ĐBQH: TTCK Việt Nam còn non trẻ, cần kiểm soát nghiêm để tránh rủi ro lừa đảo

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường tiềm năng bởi vì đây là một nước đang có nền kinh tế tăng trưởng tốt, mức độ huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán (bao gồm thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu) chưa phải là cao.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, trao đổi bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. (Ảnh: Anh Hùng)
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, trao đổi bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. (Ảnh: Anh Hùng)

Theo báo cáo Chính phủ, trong thời gian qua, lãnh đạo một số tập đoàn tư nhân đã bị khởi tố về tội thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua những vụ án này, cơ quan điều tra đã phát hiện được nhiều hành vi và thủ đoạn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho nhiều nhà đầu tư, đồng thời làm thị trường chứng khoán có những giai đoạn chao đảo và giảm điểm mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Hệ quả là đã làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro.

TTCK Việt Nam còn non trẻ, cần kiểm soát để tránh rủi ro lừa đảo

Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, về thị trường chứng khoán, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đánh giá đây là thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp.

Do đó, ông Cường cho rằng nếu như không có các biện pháp bảo vệ khu vực pháp lý để thị trường này hoạt động lành mạnh thì sẽ dẫn đến việc chuyển từ thị trường huy động vốn sang thị trường có yếu tố lừa đảo. "Nếu như có yếu tố lừa đảo thì nó không còn là lành mạnh nữa, cũng như gây mất niềm tin, tiềm năng phát triển thị trường", ông Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, Việt Nam đang còn là một thị trường non trẻ cho nên cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát các hành vi tham gia thị trường này nhằm tránh rủi ro lừa đảo, nhà đầu tư chỉ chấp nhận rủi ro nếu đó là sự thay đổi về tăng trưởng kinh tế.

"Nếu rủi ro về tăng trưởng kinh tế thì nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận nhưng nếu như có hành vi lừa đảo, đó sẽ là một yếu tố gây mất niềm tin vào các cơ quan quản lý", ông Cường cho hay.

Chính vì vậy, ông Cường cho rằng việc Thủ tướng yêu cầu phải quản lý thật chặt chẽ thị trường cổ phiếu, trái phiếu chính là trách nhiệm cũng như vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo tính lành mạnh của thị trường.

Về vấn đề quản lý, ông Hoàng Văn Cường cho rằng phải quản lý thường xuyên, liên tục và quản lý mang tính chất ngăn chặn để làm sao không để doanh nghiệp lún sâu vào sai phạm.

"Khi phát hiện ra các hành vi, nguy cơ có thể dẫn đến rủi ro thì chúng ta phải có động tác xử lý ngay. Nếu chúng ta thực hiện được một cách thường xuyên, chặt chẽ thì sẽ không phải sử dụng các biện pháp mạnh", ông Cường nói.

Vừa qua, đã có một số tổ chức, cá nhân sai phạm mang tính chất hệ thống trong thị trường chứng khoán, tuy nhiên, ông Cường cho rằng sai phạm này ngoài trực tiếp từ những tổ chức, các nhân thì vẫn có yếu tố buông lỏng quản lý của các cơ quan quản lý.

"Trong bối cảnh buộc phải xử lý, chúng ta phải chấp nhận xử lý các tổ chức cá nhân đó", ông Cường nêu rõ.

"Đấy là điều mà chúng ta không mong muốn nhưng chúng ta buộc lòng phải xử lý sớm để không quá lún sâu vào sai phạm rồi tạo ra một sự đổ vỡ thì điều đó còn nguy hại hơn", ông Cường bày tỏ quan ngại.

Ngoài ra, theo ông Cường, thị trường cổ phiếu, trái phiếu giai đoạn này có khó khăn hơn vì còn bị ảnh hưởng rất lớn xu hướng của kinh tế thế giới. "Việc kinh tế và thị trường chứng khoán thế giới đi xuống đã kéo theo thị trường của chúng ta đi xuống. Rõ ràng là có 2 yếu tố cộng hưởng lại với nhau", ông Cường nói.

"Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng"

Đề cập đến vấn đề thị trường Việt Nam vẫn được các chuyên gia, quỹ đầu tư đánh giá là một thị trường có tiềm năng, ông Cường cho rằng điều này hoàn toàn có cơ sở bởi vì Việt Nam đang là một nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt, mức độ huy động vốn thông qua thị trường cổ phiếu, trái phiếu cũng chưa phải là cao.

Theo ông Cường, những nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn nhìn vào tiềm năng dài hạn của thị trường Việt Nam bởi vì đã có những giai đoạn thị trường đang thoái trào nhưng các nhà đầu tư này không bỏ đi các nơi khác mà vẫn tiếp tục đầu tư.

Tuy nhiên, ông Cường cũng đặc biệt lưu ý, thị trường Việt Nam được xem là tiềm năng nhưng vẫn là thị trường rất mới, việc quản lý của Nhà nước chưa phải thực sự hoàn chỉnh, trong khi những người tham gia thị trường cũng chưa phải chuyên nghiệp.

"Mặc dù tiềm năng nhưng việc tham gia vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu đòi hỏi phải có một trình độ chuyên môn rất cao, am hiểu rất sâu thì chúng ta mới tránh được rủi ro đầu tư dài hạn, tránh được xu hướng chạy theo trào lưu đám đông", ông Cường nói.

Theo ông Cường, việc chạy theo đám đông như vậy là do tâm lý của những người đầu tư không chuyên nghiệp, điều này có thể dẫn đến rủi ro cho cá nhân, nhưng nguy hại hơn là làm thị trường chao đảo, không ổn định.

Do đó, ông Cường cho rằng trong thời gian tới, mặc dù thị trường được đánh giá có tiềm năng nhưng cần tập trung phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp. "Những người đầu tư không chuyên nghiệp nên hướng dòng vốn của mình thông qua các tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp để cùng góp thị trường ổn định hơn", ông Cường nói.

Doanh nghiệp "phù phép" trong phát hành trái phiếu riêng lẻ

Trao đổi thêm về các giải pháp hoàn thiện thể chế cho thị trường vốn, đại biểu Hoàng Văn Cường đã đề cập đến quy định trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ vẫn có những điểm "hở", từ đó các tổ chức phát hành trái phiếu có thể “phù phép” biến nhà đầu tư không chuyên nghiệp thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ông Cường cho biết, trong thời gian vừa qua, thị trường đã xảy ra nhiều rủi ro, nhất là trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ . "Thực tế chúng ta đã có những biện pháp tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên trên thực tế thi hành, đôi khi người ta vẫn tìm mọi cách để lách luật", ông Cường nói.

Ông Cường nêu rõ trong quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ, đối tượng được phép mua trái phiếu phải là các nhà đầu tư chuyên nghiệp và các tổ chức. Nhưng trên thực tế, những năm vừa qua, phần lớn trái phiếu riêng lẻ lại được phát hành cho những nhà đầu tư cá nhân và không chuyên nghiệp. "Mọi người cứ thấy lãi suất cao thì đổ tiền vào, cho nên việc huy động trái phiếu riêng lẻ là rất dễ dãi", ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, chính vì việc huy động vốn quá dễ nên nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động huy động vốn, nhưng lúc khó khăn, doanh nghiệp lại không có khả năng đầu tư nhằm tạo ra nguồn vốn để trả nợ. Điều này khiến cho doanh nghiệp đối mặt rủi ro và kéo theo đó, trái chủ cũng gặp rủi ro. Do đó, ông Cường cho rằng tới đây, phải điều chỉnh chặt chẽ hơn ở điểm này.

Anh Hùng

Theo VietnamFinance