Cổ phiếu dưới mệnh giá kéo dài, ngân hàng gặp khó khăn trong tăng vốn
Việc nhiều mã cổ phiếu chìm sâu dưới mệnh giá có thể gây trở ngại trong việc huy động vốn trên sàn chứng khoán.
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, cổ phiếu ngành ngân hàng là cổ phiếu chịu nhiều ảnh hưởng từ thông tin thị trường. Với đặc thù của ngành, những tác động từ cổ đông, lãi suất, chi phí trích lập dự phòng, và đặc biệt là nợ xấu ảnh hưởng trực tiếp tới thị giá cổ phiếu ngành này.
Do đó, việc giá cổ phiếu một số Ngân hàng chìm sâu dưới mệnh giá có thể khiến các ngân hàng niêm yết rất khó thành công trong việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã chứng khoán NVB) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2020. Tại đại hội, cổ đông tán thành phương án tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng trong năm 2020 thông qua phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, cổ đông hiện hữu.
Năm 2010, 100 triệu cp Navibank chính thức niêm yết trên HNX với giá 11.900 đồng/cp. Tuy nhiên, 10 năm qua giá cổ phiếu liên tục xuống thấp. Sau quá trình vật lộn tái cơ cấu, cổ phiếu NVB vẫn không thoát khỏi cảnh giá rẻ như rau và mỗi năm thiết lập một đáy mới.
Năm 2016, mức giá 5.200 đồng/CP được coi là “đáy” kể từ khi Navibank niêm yết. Từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu NVB giao động quanh mức 9.000 - 8.000 đồng/cp. Vì vậy, bao giờ thị giá cổ phiếu tại NVB trên 10.000 đồng/cp vẫn là câu hỏi chưa có hồi đáp?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, cổ phiếu NVB đã đánh mất 0.200 đồng (-2,30%) xuống giá 8.500 đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu NVB thời gian qua. Nguồn: stockbiz.vn.
Ngoài NVB, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) cũng quyết định phương án tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành (97.694.831 cổ phần tương đương 976 tỷ đồng). Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 là 10.746 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều năm qua giá cổ phiếu LPB cũng không khá khẩm hơn khi chỉ xoay quanh mệnh giá. Từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu LPB chỉ dao động quanh mức 7.000-9.000 đồng/cp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, cổ phiếu LPB đã đánh mất 0.200 đồng (-2,38%) xuống giá 8.200 đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu LPB thời gian qua. Nguồn: stockbiz.vn.
Tiếp nữa là giá cổ phiếu KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng ảm đạm không kém, đến nay chỉ còn 9.000 – 10.000 đồng/cp.
Cuối quý 1/2020, nợ nhóm 5 tăng vọt 1.888 tỷ đồng, tương đương tăng 790%. Nợ xấu nội bảng tăng 1.898 tỷ đồng, tương đương tăng 555%. Tỷ lệ nợ xấu tại KienLongBank tăng mạnh từ 1,02% lên đến 6,62%.
Do đó, Kienlongbank đột ngột tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 37 lần so với cùng kỳ năm 2019, chiếm gần 69 tỷ đồng. Đó là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế và sau thuế cùng giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 57 tỷ đồng và 46 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu KLB thời gian qua. Nguồn: stockbiz.vn
Đáng chú ý, vừa qua NCB và KienLongBank còn bị Công ty TNHH kiểm toán AFC Việt Nam (AFC) “réo tên” về vấn đề nợ xấu, lãi dự thu. Do đó, nếu được trích lập dự phòng đầy đủ sẽ giảm đáng kể lợi nhuận của ngân hàng.
Theo Hà Phương/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/co-phieu-duoi-menh-gia-keo-dai-ngan-hang-gap-kho-khan-trong-tang-von-d78535.html