Cổ phiếu Hoà Phát lao dốc: Nhìn từ những lời tung hô đến nỗi đau của nhà đầu tư

Những người hô mua cổ phiếu HPG nghĩ gì khi cuối cùng, những người nghe theo họ đang đau đớn nhìn tài khoản bốc hơi từng ngày?

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch hôm nay lại cán một kỷ lục buồn: VnIndex giảm 68 điểm tương ứng giảm gần 5%. Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn khiến giới đầu tư cảm thấy sợ hãi khi nhìn vào danh mục, nhìn vào bảng giá! Một trong 171 mã cổ phiếu giảm sàn trên sàn HoSE hôm nay là HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Sở dĩ chúng tôi muốn nhắc đến cổ phiếu này là vì, thời gian gần đây cổ phiếu HPG liên tục được "tung hô" với tần suất rất lớn trong khi doanh nghiệp đang gặp phải những rủi ro liên quan đến việc tồn kho ở vùng đỉnh giá.

HPG-Từ những tung hô 

Ai ở lâu trên thị trường chứng khoán đều biết, mỗi một bản phân tích của các công ty chứng khoán đưa ra đều có câu miễn trừ trách nhiệm. Và câu miễn trừ đó khiến cho các công ty chứng khoán, người phân tích trở nên...được miễn trách cho mọi phát ngôn của mình. Nhưng, điều đáng nói là khi một/nhiều công ty chứng khoán cùng tung hô một cổ phiếu và nhà đầu tư đọc những báo cáo này thì mức độ ảnh hưởng đến quyết định của họ sẽ ra sao? Chắc chắn, những người tung hô hiểu rất rõ là phân tích của họ sẽ tác động đến quyết định mua/bán của nhà đầu tư. 

Trong bài viết này chúng tôi không đặt ra câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai nhưng điểm danh những báo cáo gần đây của các công ty chứng khoán hay trên các diễn đàn, các room chứng khoán, những người có nhiều followers đều thể hiện rằng họ tung hô cổ phiếu HPG với tần suất rất cao. Ví dụ:

Ngày 7/4/2022: Thời điểm này, cổ phiếu HPG đã giảm rất sâu từ vùng đỉnh giá thiết lập năm 2021, đạt 47.250 đồng/cổ phiếu thì Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra dự báo khuyến nghị Outperform với mức giá kỳ vọng của HPG là 70.805 đồng tức tăng khoảng 50% so với giá thời điểm báo cáo. BVSC dự báo doanh thu và LNST của Q1/2022 của HPG lần lượt đạt 47.163 tỷ đồng (+51% YoY; 5% QoQ) và 9.192 tỷ đồng (+31% YoY; 24% QoQ). Với dự báo LNST cả năm 2022 dự báo đạt 31.670 tỷ đồng (-8% YoY), BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu là 70.805 VNDD/cổ phiếu – với tiềm năng tăng trưởng 49,8%.

Cổ phiếu Hoà Phát lao dốc: Nhìn từ những lời tung hô đến nỗi đau của nhà đầu tư - Ảnh 1

Trước BVSC mấy ngày, ngày 4/4/2022, Chứng khoán MB (MBS) cũng ra báo cáo "hô mua" cổ phiếu HPG khi cổ phiếu này đang ở mức giá 45.700 đồng. MBS kỳ vọng HPG sẽ lên đến 65.300 đồng/cổ phiếu. Luận điểm đầu tư của MBS là: Hòa Phát vẫn đang tiếp tục cho thấy sự hoạt động hiệu quả của mình trong giai đoạn quý 4 cũng như những tháng đầu năm 2022. Chúng tôi khuyến nghị MUA với mã cổ phiếu HPG với các luận điểm sau đây : (1) Duy trì vị thế dẫn đầu ngành, (2) kiểm soát chi phí tốt với biên lợi nhuận gộp cao, (3) kế hoạch phát triển, mở rộng năng lực sản xuất với các dự án Dung Quất 2 và 3 đồng thời chủ động trong nguyên liệu đầu vào trong tương lai và (4) tăng trưởng tiêu thụ nội địa khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi và hưởng lợi tăng trưởng xuất khẩu khi Trung Quốc đang hạn chế sản xuất.

Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ một chút báo cáo tài chính kết thúc quý 1/2022 của Chứng khoán MBS thì có thể thấy, MBS đang "mắc kẹt" 41 tỷ đồng đầu tư vào HPG và thời điểm cuối quý 1/2022 đang phải tạm đánh giá lỗ khoảng 3 tỷ đồng từ món đầu tư này. 

Cổ phiếu Hoà Phát lao dốc: Nhìn từ những lời tung hô đến nỗi đau của nhà đầu tư - Ảnh 2

Trước MBS, ngày 1/4/2022, Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cũng có khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 59.700 đồng tương ứng tăng hơn 30% tại thời điểm ra báo cáo phân tích.

Trươc đó nữa, trong giai đoạn cổ phiếu HPG giảm sâu từ vùng đỉnh, BVSC cũng từng khuyến mua hồi 7/3/2022 với giá mục tiêu là 74.183 VND/cổ phiếu – với tiềm năng tăng trưởng 45,2%. Lúc đó cổ phiếu HPG đang ở vùng 51.100 đồng/cổ phiếu.

Ai hiểu sâu tài chính thì ngay đoạn liệt kê trên đã bắt đầu nhìn thấy một sự phi lý. 7/3, BVSC khuyến nghị mua HPG khi HPG đang ở 51.100 đồng nhưng một tháng sau đó là 7/4/2022 cổ phiếu HPG chỉ còn 45.700 đồng tức là đã "xa bờ" rất nhiều so với báo cáo. Nhưng, BVSC tiếp tục ra khuyến nghị nhà đầu tư mua vào cổ phiếu HPG? Khuyên nhà đầu tư bắt dao rơi? Với 2 lần ra báo cáo sau 2 tháng, BVSC dường như đang cho thấy công ty "mắc lỗi" đầu tư cơ bản nhất là đáng lẽ cổ phiếu giảm về vùng cắt lỗ lại khuyên mua thêm?

Cũng 3/3/2022, BSC cũng hô mua HPG với giá mục tiêu tăng 23%!

Cổ phiếu Hoà Phát lao dốc: Nhìn từ những lời tung hô đến nỗi đau của nhà đầu tư - Ảnh 3

Nếu như lần lại lịch sử khuyến nghị mua cổ phiếu HPG của các công ty chứng khoán thì có thể nói là nhan nhản. Và không chỉ trong những ngày giảm giá mới có những lời tung hô mua cổ phiếu mĩ miều như vậy mà trong khoảng 1 năm nay, nhà đầu tư khắp nơi đều được "bơm thổi" mua cổ phiếu HPG. Tần suất bơm thổi nhiều đến nỗi, khi cổ phiếu HPG đã đi quá xa so với mức giá được tung hô, nhà đầu tư nhìn lại cũng thấy thật sự "bí ẩn".

2 điểm nghẽn của cổ phiếu HPG

Điểm nghẽn thứ nhất liên quan đến trạng thái lao dốc hiện nay của cổ phiếu HPG. Việc cổ phiếu này lâu nay trở thành "cổ phiếu quốc dân" được rất nhiều nhà đầu tư mua theo lời khuyến nghị dày đặc của các công ty chứng khoán, môi giới, các room đầu tư ở mức giá cao và rồi, hiện tại đang bị lỗ sâu, về vùng call margin đối với rất nhiều tài khoản có thể tạo áp lực lớn hơn đối với cổ phiếu này. Và nếu, lực cầu không đủ mạnh để giúp cổ phiếu hồi phục thì điều đáng sợ hơn có thể xảy ra! Chiêu dùng cổ phiếu để thế chấp vay vốn ngân hàng cũng được nhiều ông chủ doanh nghiệp áp dụng với số lượng lớn. Chẳng hạn như cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã rất nhiều lần được các "sếp" Hòa Phát như ông Trần Đình Long, ông Doãn Gia Cường, ông Nguyễn Mạnh Tuấn...nhiều lần đem thế chấp tại các ngân hàng như Vietcombank, BIDV... để vay vốn. Việc này đã được thực hiện nhiều lần trong nhiều năm gần đây và mỗi lần hàng triệu, chục triệu thậm chí cả trăm triệu cổ phiếu được thế chấp tại ngân hàng. Có nhiều lần, có thể do khi cổ phiếu HPG giảm sâu những năm trước thì các "sếp lớn" của HPG từng phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho ngân hàng và tài sản đảm bảo bổ sung cũng vẫn là....cổ phiếu HPG. Tức là, nếu cổ phiếu HPG giảm giá sâu, áp lực call margin sẽ không chỉ diễn ra ở các công ty chứng khoán mà áp lực bán giải chấp từ các ngân hàng cũng có thể xảy ra.

Điểm nghẽn thứ hai chính là giá nguyên vật liệu. Tại thời điểm cuối năm 2021, HPG có số dư hàng tồn kho đạt hơn 42.134 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 26.282 tỷ đồng đầu năm 2021. 

Cổ phiếu Hoà Phát lao dốc: Nhìn từ những lời tung hô đến nỗi đau của nhà đầu tư - Ảnh 4

Nếu tính theo từng thời điểm trên báo cáo tài chính sẽ thấy, đa phần hàng tồn kho của HPG cả nguyên vật liệu đến thành phẩm đều được tạo ra trong khoảng thời gian tháng 5-7/2021 là giai đoạn giá nguyên vật liệu đạt đỉnh cao nhất lịch sử và lúc đó nhà đầu tư hay nghe về bong bóng hàng hóa. Thành phẩm hàng hóa cũng được sản xuất ở nền giá dầu, giá than rất cao. Chính vì tồn kho giá cao đang rất nhiều và theo dõi số dư tồn kho của HPG thì có thể thấy, kể cả bây giờ mặt bằng giá nguyên vật liệu theo giá quốc tế có giảm rất sâu so với thời kỳ đỉnh cao 5-7/2021 thì HPG cũng không được hưởng lợi nhiều do đã "lỡ" gom nguyên vật liệu ở vùng giá cao. Tại thời điểm cuối năm 2021, HPG đã dự phòng 121 tỷ đồng dự phòng giảm giá nguyên vật liệu, gần 50 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho. Tuy nhiên, nếu nhìn nền giá 2022 đã giảm sâu hơn 2021 rất nhiều thì nhiều khả năng báo cáo tài chính quý 1/2022 sẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn nữa!

Ngô An

Theo Chất lượng và cuộc sống