Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/8): VIC, BSR và MBB
Chứng khoán Mirae Asset dự báo mảng bất động sản, cho thuê thương mại của VIC sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào nửa cuối năm, với động lực đến từ việc bàn giao thêm sản phẩm của dự án Vinhomes Ocean Park 2 và Vincom Mega Mall tại đây rục rịch ra đời.
MASVN: Khuyến nghị mua VIC với giá mục tiêu 82.400 đồng/cổ phiếu
Hết quý II, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) ghi nhận 13.800 tỷ đồng doanh thu, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do mảng bất động sản suy giảm mạnh (doanh thu từ 26.000 tỷ đồng xuống còn 2.400 tỷ đồng). Tuy vậy, nhờ bán cổ phần tại một số công ty con, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt hơn 515 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 14% cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VIC đạt 31.200 tỷ đồng doanh thu và 1.027 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 47% và 30% so với cùng giai đoạn 2021. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, doanh thu mảng bất động sản nửa đầu năm đạt 25.800 tỷ đồng, giảm 33% cùng kỳ và lợi nhuận gộp đạt 16.100 tỷ đồng, giảm 27,5% cùng kỳ. MASVN cho rằng điểm rơi lợi nhuận của VIC sẽ vào hai quý cuối năm nay.
Vì thế, công ty chứng khoán này dự báo mảng địa ốc vẫn mang về hơn 91.000 tỷ đồng doanh thu cho năm 2022, với trọng tâm là việc bàn giao phân khu thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2.
Bên cạnh đó, mảng cho thuê thương mại cũng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022. Mảng này cho thấy sự hồi phục rõ rệt với lượng khách trong quý II đạt xấp xỉ 12 triệu lượt/tháng, còn tổng lượng khách cả quý II tăng trưởng 36% so với quý trước. Trong nửa đầu năm, hoạt động cho thuê thương mại mang lại 3.500 tỷ đồng doanh thu và 1.800 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, VRE dự kiến sẽ mở thêm 2 Vincom Mega Mall tại Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire và tại Vinhomes Grand Park. Ngoài ra cũng sẽ mở thêm Vincom Plaza tại một số địa phương như Hà Giang, Điện Biên Phủ, Quảng Trị, nâng tổng diện tích lên gần 2 triệu m2 (tăng khoảng 14% so với quy mô hiện tại).
Mảng xe điện cũng được đặt nhiều kỳ vọng. Theo đó, doanh số bán xe của Vinfast giảm nhẹ so với nửa đầu năm trước (14.695 xe so với 15.938 xe), tuy nhiên điểm tích cực là xe điện VF e34 của hãng lại có doanh số tăng trưởng từng tháng, đạt 2.141 xe trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, mảng này vẫn báo lỗ gộp 5.300 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (giảm nhẹ so với cùng kỳ), nâng tổng lỗ gộp lũy kế lên đến 53.800 tỷ đồng.
MASVN tin rằng tình hình sẽ cải thiện trong cuối năm nay khi các mẫu xe điện VF 8 và VF 9 (tính đến tháng 7 đã có 65.000 đơn đặt chỗ) được bàn giao vào cuối năm nay.
Hiện MASVN khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu VIC với giá mục tiêu 82.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn 25% so với giá đóng cửa phiên 16/8. Công ty chứng khoán này nhấn mạnh mảng sản xuất xe điện của VIC tuy có nhiều tiềm năng trong tương lai, nhưng sẽ cần nhiều thời gian hơn để hòa vốn so với dự phóng trước đây. Ngoài ra cũng lưu ý đến vấn đề nợ của doanh nghiệp khi tổng nợ đạt 156.800 tỷ đồng (tăng 28% so với quý trước).
PSI: Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BSR
Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) tiếp tục báo lãi lớn trong quý II. Tổng kết hai quý đầu năm, BSR mang về 87.175 tỷ đồng doanh thu và 12.220 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 78% và 246% so với cùng giai đoạn năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu (91.680 tỷ đồng) và vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm (1.295 tỷ đồng).
Ban lãnh đạo cho biết, lợi nhuận quý II tăng mạnh là nhờ diễn biến giá dầu thô thuận lợi, đồng thời giá sản phẩm cũng tăng cao. Cuối năm 2021, giá dầu thô bình quân đạt 74,1 USD/thùng, nhưng đã tăng lên 87,22 USD/thùng vào tháng 1/2022 và tiếp tục tăng đến 123,7 USD/thùng vào tháng 6 vừa qua.
Trong khi đó, cùng kỳ năm 2021 giá dầu thô vốn đã phục hồi sau đợt giảm sốc năm 2020, tăng từ 49,89 USD/thùng (bình quân tháng 12/2020) lên 73,04 USD/thùng (bình quân tháng 6/2021).
Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo, thời gian tới, việc giá dầu thô giảm tốc và có xu hướng hạ giá sau khoảng thời gian thăng hoa sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR, bởi dầu thô chiếm khoảng 90-95% tổng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân kéo lùi giá dầu thô là vì lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và các ca Covid-19 ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư. Ngoài ra, trong báo cáo tháng 7, Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ - EIA đã bắt đầu điều chỉnh giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2022 từ 99,63 triệu thùng/ngày xuống 99,58 triệu thùng/ngày, bởi nền kinh tế chậm lại, quyết định về sản lượng của OPEC+ và tốc độ sản xuất của các công ty dầu đá phiến tại Mỹ.
Giá các sản phẩm xăng dầu suy giảm đã khiến chênh lệch giá crack dầu thô và các sản phẩm xăng dầu (crack spread) tại châu Á giảm về ngưỡng 20 USD/thùng – mức nền cao so với lịch sử, thậm chí của các sản phẩm xăng dầu chính như RON92 và RON95 giảm về sát mức 0 USD/thùng, là mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm qua kể từ tháng 12/2021.
Tuy nhiên với bức tranh kinh doanh khởi sắc 6 tháng đầu năm, PSI dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của BSR trong năm 2022 vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 35,9% và 106,3% so với năm 2021.
Ở chiều ngược lại, PSI dự báo nền giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục neo giữ ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung dầu thô toàn cầu vốn đã thắt chặt đẩy giá dầu tăng nhanh, thì cuộc chiến giữa Nga - Ukraine càng làm nóng thêm đà tăng của giá dầu. PSI cho rằng, mức giá dầu duy trì trên 85 USD/thùng vẫn sẽ là mức giá hợp lý, khi mà mức giá này đã vượt xa điểm hòa vốn đối với các doanh nghiệp thượng nguồn.
PSI duy trì khuyến nghị nắm giữ đối với BSR với giá mục tiêu theo phương pháp DCF là 27.400 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá là 10% và P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt là 6,3 lần và 12,9 lần.
KBSV: Khuyến nghị mua cho cổ phiếu MBB
Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho biết, kết thúc quý II, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank, HoSE: MBB) ghi nhận lãi thuần đạt 8.969 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái; ngược lại thu nhập ngoài lãi đạt 2.252 tỷ đồng, giảm 30% cùng kỳ.
Chi phí dự phòng rủi ro trong quý đạt 1.374 tỷ đồng, giảm mạnh 43% so với cùng kỳ. Nhờ cắt giảm chi phí dự phòng mà lợi nhuận trước thuế quý II tăng 756% cùng kỳ, đạt 5.986 tỷ đồng trong khi tổng thu hoạt động chỉ tăng khoảng 25%.
Lợi suất đầu ra bình quân quý II đạt 7,99%, tăng 19 điểm cơ bản so với quý trước với đóng góp chính đến từ cho vay khách hàng (tăng 23 điểm). Lãi suất bình quân đầu ra chỉ tăng nhẹ 8 điểm cơ bản so với quý I nhờ tỷ lệ CASA tăng trở lại trong quý II. Biên lãi thuần NIM từ đó tăng 13 điểm so với quý liền kề, đạt 5,74%.
Tính đến cuối quý II tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 14,7% và 7,9% - tương đương so với cuối quý I do ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được giao. Huy động từ tiền gửi vẫn khả quan trong khi ngân hàng cắt giảm huy động từ thị trường liên ngân hàng do lãi suất đang có xu hướng tăng cao. LDR đạt 75,4% - vẫn đảm bảo dư địa tăng cho vay.
Tỷ lệ nợ xấu quý II tiếp tục tăng khoảng 20 điểm cơ bản so với quý I lên mức 1,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu dù giảm xuống 221,4% nhưng vẫn thuộc top đầu ngành. Số dư nợ tái cơ cấu tính đến cuối quý II còn khoảng 3.300 tỷ đồng, giảm 30% so với quý I.
MB sẽ phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%, và sẽ chốt quyền nhận cổ tức vào ngày 23/8/2022. Ngoài ra ngân hàng sẽ tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ cho Viettel, ESOP và chào bán 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Việc tăng vốn là cần thiết để đảm bảo CAR khi tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu MBB là 37.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn 36% so với giá tại ngày 16/8. Từ đó khuyến nghị mua cổ phiếu này.