra điểm đấu nối thoát nước thải; thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.