Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/1): HHV, VCB và GMD
Là công ty con chuyên đảm nhận hoạt động vận hành, quản lý trạm thu phí với nhiều năm kinh nghiệm, VCBS cho rằng HHV có nhiều lợi thế để tiếp tục nhận chuyển giao các dự án BOT từ Tập đoàn Đèo Cả.
HHV: VCBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 13.240 đồng/cổ phiếu
Doanh thu 9 tháng năm 2022 của Công ty Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) đạt 1.478 tỷ đồng (tăng 18,7% so với cùng kỳ). Hoạt động vận hành các trạm thu phí tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, chiếm 75,2% tổng doanh thu. Doanh thu hoạt động xây lắp và bảo dưỡng hạ tầng giao thông ghi nhận mức tăng tích cực trong kì (tăng 33,8% so với cùng kỳ) khi HHV đẩy mạnh thi công các gói thầu thuộc dự án cao tốc do Tập đoàn Đèo Cả làm tổng thầu.
Lợi nhuận thuần đạt 213 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kì chủ yếu do mảng xây lắp và bảo dưỡng công trình (có biên lợi nhuận thấp) gia tăng tỷ trọng đóng góp trong doanh thu và chi phí lãi vay tăng trong kì.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), HHV có dòng tiền dồi dào từ hoạt động vận hành trạm thu phí. Cụ thể, doanh thu vận hành các trạm thu phí ghi nhận xu hướng hồi phục tích cực từ năm 2022 khi hoạt động đi lại được nối lại sau giai đoạn giãn cách. ‐ Với dòng tiền 300 - 400 tỷ đồng mỗi năm từ các trạm thu phí, HHV có thể duy trì khả năng trả cổ tức tiền mặt và đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh ngay cả khi thị trường đi vào giai đoạn khó khăn.
Biên lợi nhuận hoạt động thu phí dự kiến được cải thiện trong dài hạn nhờ khả năng tăng giá vé 15-18% mỗi 3 năm; lưu lượng xe qua cao tốc tăng qua các năm cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, phổ biến xe hơi và xu hướng chuyển dịch sử dụng cao tốc cho các chặng di chuyển dài thay thế cho các tuyến quốc lộ.
Là công ty con chuyên đảm nhận hoạt động vận hành, quản lý trạm thu phí với nhiều năm kinh nghiệm, VCBS cho rằng HHV có nhiều lợi thế để tiếp tục nhận chuyển giao các dự án BOT từ Tập đoàn Đèo Cả.
Bên cạnh đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Tập đoàn Đèo Cả có kế hoạch đầu tư 3 dự án BOT với mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 – 2026, mang đến dư địa lớn cho HHV trong trường hợp các dự án dần được chuyển giao cho doanh nghiệp.
HHV có kế hoạch đẩy mạnh tham gia lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông và dự kiến mảng trên sẽ trở thành động lực đóng góp chính cho tăng trưởng kết quả kinh doanh trong giai đoạn tới.
Mặc dù mới gia nhập ngành, HHV có nhiều lợi thế để tham gia các dự án cao tốc với vai trò tổng thầu nhờ hưởng lợi từ danh tiếng và năng lực đã được chứng minh của tập đoàn Đèo Cả và nguồn việc lớn tại các dự án cao tốc do Đèo Cả là chủ đầu tư PPP. ‐ Dòng tiền dồi dào từ các trạm thu phí và mức độ sử dụng tài sản lưu động thấp giúp HHV còn nhiều dư địa để tham gia các gói thầu xây lắp (thường thâm hụt dòng tiền và có nhu cầu vốn lưu động cao); có khả năng chống chịu và đảm bảo tiến độ ngay cả khi thị trường không thuận lợi.
Theo VCBS, Tập đoàn Đèo Cả và các đơn vị thành viên như HHV sở hữu vị thế vượt trội trong đấu thầu các dự án cao tốc trong chu kì đầu tư mới xét đến quy mô các gói thầu cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó và yêu cầu các nhà thầu lớn, có năng lực tài chính cao.
Nhiều dự án thuộc giai đoạn đầu tư mới (đặc biệt Cao tốc Bắc – Nam phía Tây) đi qua nhiều địa phương có địa hình phức tạp, nhiều đoạn vượt qua đồi núi là lợi thế lớn cho hệ thống Đèo Cả - vốn đã làm nên tên tuổi thông qua các dự án hầm qua núi và đòi hỏi kĩ thuật thi công cao.
VCB: ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 93.230 đồng/cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) vừa công bố lợi nhuận trước thuế sơ bộ của ngân hàng mẹ năm 2022 tăng 39% so với mức thực hiện năm 2022, hoàn thành 119% kế hoạch cả năm của ban lãnh đạo.
Điều này tương ứng với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ năm 2022 là 36,9 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 đạt khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng (tăng 68% so với quý trước/tăng 58% so với cùng kỳ). Sự gia tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh của tín dụng.
Cho vay của VCB năm 2023 tăng 19%, cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành là 14,5%. Cho vay khách hàng tổ chức tăng 18,5%, tín dụng cho vay khách hàng cá nhân tăng tăng 19,4%.
Tiền gửi của khách hàng tăng tăng 9,1%. NIM năm 2022 đạt 3,51% (tăng 24 điểm cơ bản). Thu nhập ngoài lãi ròng của công ty mẹ tăng tăng 9,2%, hoàn thành 108,7% mục tiêu cả năm.
Dựa trên con số đó, Công ty Chứng khoán Á Châu (ACBS) ước tính thu nhập ngoài lãi trong quý IV/2022 đạt 961 tỷ đồng (giảm 52% so với quý trước và giảm 46% so với cùng kỳ).
Ngân hàng đã báo cáo tổng nợ xấu là 7,7 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu là 0,67% (giảm 13 điểm cơ bản so với quý trước và tăng 3 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong quý IV/2022. Tỷ lệ LLR tăng lên 465% (tăng 63 điểm cơ bản so với quý trước và tăng 41 điểm cơ bản so với cùng kỳ). VCBS cho rằng đây là mức cao nhất trong ngành. ROAA sơ bộ là 1,84% và ROAE là 24,3% vào năm 2022.
Năm 2023, VCB lên kế hoạch tổng tài sản tăng 9%, tăng trưởng tín dụng đạt 12,8%. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 1,5%, NIM kế hoạch đạt tối đa 3,24%. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 kỳ vọng tăng trưởng 12% so với mức thực hiện năm 2022.
VCB không giảm trích lập dự phòng dù tỷ lệ nợ xấu giảm. ACBS cho rằng tỷ lệ LLR cao có thể giúp VCB linh hoạt trong việc giảm trích lập dự phòng và từ đó hỗ trợ lợi nhuận trong năm 2023.
Cổ phiếu VCB đang giao dịch tương ứng với P/B dự phóng năm 2023 là 2,4 lần. ACBS vẫn xem VCB là ngân hàng chất lượng nhất tại, và duy trì khuyến nghị mua đối với VCB với giá mục tiêu 93.230 đồng/cổ phiếu.
GMD: Agriseco khuyến nghị mua với giá mục tiêu 58.000 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) mới đây đã thông qua kế hoạch thoái vốn 85% cổ phần tại cảng Nam Hải Đình Vũ (NHĐV).
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) kỳ vọng GMD sẽ có lợi nhuận đột biến từ thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ. Đây là một trong những cảng chính của GMD ở khu vực phía Bắc với sản lượng gần 600.000 TEUs/năm. Trong năm 2021, cảng NHĐV đạt doanh thu gần 650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 212 tỷ đồng và đã hoạt động gần như 100% công suất.
Khi thoái vốn tại cảng NHĐV, GMD có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến từ bán tài sản. Mặc dù chưa có thông tin chính xác về mức giá bán cảng NHĐV, nhưng chúng tôi ước tính GMD có thể bán cảng này và thu về khoảng 2.000 tỷ đồng (tương ứng với p/e khoảng 10 lần) và ghi nhận lợi nhuận đột biến cho doanh nghiệp.
Theo Agriseco, ngành cảng biển sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023 do suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng hàng hóa và container cập cảng.
Thoái vốn tại NHĐV giúp GMD ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến và cải thiện tính hình tài chính hiện nay. GMD sẽ có thêm nguồn lực để hoàn thiện dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và Gemalink giai đoạn 2 mà không cần huy động thêm vốn vay quá nhiều.
Agriseco kỳ vọng cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đạt hiệu suất cao sau khi vận hành. Hiện nay cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đang trong quá trình xây dựng và có thể vận hành từ quý I/2023 với công suất khoảng 500.000 TEUs/năm. Agriseco đánh giá việc GMD thoái vốn tại cảng NHĐV có thể giúp cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 nhanh chóng đạt hiệu suất cao hơn khi được nhận một phần khối lượng hàng hóa điều chuyển từ cảng NHĐV sang.
GMD ghi nhận kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng ấn tượng nhờ cảng Gemalink vận hành với hiệu suất cao. Mặc dù năm 2023 còn nhiều khó khăn do suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng GMD đã có những thay đổi rất linh hoạt để đảm bảo lợi nhuận cũng như dòng tiền trong giai đoạn tới.
Agriseco đánh giá khả quan và khuyến nghị mua cổ phiếu GMD với giá mục tiêu là 58.000 đồng/cổ phiếu.