Cổ phiếu ngân hàng giảm sâu, nhiều mã giảm hơn 50%
Hơn một tháng qua, cổ phiếu ngân hàng khởi sắc. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ vì hàng loạt mã vẫn giảm sâu 40-60% kể từ khi lập đỉnh vào cuối tháng 5/2021.
HOSE: Cổ phiếu ngân hàng chiếm 31,6% vốn hóa
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu ngân hàng luôn là một thế lực quyết định đến chỉ số VN30 lẫn VN-Index và tâm lý thị trường.
Hiện nay, có 27 ngân hàng TMCP niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Gồm 17 cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), 2 cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và 8 cổ phiếu đăng ký giao dịch (UPCoM).
Vốn hóa thị trường của 27 ngân hàng vào cuối ngày 15/7 đạt 1.560.869 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng niêm yết tại HOSE đạt 1.478.487 tỷ đồng, tại HNX đạt 29.429 tỷ đồng và UPCoM đạt 52.953 tỷ đồng.
Hiện nay, vốn hóa thị trường của HOSE đạt 4.684.628 tỷ đồng, vốn hóa các cổ phiếu ngân hàng niêm yết tại sàn HOSE chiếm đến 31,6%. Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 6.221.729 tỷ đồng, vốn hóa của 27 cổ phiếu ngân hàng chiếm 25,1% toàn thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam là Vietcombank với giá trị 342.161 tỷ đồng, chiếm 7,36% vốn hóa của HOSE.
Trong rổ VN30 có sự góp mặt của 10 cổ phiếu ngân hàng (ACB, BID, CTG, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB) chiếm đến 33,33% số lượng cổ phiếu của chỉ số này. Trung tâm Phân tích Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI dự báo trong kỳ tái cơ cấu 7/2022, VIB sẽ được đưa vào chỉ số VN30 thay thế PNJ sẽ nâng tỷ lệ cổ phiếu ngân hàng trong chỉ số VN30 lên con số 36,7% - một mức cao kỷ lục.
Cổ phiếu ngân hàng giảm sâu
Sau khi lập đỉnh vào cuối tháng 5/2021, cổ phiếu ngân hàng rơi vào kênh giảm giá với nhiều mã giảm rất sâu, từ 27 - 66,5% từ đỉnh tới đáy. Trong đó, VBB và PGB giảm mạnh nhất, lần lượt 66,5% và 60,9%.
Kế đến là những mã đình đám như LPB của LienVietPostBank có giai đoạn gắn liền với sự mua - bán của nhóm cổ đông liên quan đến “bầu Thụy” (ông Nguyễn Đức Thụy), Phó Chủ tịch HĐQT. Cổ phiếu LPB đã giảm 57,9%.
Cổ phiếu SHB gắn liền với gia đình “bầu Hiển” (ông Đỗ Quang Hiển), Chủ tịch HĐQT SHB. Ngoài “bầu Hiển”, HĐQT của SHB còn có sự tham gia của con trai ông là Đỗ Quang Vinh. Hiện nay, CTCP Tập đoàn T&T của gia đình “bầu Hiển” đang là cổ đông lớn nhất tại SHB với tỷ lệ nắm giữ 10%. Cổ phiếu SHB đã giảm 56,3%.
Cổ phiếu VIB có nhà đầu tư chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) với tỷ lệ sở hữu 20%. Gia đình của ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB sở hữu khoảng 15%. Cổ phiếu VIB đã giảm 55,2%.
Các cổ phiếu EIB, ACB, VCB, SSB nằm trong nhóm giảm ít nhất, dưới 30%. Tuy nhiên, các cổ phiếu này vẫn giảm mạnh hơn VN-Index khi chỉ số này giảm 25,6%.
Trong khoảng một tháng qua, cổ phiếu ngân hàng khởi sắc, nhóm này đã tăng từ 4,9 - 34,7% sau khi tạo đáy ngắn hạn. Tuy nhiên, điều này chỉ ngắn hạn do trung và dài hạn, thị trường tài chính trong nước vẫn chứa đựng nhiều biến cố bất lợi đang đợi chờ phía trước. Đó là lãi suất huy động và nợ xấu được dự báo tăng cao trong thời gian sắp tới.