Lợi nhuận tăng khủng, cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau vẫn cắm đầu lao dốc
Cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) tiếp tục lao dốc bất chấp công ty liên tục báo lãi lớn.
Lợi nhuận cao kỷ lục
Tại Hội nghị Sơ kết công tác Đảng, công tác sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 tại Đảng bộ CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau), đơn vị này cho biết tổng doanh thu 6 tháng đầu năm nay ước đạt 8.247 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.451 tỷ đồng, vượt hơn nhiều so với kế hoạch năm và cùng kỳ năm 2021.
Đạm Cà Mau cho biết, sản lượng sản xuất urê quy đổi đạt 474 ngàn tấn, bằng 55% kế hoạch năm và tăng 4% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 432 ngàn tấn, bằng 56% kế hoạch năm và tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng urê xuất khẩu 6 tháng đạt hơn 200 ngàn tấn đi Campuchia, Ấn Độ và Bangladesh - là một số thị trường truyền thống mà Đạm Cà Mau có thế mạnh.
Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, các nguyên nhân chính đến từ chủ trương “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục, thông suốt. Đồng thời giá phân bón liên tục duy trì ở mức cao do bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga - Ukraina.
“Mặc dù theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, Đạm Cà Mau phải xây dựng giá bán theo giá bình quân của 4 thị trường thế giới. Tuy nhiên, ban lãnh đạo luôn tìm kiếm những giải pháp để hỗ trợ bà con nông dân thông qua các chương trình phiếu tặng quà, quay số trúng thưởng, hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý… để giảm gánh nặng về vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Với việc thực thi nhiều giải pháp thì dù giá khí tăng theo giá dầu nhưng mức tăng giá phân bón cao hơn nên đã tác động tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận. Ngoài ra, Đạm Cà Mau cũng tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ hàng tự doanh và các sản phẩm khác”, Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết thêm.
Cổ phiếu lao dốc
Cổ phiếu DCM từng giảm 58,9% trong chu kỳ 2017 - 2020. Sau đó, DCM lại có sự tăng 965,8% trong chu kỳ tăng giá 2020 - 2022, trở thành một trong những cổ phiếu "leo dốc" mạnh nhất trong chu kỳ này. Nếu so sánh với cổ phiếu DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ) thì DCM có sự vượt trội hơn. Cụ thể, cổ phiếu DPM giảm 56,4% trong chu kỳ giảm giá 2017 - 2020 và chỉ tăng giá 748% trong chu kỳ tăng giá 2020 - 2022.
Nhưng sự tăng giá của DCM trong giai đoạn 2020 - 2022 chỉ khiến cổ phiếu này lao dốc mạnh mẽ trong chu kỳ giảm giá hiện tại, bất chấp doanh nghiệp công bố doanh thu và lợi nhuận liên tục lập đỉnh kỷ lục của lịch sử.
Theo biểu đồ kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu đã vượt qua doanh thu năm của giai đoạn 2020 trở về trước và bằng 83,6% năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận đã vượt xa lợi nhuận cả năm của những năm trước đó.
Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của Đạm Cà Mau đến từ nguyên nhân giá bán tăng phân bón của thị trường thế giới lẫn trong nước chứ không đến từ sản lượng. Giá phân bón tăng cao khiến người nông dân dần bỏ ruộng vườn vì không chịu nổi chi phí vật tư đầu vào.
Trong thời tới, giá phân bón được dự báo giảm về mức của những năm trước đó sẽ làm lợi nhuận lao dốc, chỉ còn vài trăm tỷ đồng/năm. Điều này khiến cổ phiếu DCM đã giảm 36,2% kể từ khi lập đỉnh 46.680 đồng/cổ phiếu vào 29/3/2022.
Dấu hiệu giảm giá của DCM chưa dừng lại và có thể rơi về mệnh giá trong thời gian tới khiến nhiều nhà đầu tư “đu đỉnh” chịu cảnh tan nhà nát cửa vì những con số doanh thu, lợi nhuận liên tục lập đỉnh trong thời gian vừa qua.