Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (18/7): PAN, CSV và TVD
Các mảng kinh doanh của PAN như giống cây trồng, xuất khẩu thủy sản có sức chống chịu tốt trong môi trường lạm phát, đồng thời được hưởng lợi từ xu hướng tích trữ mặt hàng nông sản tại nhiều quốc gia nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Đây là điều kiện thuận lợi để PAN tận dụng thế mạnh của một doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu, đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh thị phần trong nước.
AGR: Khuyến nghị mua PAN với giá mục tiêu 26.500 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm thông qua hệ sinh thái các công ty con, công ty liên kết. Năm 2022, PAN kỳ vọng sẽ có tăng trưởng tích cực đến từ các mảng kinh doanh chính như mảng giống cây trồng (NSC); mảng thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng (VFG); mảng thực phẩm bánh kẹo (BBC); mảng xuất khẩu thủy sản (FMC, ABT)...
Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) cho biết, năm 2021, PAN ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, trong đó doanh thu đạt 9.250 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 215 tỷ đồng, tăng 48%. Sang quý I/2022, PAN tiếp tục duy trì tăng trưởng với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 3.280 tỷ đồng (tăng 76% cùng kỳ) và 553 tỷ đồng (tăng 235%).
Tăng trưởng khả quan đến từ việc hợp nhất Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFG) và các mảng kinh doanh như giống cây trồng, xuất khẩu thủy sản diễn biến tích cực. VFG được kỳ vọng tăng trưởng trên 50% trong năm nay, nhờ ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Syngenta - một công ty lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã có mặt lâu năm tại Việt Nam
VFG sẽ phân phối chính thức 2 sản phẩm quan trọng trong quản lý thiệt hại cây trồng là Amistar Top và Virtako. Cần lưu ý rằng, Sengenta đã chấm dứt hợp tác với nhà phân phối trước đây, là Tập đoàn Lộc Trời, trong đó mảng phân phối cho Singenta đóng góp 1.200 tỷ đồng doanh thu cho Tập đoàn Lộc Trời.
Trong khi đó, mảng kinh doanh như giống cây trồng, xuất khẩu thủy sản có sức chống chịu tốt trong môi trường lạm phát. Xu hướng tích trữ các mặt hàng nông sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực cũng đang được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp như PAN có thể đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh thị phần trong nước.
Năm 2022, PAN có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, dự tính thu về gần 1.600 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để đầu tư vào các công ty con trong PAN (880 tỷ đồng); tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A để đa dạng hóa sản phẩm, hoàn thiện chuỗi giá trị (400 tỷ đồng); trả nợ vay (187 tỷ đồng) và đầu tư vào các công cụ tài chính lãi suất cố định (100 tỷ đồng).
Hiện AGR đánh giá khả quan và khuyến nghị mua cổ phiếu PAN với giá mục tiêu là 26.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 20% so với thị giá. Ngược lại, các nhà đầu tư có thể cắt lỗ khi giá đóng cửa dưới vùng 20.000 đồng/cổ phiếu.
KBSV: Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu CSV
Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho biết các hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, phục hồi sau đại dịch giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản miền Nam (HoSE: CSV) dần quay trở lại quỹ đạo.
Trong năm 2021, doanh thu của CSV đạt 1.580 tỷ đồng (tăng 18% so với năm trước), tương đương với thời điểm trước dịch. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng 21% so với 2020, lên mức 218 tỷ đồng.
Đến quý I/2022, hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục có nhiều cải thiện nhờ giá bán các mặt hàng hoá chất vô cơ tăng mạnh giúp lợi nhuận sau thuế của CSV đạt mức 112 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. CSV hiện đã hoàn thành 28% chỉ tiêu doanh thu và 55% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2022.
KBSC ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của CSV đạt 1.815 tỷ đồng (tăng 15% cùng kỳ) và 345 tỷ đồng (tăng 58% cùng kỳ).
Ba tháng đầu năm, giá phốt pho tăng 30% kể từ đầu năm và gấp 2,3 lần so với thời điểm trước dịch giúp cho doanh thu của công ty con trong quý I tăng gấp 3 lần lên 150 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Dự kiến, với giá bán bình quân phốt pho vàng trong năm 2022 tiếp tục duy trì quanh ngưỡng 120-125 triệu đồng/tấn, doanh thu mảng phốt pho vàng của CSV dự kiến đạt 537 tỷ đồng, tăng trưởng 19% cùng kỳ.
Dựa trên triển vọng kinh doanh, kết quả định giá cùng với các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu CSV. Mức giá mục tiêu cho năm 2022 là 48.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn 12% so với giá đóng cửa tại ngày 15/7.
Yuanta: Khuyến nghị mua cho cổ phiếu TVD
Công ty Cổ phần Than Vàng Danh - Vinacomin (HNX: TVD) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý II với ước tính doanh thu 1.836 tỷ đồng (tăng 44% cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận trước thuế đạt 17 tỷ đồng (tăng 44%).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TVD ước đạt doanh thu 3.300 tỷ đồng (tăng 30% cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 32 tỷ đồng (tăng 18%), hoàn thành lần lượt 62% kế hoạch doanh thu và 57% kế hoạch lợi nhuận.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhìn nhận, trong bối cảnh nhu cầu than để sản xuất điện tăng cao và giá than thế giới đang tăng vượt đỉnh, đồng thời Tập đoàn Than – Khoáng sản TKV đang đối mặt với giới hạn khai thác, TVD đã liên tục đầu tư tăng công suất qua các năm và là một trong số ít những công ty con của TKV còn dư địa tăng công suất khai thác than. Hiệu quả sản xuất than sạch/than nguyên khai cũng cải thiện lên mức 100%.
Mặt khác, dự kiến tháng 10 và 11 năm 2022, EVN và TKV sẽ hoàn tất đàm phán lại giá than khi hợp đồng PPA hết thời hạn 2 năm (2020-2022). Giá than thế giới đã tăng 187% cùng kỳ, cho nên Yuanta kỳ vọng nhu cầu than sẽ tiếp tục tăng cao đến cuối năm sẽ giúp giá than thế giới tăng cao và hỗ trợ cho mức giá đàm phán của TKV tốt hơn giá hiện tại.
Bên cạnh đó, TVD sẽ khấu hao gần hết tài sản cố định trong giai đoạn 2022-2023 (khấu hao hàng năm khoảng 500 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế 100 tỷ). Yuanta nhận thấy TVD sẽ bắt đầu tăng trưởng mạnh về lợi nhuận từ năm 2023, vì vậy hy vọng mức chia cổ tức tiền mặt sẽ cao hơn.
Một yếu tố tiềm năng khác là TVD đã liên tục giảm nợ vay các năm qua nợ vay giảm mạnh liên tục. Yuanta kỳ vọng phần lớn vay nợ sẽ được trả trong các năm 2022-2023, nợ dài hạn sẽ được trả hết trong năm 2024. Cổ tức kỳ vọng khoảng 29% cho 2022 và từ 32% cho 2023.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, TVD đang được giao dịch tại mức P/E 12 tháng là 7,1 lần (tương ứng EPS là 2.295 đồng). Mức Stock Rating của TVD ở mức 90 điểm cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của TVD đóng cửa tăng 8% với khối lượng giao dịch tăng mạnh trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy xu hướng ngắn hạn sẽ rõ ràng hơn.
Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của TVD cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường xác nhận xu hướng tăng.