Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/5): MIG, NLG và QNS
KBSV duy trì đánh giá tích cực đối với cổ phiếu NLG nhờ nền tảng cơ bản vững chắc với cơ cấu tài chính an toàn và các dự án căn hộ trung cấp tại TP. HCM như Mizuki và Akari City hay căn hộ vừa túi tiền Ehome Southgate vẫn thu hút được người mua có nhu cầu ở thực.
MIG: VNDirect khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 20.500 đồng/cổ phiếu
Trong quý I/2023, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC, HoSE: MIG) ghi nhận phí bảo hiểm gốc, phí bảo hiểm thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 1.217 tỷ đồng (giảm 2,4% so với cùng kỳ), 608 tỷ đồng (giảm 0,4% so với cùng kỳ ) và 69 tỷ đồng (tăng 1,0% so với cùng kỳ ). Lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 12,6% so với cùng kỳ lên 65 tỷ đồng, bù đắp cho việc lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 5 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Hiệu quả đầu tư cao là điểm sáng trong quý khi lợi suất đầu tư được cải thiện lên mức 7% (tăng 500 điểm cơ bản so với quý trước và tăng 10 điểm cơ bản so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ lãi suất tiền gửi cao hơn ở mức 7,5% (tăng 200 điểm cơ bản so với cùng kỳ và tăng 50 điểm cơ bản so với quý trước) theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect.
Phí bảo hiểm gốc của MIG đã giảm 2,4% so với cùng kỳ xuống còn 1.217 tỷ đồng trong quý I/2023, thấp hơn tăng trưởng của ngành là tăng 2,6% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh tế suy yếu với tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,3% trong quý I/2023 so với 8% trong 2022 đã khiến tăng trưởng phí của ngành giảm tốc theo.
MIG tăng trưởng chậm hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành do cơ cấu sản phẩm thiên về các dòng bảo hiểm cá nhân (sức khỏe và xe cơ giới), vốn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các dòng bảo hiểm thương mại khi người tiêu dùng “thắt chặt hầu bao”. MIG ghi nhận tăng trưởng phí bảo hiểm gốc lần lượt là âm 24,9%, tăng 6,9% và tăng 15,9% so với cùng kỳ cho các mảng sức khỏe, xe cơ giới và thương mại. Nhìn chung, tăng trưởng phí thấp hơn kỳ vọng của VNDirect, đặc biệt ở mảng sức khỏe.
Tỷ lệ kết hợp của MIG đã tăng 90 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 96,5% từ mức nền thấp quý I/2022 do tác động của Covid-19. Kết quả này tốt hơn so với các doanh nghiệp niêm yết khác (ngoại trừ PTI) với tỷ lệ kết hợp tăng 310 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Tỷ lệ bồi thường của MIG giảm 260 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 36,9% do tỷ lệ bồi thường (sau tái bảo hiểm) tăng đột biến (tăng 11,8 điểm % so với cùng kỳ) được bù đắp bởi việc dự phòng giảm 32 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ chi phí tăng 345 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 59,7% do chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh. Nhìn chung, tỷ lệ kết hợp quý I/2023 sát với ước tính của VNDirect.
Cổ phiếu MIG đã tăng 8,5% kể từ báo cáo lần đầu của VNDirect vào 6/4/2023, vượt trội so với VN-Index giảm 0,5%. Mặc dù VNDirect vẫn tin tưởng vào câu chuyện tăng trưởng dài hạn của MIG, định giá hiện tại của cổ phiếu chưa thực sự hấp dẫn so với một số cơ hội khác.
VNDirect nâng dự phóng lợi nhuận năm 2023 thêm 6% lên 257 tỷ đồng để phản ánh lợi suất đầu tư cao hơn, trong khi vẫn giữ nguyên dự phóng năm 2024 là 263 tỷ đồng. VNDirect nâng giá mục tiêu lên 20.500 đồng/cổ phiếu nhưng đưa khuyến nghị về trung lập. Tiềm năng tăng giá bao gồm tỷ lệ kết hợp tốt hơn dự kiến và khả năng phát hành/bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược.
NLG: KBSV khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 35.200 đồng/cổ phiếu
Doanh số bán hàng trong quý I/2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) giảm mạnh so với cùng kỳ với 45 căn tương đương với tổng giá trị hợp đồng đạt 238 tỷ đồng (giảm 91% so với cùng kỳ) phản ánh những khó khăn của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng đã có sự khởi sắc từ nửa đầu tháng 4 với 44 căn hộ được bán với tổng giá trị hợp đồng đạt 196 tỷ đồng.
Điểm tích cực là dù trong bối cảnh chung khó khăn, hai dự án nhà ở trung cấp trong nội đô Mizuki và Akari City có tỉ lệ hấp thụ tốt nhờ đáp ứng nhu cầu ở thật của khách hàng. Đây trong những điểm mạnh của Nam Long khi định hướng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền với đa dạng dòng sản phẩm Ehome/EhomeS, Flora, Valora, có giá bán và tiến độ phù hợp với thu nhập của từng phân khúc khách hàng
Nam Long đặt mục tiêu doanh số năm 2023 đạt 9.430 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) từ mở bán dòng sản phẩm Ehome tại các dự án Nguyên Sơn, Southgate, EhomeS Cần Thơ, Hải Phòng, dòng sản phẩm Flora tại dự án Akari City và Mizuki Park và 256 sản phẩm Valora của phân khu The Pearl dự án Waterpoint.
Tuy nhiên, ước tính của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thận trọng hơn với doanh số bán hàng năm 2023 đạt khoảng 4.466 tỷ đồng (giảm 46% so với cùng kỳ) đến từ dự án Akari City, Mizuki Park và Southgate.
KBSV dự báo lợi nhuận sau thuế của NLG năm 2023 đạt 583 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) từ bàn giao dự án Southgate, Izumi City và đẩy mạnh bàn giao dự án Mizuki Park (giai đoạn 2) và chuyển nhượng 25% cổ phần còn lại tại dự án Paragon Đại Phước.
KBSV duy trì đánh giá tích cực đối với cổ phiếu NLG nhờ nền tảng cơ bản vững chắc với cơ cấu tài chính an toàn và các dự án căn hộ trung cấp tại TP. HCM như Mizuki và Akari City hay căn hộ vừa túi tiền Ehome Southgate vẫn thu hút được người mua có nhu cầu ở thực.
Tuy nhiên, KBSV cũng lưu ý đến vấn đề phê duyệt thủ tục pháp lý kéo dài cũng như khả năng hấp thụ tại hai dự án Izumi City và Cần Thơ có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả bán hàng của Nam Long.
Giá cổ phiếu NLG có mức tăng 44% trong vòng 2 tháng qua. Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, KBSV đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 35.200 đồng/cổ phiếu.
QNS: BVSC khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 49.700 đồng/cổ phiếu
Doanh thu thuần quý I/2023 của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) đạt 2.130 tỷ đồng (tăng 17,5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 317 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ).
Giá đường cao và sản lượng mía vụ 2022/2023 tốt giúp kết quả kinh doanh mảng đường của QNS tăng trưởng ấn tượng với doanh thu tăng 79% và lợi nhuận gộp tăng 255%; biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 11,3% lên 22,4%. Bất chấp áp lực từ đường lậu thì giá đường trong nước (RS An Khê) vẫn duy trì trên 18.000 đồng/kg, gần đây nhất đã tăng lên 19.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá đường thế giới đã có mức tăng mạnh gần 20% từ đầu năm do lo ngại lệnh hạn chế xuất khẩu đường của Ấn Độ; vụ mía 2022/2023 của Thái Lan không đạt kỳ vọng; và giá dầu duy trì ở mức cao trong khi Brazil dự tính nghiên cứu phương án nâng tỷ trọng Ethanol tại các điểm bán lẻ xăng từ 27,5% lên 30%.
Sữa đậu nành tăng trưởng âm, biên lợi nhuận chưa phục hồi. Doanh thu quý I giảm 8,4% (sản lượng giảm tương đương) trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong ngành sữa uống nói chung và sữa đậu nành/sữa hạt nói riêng. Một đối thủ trong ngành là Vinamilk cho biết sản phẩm sữa hạt của họ đã tăng trưởng hơn 40% kể từ đầu năm.
Về biên lợi nhuận, QNS ghi nhận biên gộp 40% cho mảng sữa đậu nành trong quý I, giảm nhẹ 0,7% so với mức của cả năm 2023. Điều này diễn ra trong bối cảnh giá đậu nành thế giới vẫn neo ở mức cao, chỉ mới giảm chưa đến 20% từ đỉnh do lo ngại về vụ 2022/2023 của Argentina. Chi phí đậu đầu vào của QNS cũng chưa giảm do đã chốt giá cho năm nay, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dời kỳ vọng này sang năm 2024.
4 tháng năm 2023, doanh thu của QNS đạt 3.410 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế 580 tỷ đồng (tăng 98% so với cùng kỳ). Trong đó, mía đường tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu và lợi nhuận trong khi sữa đậu nành chưa khởi sắc về doanh thu, lợi nhuận đi ngang cùng kỳ.
BVSC dự báo doanh thu năm 2023 của QNS đạt 9.959 tỷ đồng (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.528 tỷ đồng (tăng 18,8% so với cùng kỳ), điều chỉnh tăng lần lượt 5% và 10%. Trong đó, thay đổi chủ yếu là giá và sản lượng đường kỳ vọng cho cả năm được điều chỉnh tăng thêm lần lượt 5% và 7%.
EPS của QNS dự báo đạt 5.071 đồng/cổ phiếu và P/E dự phóng 9,1 lần tại giá thị trường ngày 15/5/2023. Với việc giá cổ phiếu đã tăng hơn 20% kể từ cuối tháng 3/2023 phản ánh kết quả kinh doanh quý I/2023 cũng như triển vọng cả năm tích cực, BVSC hạ khuyến nghị xuống trung lập đối với QNS, giá kỳ vọng 49.600 đồng/cổ phiếu tương ứng với P/E mục tiêu 9,8 lần – mức bình quân trong 2 năm trở lại đây.