Kinh tế số Việt Nam: Nhìn lại nỗi buồn Netflix...

Việc doanh nghiệp nước ngoài khiến nhiều thương hiệu của Việt Nam mất dần đã không còn là chuyện hiếm

 

Cơ hội đi tắt đón đầu

Quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế số của Việt Nam, trao đổi với Đất Việt, các ý kiến đều khẳng định: nhận thức tầm quan trọng của kinh tế số, những năm qua, Nhà nước đã quan tâm và sớm có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, nhiều nghị quyết về vấn đề này đã được ban hành.

Theo LS Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Hãng luật Tường Trương Xuân Tám, cái khó của Việt Nam chính là hạ tầng cơ sở kinh tế số còn non kém, song đó cũng lại là cơ hội để Việt Nam đi tắt đón đầu.

Vị luật sư khẳng định, người Việt Nam rất thông minh, công nghệ thông tin phát triển khá và đã có nhiều cá nhân khẳng định được tài năng cũng như thành công nhờ công nghệ như Nguyễn Hải Đông- cha đẻ trò chơi Flappy Bird, từng lọt vào danh sách các triệu phú làm giàu từ con số 0 nhờ internet hay mới đây là hai bạn trẻ 9X thu nhập hàng trăm tỷ đồng một năm nhờ viết phần mềm được các ứng dụng trên thế giới sử dụng... Nhiều công ty tiên tiến hàng đầu của Việt Nam cũng đã quan tâm đến kinh tế số.

Kinh tế số Việt Nam: Nhìn lại nỗi buồn Netflix... - Ảnh 1
Grab đang giành vị thế áp đảo trên thị trường gọi xe công nghệ

Dù vậy, khó khăn lớn nhất trên con đường phát triển kinh tế số Việt Nam, theo luật sư Tám, chính là câu chuyện thể chế - khung pháp lý chưa hoàn thiện. Cũng chính vì quy định luật pháp chưa rõ nên cá nhân, doanh nghiệp dễ xảy ra vi phạm, bị mang tiếng kinh doanh trái phép hay trốn thuế...

Bởi kinh tế số là vấn đề mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm nên LS Trương Xuân Tám cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần nghiên cứu thế giới đã làm thế nào để có khung pháp lý tiến bộ nhất, dự trù cho tương lai, chứ không thể rập khuôn máy móc, làm theo kiểu kinh nghiệm, thói quen.

Và nỗi buồn Grab, Neflix

Lưu ý vấn đề này, vị luật sư cho rằng, đó cũng là cách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt không bị thua trên sân nhà trước sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài giàu tiềm lực tài chính và công nghệ.

"Các công ty nước ngoài luôn đi trước, sớm thấy tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam nên tham gia thị trường rất nhanh. Kết quả là đến nay, nhiều lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ do các đại gia nước ngoài cung cấp nền tảng kết nối chi phối. 

Điển hình như Grab trên thị trường dịch vụ vận tải trực tuyến; Lazada, Shopee trên thị trường thương mại điện tử. Tương tự, trong lĩnh vực đặt dịch vụ du lịch trực tuyến, những cái tên thống lĩnh đều là công ty ngoại như Agoda.com, Booking.com, Trivago.com, Airbnb.com…

Thậm chí, các tập đoàn lớn của nước ngoài còn đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty của Việt Nam, chấp nhận lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam, mà các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Sendo là ví dụ điển hình", vị chuyên gia lưu ý.

Nêu ví dụ, ông Tám dẫn chứng, Việt Nam từng có ứng dụng gọi xe công nghệ GoViet được kỳ vọng rất lớn nhưng rồi sớm "chết yểu" chỉ sau 2 năm có mặt trên thị trường, trong khi đó Grab vẫn tồn  tại. Tương tự, dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam chịu lép vế, doanh thu và lợi nhuận đều giảm trước các nền tảng của nước ngoài như Netflix, Amazon... có tiềm lực mạnh. 

"Điều đó đặt ra nhiều câu hỏi: cuộc cạnh tranh ấy đã bình đẳng hay chưa? trình độ quản lý của doanh nghiệp thế nào? Vốn có trường hay không? Gặp khó khăn có vượt qua được hay không? Ai cũng khuyến khích "người Việt yêu hàng Việt" nhưng không thể yêu chung chung, nó phải mang lại lợi ích cho người tiêu dùng", LS Trương Xuân Tám nói, đồng thời khẳng định, khi toàn cầu hội nhập, "cá lớn nuốt cá bé" đã trở thành quy luật, doanh nghiệp Việt không vượt qua được sẽ chết.

"Về nguyên tắc, đã là sân chơi chung thì không được trợ giá, không được giành lợi thế cho riêng doanh nghiệp nội địa vì như vậy là vi phạm các cam kết về thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Thế nhưng Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng thể chế, pháp lý, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài", ông nói.

Kinh tế số Việt Nam: Nhìn lại nỗi buồn Netflix... - Ảnh 2
Băn khoăn về những ưu ái cho Neflix tại Việt Nam, gây bất công cho các doanh nghiệp Việt chưa có hồi kết.

Ông dẫn ví dụ về cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền và cho rằng đó đang là cuộc cạnh tranh không bình đẳng khi doanh nghiệp trong nước phải chịu nhiều thua thiệt. Các nền tảng như Netflix, Amazon... không chịu các cơ chế kiểm duyệt cũng như không thực hiện các nghĩa vụ  thuế với Việt Nam, còn doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nội dung, mua bản quyền để phát sóng đều phải đóng thuế; khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng nộp thuế và hàng năm phải nộp thuế doanh nghiệp; đồng thời chịu sự kiểm soát về nội dung.

Trong nhiều lĩnh vực khác, việc doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư liên doanh, rồi thâu tóm, thu mua luôn doanh nghiệp Việt, làm cho nhiều thương hiệu của Việt Nam mất dần đã không còn là chuyện hiếm.

Vậy nên, yêu cầu tạo ra một sân chơi bình đẳng, mà trước hết là hoàn thiện hệ thống luật pháp về kinh tế số, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý vấn đề này là một yêu cầu cấp thiết. Muốn có được quy định pháp luật phù hợp, văn minh, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển để cạnh tranh thì đòi hỏi người làm luật phải có trình độ, có tâm và có tầm.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề phát triển kinh tế số tại Việt Nam, LS Trương Thanh Đức, chuyên gia kinh tế-ngân hàng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, trong kinh tế thị trường, ai khỏe, ai mạnh thì vươn lên, các doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế về vốn, công nghệ nên chiếm lĩnh thị phần là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước là để hỗ trợ, điều tiết, ủng hộ doanh nghiệp nội mà không vi phạm pháp luật. Đây là điều chúng ta chưa làm được nên nhiều doanh nghiệp Việt thời gian qua đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, sự cạnh tranh gay gắt của doanh nghiệp nước ngoài, đã trở nên trầy trật, lay lắt.

"Đối với doanh nghiệp, không cần nói thì tự họ sẽ vẫn cứ làm vì chính lợi ích của họ. Nhưng tồn tại được hay không phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp, phải có nền tảng, dịch vụ và tiềm lực kinh tế, không phải muốn là được. Tất nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp làm tốt thì họ vẫn cứ làm, nhưng thể chế vẫn là yếu tố quan trọng nhất, có tác dụng thúc đẩy, kích thích giá trị. Chúng ta muốn có lợi ích lớn, lợi ích của quốc gia, dân tộc, muốn định hướng, dẫn dắt thì cần vai trò của cơ quan quản lý, cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi, cải cách dịch vụ công... Thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn chậm và chưa thực sự hiệu quả", LS Trương Thanh Đức nhận xét.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt