'Cổ phiếu dệt may, hóa chất, dầu khí sẽ dẫn dắt TTCK'

Theo chuyên gia, những nhóm ngành như dệt may, hóa chất, hay dầu khí cũng có thể đóng vai trò dẫn dắt mới, với kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng hoặc phục hồi từ vùng đáy.

Các yếu tố kìm hãm thị trường dần được cải thiện

Sau thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về khả năng cắt giảm lãi suất, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có những bước tăng điểm tích cực, và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ khi sắc xanh xuất hiện nhiều hơn. Ông Nguyễn Kỳ Minh, CFA, Kinh tế trưởng tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS), cho biết thị trường chứng khoán đã ghi nhận những phiên tăng điểm rất khả quan, với thanh khoản được cải thiện và các cổ phiếu trụ cột đã kéo theo đa số cổ phiếu niêm yết tăng điểm.

Về ngắn hạn, ông Minh cho rằng chỉ số VN-Index có khả năng quay lại ngưỡng 1.300 điểm. Đồng thời, việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục quay lại giải ngân vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 cũng là một tín hiệu tích cực cho thị trường, đặc biệt trong bối cảnh Fed đã công bố kế hoạch cắt giảm lãi suất.

Ông Nguyễn Triệu Vinh và ông Nguyễn Kỳ Minh tại Talkshow Phố Tài chính  
Ông Nguyễn Triệu Vinh và ông Nguyễn Kỳ Minh tại Talkshow Phố Tài chính  

Nhìn về dài hạn, VN-Index được kỳ vọng có triển vọng kiểm chứng lại vùng 1.500 điểm đã đạt được vào năm 2022. Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, những yếu tố kìm chế VN-Index trong thời gian qua phần lớn đã được cải thiện, như việc tỷ giá đã ổn định nhờ cán cân vãng lai thặng dư và dòng vốn FDI liên tục đổ vào Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành công trong việc kiểm soát những biến động trên thị trường vàng.

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục khẳng định sự ổn định của hệ thống chính trị và quyết tâm phát triển kinh tế từ các lãnh đạo đất nước. Hiện tại, thị trường chứng khoán đang ở mức định giá rất thấp, với chỉ số P/B ở mức thấp nhất trong lịch sử và chỉ số P/E cũng ở mức hấp dẫn.

Tuy nhiên, đại diện IVS cũng cảnh báo rằng thị trường chứng khoán vẫn còn một số yếu tố rủi ro, như có thể bị ảnh hưởng bởi dòng tiền và những biến động quốc tế, chẳng hạn như liệu nền kinh tế Mỹ có thể đạt được "hạ cánh mềm" như dự báo hay không. Những yếu tố này có thể kìm chế thị trường trong trung hạn, nhưng về dài hạn, xu hướng tích cực vẫn hiện hữu.

Còn ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), nhận định rằng môi trường vĩ mô hiện nay đang phù hợp cho việc phân bổ tài sản vào các tài sản rủi ro, bao gồm cổ phiếu. Trong ngắn hạn, thị trường có thể đón nhận thêm nhiều tin tức tích cực, như việc Fed sớm giảm lãi suất và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025.

Nhóm ngành nào dẫn dắt thị trường?

Trong đà tăng trưởng vừa qua của thị trường, theo quan sát của ông Nguyễn Kỳ Minh, nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng đã có những diễn biến rất tích cực, góp phần đẩy mạnh đà tăng của chỉ số chung. Những nhóm ngành như dệt may, hóa chất, hay dầu khí cũng có thể đóng vai trò dẫn dắt mới, với kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng hoặc phục hồi từ vùng đáy.

Ông Minh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh, trong việc tác động đến chỉ số chung. Những phiên gần đây ghi nhận nhiều diễn biến tích cực tại nhóm cổ phiếu này, và nếu đà tăng lan tỏa đều, chỉ số VN-Index có thể thoát khỏi vùng 1.200 điểm.

Đại diện IVS cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới nhóm cổ phiếu chứng khoán. Theo ông, sự sôi động trở lại của thị trường cùng với nền lãi suất thấp sẽ hỗ trợ hoạt động cho vay margin. Định giá của nhiều cổ phiếu vẫn ở mức thấp, điều này có thể thúc đẩy nhà đầu tư mạnh tay giải ngân, đặc biệt khi kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường đang đến gần.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Triệu Vinh cũng nhận thấy triển vọng của nhiều cổ phiếu trong ngành tài chính, ngành lớn nhất trong chỉ số VN-Index, vẫn rất khả quan. Ông nhận định rằng sự hồi phục của nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, qua đó giúp các ngân hàng cải thiện chất lượng tài sản. Định giá nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn ở mức hấp dẫn, với P/B trung bình chỉ khoảng 1,1 lần giá trị sổ sách dự kiến cho năm 2024, thấp hơn mức trung bình 10 năm là khoảng 1,5 lần.

Ông Vinh cũng nhận thấy cơ hội đầu tư ở một số cổ phiếu trong ngành chứng khoán, đặc biệt là những công ty có thị phần lớn trong giao dịch của khối ngoại, bởi những công ty này sẽ được hưởng lợi khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng.

Ngoài ngành tài chính, đại diện VCBF nhận định rằng cơ hội đầu tư vào các công ty tốt ở thời điểm hiện tại khá chọn lọc. Mặc dù chỉ số VN-Index đã tăng gần 14% kể từ đầu năm, nhưng nhiều cổ phiếu tốt trong các ngành như công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng không thiết yếu đã tăng mạnh. Ông Vinh cho rằng giá cổ phiếu hiện nay đã phản ánh phần lớn triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngắn hạn, do đó cần thời gian tích lũy.

Tuy nhiên, công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng không thiết yếu vẫn là hai nhóm ngành được VCBF ưa thích vì các doanh nghiệp tốt trong hai ngành này sẽ được hưởng lợi từ xu hướng áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh và xu hướng gia tăng thu nhập, chi tiêu tại Việt Nam. Với tầm nhìn dài hạn, ông Vinh tin rằng xu hướng gia tăng sản xuất tại Việt Nam sẽ tiếp diễn, và các công ty đầu ngành trong các lĩnh vực dịch vụ tiện ích và kho vận sẽ có tiềm năng tăng trưởng cao, do đó VCBF sẽ tiếp tục nắm giữ các công ty này trong danh mục đầu tư.

Hải Đường

Theo VietnamFinance