Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 17/8: VNM, PVT và BAF
SSI nâng giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu VNM lên 86.600 đồng/cổ phiếu từ mức 82.000 đồng/cổ phiếu. Với tiềm năng tăng giá là 19%, SSI duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VNM.
VNM: SSI nâng giá mục tiêu 1 năm lên 86.600 đồng/cổ phiếu
Trong quý II/2023, VNM đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 15,2 nghìn tỷ đồng (tăng 1,8% so với cùng kỳ) và 2,23 nghìn tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ), thấp hơn một chút so với ước tính của SSI về lợi nhuận ròng là 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, SSI nhận thấy kết quả này khá tích cực vì đây là quý đầu tiên ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương sau 9 quý giảm liên tiếp. Thị phần tổng thể cũng bắt đầu cải thiện kể từ đầu năm. Trong thời gian tới, SSI kỳ vọng xu hướng giảm giá sữa bột nhập khẩu sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận ròng. Đối với doanh thu, SSI kỳ vọng chiến lược chuyển đổi trung hạn của VNM (với bộ nhận diện thương hiệu mới) sẽ giúp thúc đẩy doanh thu và bảo vệ thị phần.
Trong năm 2023, SSI kỳ vọng công ty sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 63,4 nghìn tỷ đồng (tăng 5,7% so với cùng kỳ) và 9,1 nghìn tỷ đồng (tăng 5,9% so với cùng kỳ), thấp hơn 1,3% so với dự báo lợi nhuận ròng trước đây của SSI. Theo đó, doanh thu thuần và thu nhập ròng nửa cuối năm 2023 lần lượt tăng 10% và 18% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, SSI kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 67,4 nghìn tỷ đồng (tăng 6,3% so với cùng kỳ) và 10,7 nghìn tỷ đồng (tăng 17,2% so với cùng kỳ), cao hơn 4,4% so với ước tính lợi nhuận ròng trước đó của SSI. SSI cũng nâng giả định tỷ suất lợi nhuận gộp cho năm 2024 từ 42,1% lên 43% để phản ánh xu hướng giảm của sữa bột nhập khẩu.
SSI nâng giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu VNM lên 86.600 đồng/cổ phiếu (từ 82.000 đồng/cổ phiếu), dựa trên phương pháp EPS và DCF 2024. Với tiềm năng tăng giá là 19%, SSI duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VNM.
PVT: Giá mục tiêu năm 2024 là 24.000 đồng/cổ phiếu
Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) tiếp tục cải thiện tình hình tài chính trong quý II/2023, hưởng lợi từ chu kỳ đi lên của ngành tàu chở dầu. Doanh thu mảng vận tải tăng 2% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp tăng 9% so với cùng kỳ và LNTT tăng 45% so với cùng kỳ bao gồm khoản lãi bất thường từ việc thanh lý tàu là 56 tỷ đồng. LNTT không bao gồm khoản lãi bất thường sẽ tăng 27% so với cùng kỳ, tương đương với mức tăng 26% so với cùng kỳ trong quý I/2023. Trong quý II, PVT đã bán 2 tàu cũ (Apollo Pacific và PVT Dragon), ghi nhận khoản lãi bất thường 56 tỷ đồng, cao hơn 10 tỷ đồng so với kỳ vọng trước đó do giá sắt vụn tăng.
Biên lợi nhuận mảng vận tải cải thiện đáng kể lên 23% trong quý II/2023, giúp lợi nhuận gộp tăng 15% so với cùng kỳ đạt 412 tỷ đồng, đây là mức cao nhất trong lịch sử của PVT và vượt qua kỳ vọng của SSI. Nguyên nhân chính giúp tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng vận tải tăng cao hơn bao gồm: biên lợi nhuận định mức của mảng thị trường nội địa cao hơn, gia hạn hợp đồng thuê tàu có định hạn với mức giá cao hơn trên thị trường quốc tế và đội tàu tăng trưởng mạnh.
SSI cũng nâng 5% ước tính LNTT cốt lõi trong năm 2023 đạt 1,45 nghìn tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ). Bao gồm khoản lãi bất thường 94 tỷ đồng, ước tính LNTT năm 2023 mới của SSI là 1,55 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ (tăng từ 1,48 nghìn tỷ đồng). Điều này có nghĩa là trong nửa cuối năm 2023, SSI ước tính LNTT cốt lõi đạt 772 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ). LNTT dự kiến sẽ giảm 4,3% so với cùng kỳ trong năm 2024, do công ty chứng khoán này giả định công ty ghi nhận khoản lãi bất thường thấp hơn trong năm 2024 và LNTT cốt lõi không đổi nếu loại trừ các khoản lãi bất thường trong cả hai năm.
SSI cũng hạ khuyến nghị xuống trung lập (từ khả quan), với giá mục tiêu năm 2024 là 24.000 đồng/cổ phiếu (từ 23.200 đồng/cổ phiếu). PVT đang giao dịch ở mức P/E dự phóng năm 2023 và 2024 lần lượt là 8,27x và 9,0x, ở mức cao nhất trong biên độ P/E lịch sử. PVT vẫn là cổ phiếu ưa thích của SSI trong ngành tàu chở dầu (hiện đang trong chu kỳ tăng trưởng) với khả năng quản lý tốt, SSI khuyến nghị nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu tại các nhịp điều chỉnh.
BAF: VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 26.700 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (HoSE: BAF) ghi nhận doanh thu thuần tăng 14,5% so với cùng kỳ trong quý II/2023 chủ yếu nhờ mảng kinh doanh nông sản tăng 24,1% so với cùng kỳ trong khi doanh thu mảng 3F (trang trại – thức ăn chăn nuôi – thực phẩm) giảm 24,8% so với cùng kỳ. Theo ban lãnh đạo, doanh thu 3F sụt giảm do: ba trang trại mới đưa vào hoạt động chậm hơn dự kiến và BAF chủ động giữ lại một lượng lớn heo cai sữa cho các trang trại mới.
Bên cạnh đó, biên LN gộp cải thiện 1,6 điểm % so với cùng kỳ trong quý II/2023 nhờ chi phí đầu vào thức ăn chăn nuôi giảm. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng 46 lần lên 46 tỷ đồng trong quý II/2023 do các khoản vay ngắn hạn tăng 55% so với cùng kỳ nhằm đầu tư xây dựng các trang trại mới ở Bình Phước và Nghệ An. Do đó, LN ròng của BAF giảm 72,6% so với cùng kỳ trong quý II/2023.
Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng BAF ghi nhận doanh thu cải thiện 16,1%/7,4% so với cùng kỳ và biên LN gộp cải thiện 3,8 điểm %/0,5 điểm % so với cùng kỳ trong nửa cuối 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các dự án trang trại mới sẽ dẫn đến tổng nợ vay cao hơn (đạt 1.520 tỷ đồng, +59% so với cùng kỳ trong 2023), VNDirect kỳ vọng chi phí tài chính sẽ tăng 1,5 lần so với cùng kỳ trong nửa cuối năm và đi ngang trong 2024.
Do đó, VNDirect dự phóng LN ròng của BAF có thể đạt 186 tỷ đồng (tăng 13,5% so với cùng kỳ)/232 tỷ đồng (tăng 15,9% so với cùng kỳ) trong nửa cuối 2023 và cả năm 2024.
VNDirect cũng hạ giảm dự phóng DT trong 2023-2024 xuống 18,0%/17,2% so với báo cáo trước do giảm dự phóng sản lượng bán trong mảng kinh doanh nông sản và mảng 3F. Ngoài ra, VNDirect tăng dự phóng chi phí lãi vay lên 84,5%/51% so với báo cáo trước do công ty sẽ tiếp tục duy trì vay nợ ở mức cao để đầu tư cho trang trại mới. Do đó, dự phóng lợi nhuận ròng giảm 34,4%/29,7% so với báo cáo trước đó.
VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 26.700 đồng/cổ phiếu do: giảm EPS 2023/2024 xuống 34,4%/29,7% so với dự báo trước đó nhưng được bù đắp bởi: giả định khả quan hơn về lãi suất phi rủi ro (3% so với 4% trước đó) và phần bù rủi ro (10% so với 11% trước đó) do điều kiện thị trường tốt hơn và chuyển định giá mục tiêu sang năm 2024.
Tiềm năng tăng giá bao gồm: nhu cầu thịt và giá lợn hơi cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm: mức tiêu thụ thịt ở Việt Nam thấp hơn dự kiến; tiến độ xây dựng các trang trại mới chậm hơn dự kiến và giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng nhanh hơn dự kiến.