Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (2/11): VSH, TCB và VCI

KBSV dự phóng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2022 và 2023 của TCB lần lượt đạt 22.468 tỷ đồng (tăng 24,5% so với cùng kỳ) và 26.314 tỷ đồng (tăng 17,1% so với cùng kỳ). Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV xác định giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu TCB là 34.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 39% so với giá tại ngày 31/10/2022.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (2/11): VSH, TCB và VCI
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (2/11): VSH, TCB và VCI

VSH: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 41.800 đồng/cổ phiếu

Trong 9 tháng năm 2022, sản lượng điện của Công ty Cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (HoSE: VSH) đạt 1.804 trkwh, tăng mạnh 56% so với cùng kỳ 2021 và hoàn thành 99% kế hoạch cả năm.

Riêng nhà máy Thượng Kon Tum (TKT) đạt 1.086 trkwh, chiếm 60% tổng sản lượng. Sản lượng điện tăng mạnh nhờ nguồn nước về các hồ khu vực miền Trung và Tây nguyên tốt, bên cạnh đó giá thủy điện cạnh tranh tốt với các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo nên được ưu tiên huy động.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý III lần lượt tăng 126% và 578%. Doanh thu quý III đạt 652 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 2.122 tỷ đồng, lần lượt tăng 126% và 131%.

Lợi nhuận trước thuế quý III đạt 243 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 970 tỷ đồng, lần lượt tăng 578% và 459% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng mạnh do sản lượng điện và giá bán điện cùng tăng mạnh, giá bán điện trung bình của VSH trong 9 tháng đạt 1.182 đồng/kwh, tăng 29% so với cùng kỳ.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS) cơ cấu tài sản của VSH cơ bản ổn định, quy mô tiếp tục giảm xuống khi tài sản cố định được khấu hao. Đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản đạt 9.677 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,4% so với đầu năm và chủ yếu tập trung ở tài sản dài hạn với giá trị 8.877 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản.

Bên nguồn vốn, nợ phải trả đến cuối tháng 9/2022 đạt 5.034 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn gồm cả trái phiếu là 4.355 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm, trong kỳ công ty tiếp tục trả được 714 tỷ đồng nợ vay.

Trong đầu tháng 10/2022 với nguồn tài chính tốt, công ty tiếp tục thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị đạt 33 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 9/2022, công ty có hai khoản nợ vay nước ngoài bằng đồng USD với giá trị là 26,25 triệu USD. MBS đánh giá với khoản vay ngoại tệ quy mô nhỏ như vậy, rủi ro biến động tỷ giá là không quá lớn.

Dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh 9 tháng năm 2022 đạt 1.026 tỷ đồng, bao gồm giá trị khấu hao 445 tỷ đồng, giúp công ty thực hiện trả nợ vay và chía cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10% trong kỳ.

MBS đánh giá với việc quản trị dòng tiền tốt trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh tăng lên, sẽ giúp công ty có thể trả nợ, mua lại trái phiếu trước hạn và thực hiện chính sách cổ tức bằng tiền hấp dẫn trong những năm tới.

MBS dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2022 tăng mạnh 69% và 74%. Trong năm 2022, nhờ nguồn nước về hồ tốt, bên cạnh đó giá bán điện thị trường cạnh tranh đạt mức cao, MBS dự báo sản lượng điện của công ty có thể đạt 2.525 trkwh, tăng 36%, Doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.952 tỷ và 1.375 tỷ đồng, tăng mạnh 83% và 205% so với năm 2021.

Triển vọng hoạt động năm 2023 của VSH, MBS dự báo cơ bản ổn định sau một năm tăng trưởng đột biến dựa trên 4 yếu tố.

Một là các nhà máy hoạt động ổn định trong điều kiện nhu cầu điện tiếp tục tăng lên.

Hai là VSH kiểm soát tốt dòng tiền và giảm nợ vay khi mua lại các khoản trái phiếu, nợ vay trước hạn làm giảm chi phí tài chính, gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Ba là giá điện tiếp tục ở mức cao khi các chi phí đầu vào sản xuất điện vẫn ở mức cao như than đá, khí đốt…

Bốn là điều kiện thời tiết có thể không còn thuận lợi như năm 2022 khi dự báo thời tiết mùa với trạng thái La Nina gây mưa lớn sẽ cơ bản kết thúc vào cuối quý I/2023. Dự báo sản lượng điện năm 2023 của công ty có thể đạt mức 1,900 trkwh, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 2.224 tỷ đồng và 828 tỷ đồng, lần lượt bằng 75% và 60% của năm 2022.

Kết hợp các phương pháp định giá DCF_FCFF và so sánh PE, PB, giá trị cổ phiếu VSH được xác định ở mức 41.800 đồng, tương ứng với PE 2022 ở mức 7,8 lần.

TCB: KBSV khuyến nghị mua với giá mục tiêu 34.200 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HoSE: TCB) ghi nhận thu nhập lãi thuần quý III đạt 7,565 tỷ đồng (giảm 2.9%so với quý trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ), thu nhập ngoài lãi đạt 2.773 tỷ đồng (giảm 14,1% so với quý trước và tăng 36,2% so với cùng kỳ).

TCB trích 609 tỷ chi phí dự phòng cho quý III (tăng 46% so với quý trước và tăng 3.4%so với cùng kỳ). Chi phí hoạt động được tiết giảm bù đắp cho mức tăng trong chi phí dự phòng, nhờ đó ngân hàng chỉ ghi nhận giảm lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ 8,3% so với quý trước và vẫn tăng 20,7% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 20.821 tỷ đồng (tăng 21,7% so với cùng kỳ), hoàn thành 77% kế hoạch năm. Lợi suất bình quân từ hoạt động cho vay cải thiện khoảng 0,3 điểm % so với quý trước nhờ đẩy mạnh cho vay bán lẻ cùng khả năng trả nợ của các khách hàng được tái cơ cấu quay trở lại.

Tuy nhiên, lãi suất bình quân đầu vào tăng tới 0,61 điểm % so với quý trước do lãi suất huy động từ thị trường 1 và 2 tăng cao. NIM quý III giảm 0,26 điểm % còn 5,22%

Trong bối cảnh room tín dụng eo hẹp ngân hàng đã phải bán bớt danh mục trái phiếu doanh nghiệp để có room đẩy mạnh core cho vay.

Trái phiếu doanh nghiệp giảm tới 30,5% so với thời điểm đầu năm trong khi cho vay tăng tốt ở mức 18,2%. Ngân hàng chủ yếu huy động vốn từ thị trường 2 sau 9 tháng (59,3% so với thời điểm đầu năm) trong khi tiền gửi tăng khiêm tốn 1.3% so với đầu năm.

Việc đẩy mạnh khai thác mảng thẻ tín dụng tiếp tục đem lại hiệu quả cao khi đóng góp khoảng 554 tỷ đồng trong quý III, giảm 12%s o với quý trước và tăng mạnh 127%so với cùng kỳ. Thu từ bancassurance duy trì đà tăng trưởng cao như trong quý II, tăng 86% so với cùng kỳ và đạt 449 tỷ đồng.

Đáng chú ý thu từ hoạt động thanh toán đóng góp tới 698 tỷ đồng cho thu dịch vụ, tăng 45% so với quý trước và gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Thu từ phí giao dịch ngoại tệ đạt 231 tỷ đồng (tăng 7% so với quý trước và tăng 82% so với cùng kỳ). Các nguồn thu dịch vụ khác ghi nhận tăng trưởng cao bù đắp cho sự sụt giảm trong thu dịch vụ ngân hàng đầu tư, nhờ đó thu nhập từ hoạt động dịch vụ vẫn tăng 41,8% so với cùng kỳ, đạt 2.709 tỷ đồng.

Thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng ghi nhận kết quả khả quan hơn trong quý III khi lãi 28 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lần đầu có lãi trở lại sau 4 quý liên tiếp ghi nhận lỗ, đạt 18 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng việc tất toán sớm danh mục trái phiếu chính phủ và trái phiếu từ các tổ chức tín dụng đến một phần đến từ nhu cầu về vốn để cho vay của TCB, ngoài ra sau khi tất toán thì ngân hàng có thể mở rộng danh mục trở lại để nắm bắt được xu hướng lãi suất tăng.

Hoạt động kinh doanh chứng khoán đầu tư chậm lại và chỉ ghi nhận khoảng 157 tỷ đồng trong quý III, giảm 73,5% so với quý trước và 48,7% so với cùng kỳ.

Lãi thuần từ hoạt động khác gấp 2,8 lần so với cùng kỳ, đạt 441 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi khác tăng chậm lại làm tỷ lệ Non-NII/TOI chỉ đạt 26,8% trong quý III, giảm 2,5 điểm % so với quý trước đó.

Tỷ lệ nợ xấu tính tới cuối quý III/2022 tăng 5 điểm cơ bản so với quý trước lên mức 0,65%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 6,6 điểm % so với quý trước xuống còn 165%. Ngân hàng còn khoảng 400 tỷ nợ tái cơ cấu đã được đưa về đúng nhóm nợ và không có quá nhiều ảnh hưởng tới NPL.

Do room tín dụng được giao cả năm tương đối thấp nên KBSV tiếp tục giảm giả định tăng trưởng tín dụng cả năm thêm 5 điểm % so với giả định cũ xuống còn 12,1%.

Trong đó cho vay khách hàng tăng 22,1% so với cùng kỳ và trái phiếu doanh nghiệp giảm 43% so với cùng kỳ. Câu chuyện tín dụng được kỳ vọng sẽ khả quan hơn trong năm 2023, giả định tăng 18,4%so với cùng kỳ.

Tăng trưởng nguồn vốn huy động cả năm dự phóng đạt 19,5%, động lực chính vẫn tới từ thị trường 2 và giấy tờ có giá, giả định tăng trưởng tiền gửi cả năm đạt 2.7%.

Theo KBSV, áp lực từ chi phí vốn sẽ tiếp tục tăng trong quý IV sau động thái nâng lãi suất điều hành lần thứ 2 của ngân hàng nhà nước, đồng thời tỷ lệ CASA cũng khó tăng trở lại khi người dân chọn gửi tiết kiệm.

Từ đó, công ty chứng khoán này dự phóng NIM cả năm 2022 của TCB giảm 0,24 điểm % so với cùng kỳ xuống còn 5,47%. NIM 2023 dự báo tiếp tục giảm khoảng 0,13 điểm % xuống 5,34%. KBSV dự phóng NPL cả năm tăng nhẹ lên khoảng 0,68%, ban lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết nợ xấu của ngân hàng sẽ có xu hướng tăng nhẹ do chuyển dịch cơ cấu cho vay.

Chi phí trích lập dự phóng đạt 1.693 tỷ đồng, giảm 36,7% so với cùng kỳ do đã đẩy mạnh trích lập dự phòng cho phần nợ tái cơ cấu trong năm 2021.

Dự phóng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2022 và 2023 lần lượt đạt 22.468 tỷ đồng (tăng 24,5% so với cùng kỳ) và 26.314 tỷ đồng (tăng 17,1% so với cùng kỳ).

Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV điều chỉnh mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu TCB xuống 34.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 39% so với giá tại ngày 31/10/2022.

VCI: Yuanta khuyến nghị với giá mục tiêu 44.279 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (HoSE: VCI) công bố LNST của cổ đông công ty mẹ (PATMI) quý III/2022 đạt 123 tỷ đồng (giảm 59% so với quý trước /giảm 63% so với cùng kỳ) do hầu hết các mảng kinh doanh đều có lợi nhuận giảm so với quý trước, ngoại trừ mảng tự doanh, lợi nhuận từ hoạt động tự doanh vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng nhẹ so với quý trước.

Trong 9 tháng năm 2022, VCI đã hoàn thành 54% kế hoạch PATMI của công ty và 53% dự báo năm 2022 của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng VCI khó có để đạt được hai mục tiêu này.

Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới của VCI là 140 tỷ đồng (giảm 55% so với quý trước /giảm 48% so với cùng kỳ) và thu nhập ròng từ nghiệp vụ môi giới là 28 tỷ đồng (giảm 78% so với quý trước /tăng 6% so với cùng kỳ) trong quý III/2022.

Do thu nhập từ nghiệp vụ môi giới của VCI khá biến động và khó có thể phân tích nên Yuanta ước tính phí môi giới gộp quý III/2022 là 18 điểm cơ bản và phí môi giới ròng là 4 điểm cơ bản dựa trên số liệu thị phần của VCI trên HSX là 4,5% (VCI không nằm trong top 10 thị phần giao dịch trên sàn HNX và UPCom trong quý III/2022).

Lãi ròng 88 tỷ đồng từ giao dịch tự doanh (tăng 13% so với quý trước/giảm 62% so với cùng kỳ) trong quý III/2022. Lãi đã ghi nhận là 159 tỷ đồng (giảm 19% so với quý trước /giảm 17% so với cùng kỳ), đủ để bù đắp cho khoản lỗ chưa ghi nhận giảm 72 tỷ đồng trong quý III/2022.

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu là 169 tỷ đồng (giảm 7% so với quý trước /tăng 8% so với cùng kỳ). Dư nợ ký quỹ tăng 3% so với quý trước /tăng 3% so với cùng kỳ và đạt 6,6 nghìn tỷ đồng (tương ứng 42% trong tổng tài sản và chiếm khoảng 4% thị phần) vào cuối quý III/2022.

Dựa trên con số bình quân dư nợ ký quỹ cuối kỳ, lãi suất cho vay là 10,4% trong quý III/2022 (tăng 44 điểm cơ bản so với quý trước /giảm 6 điểm cơ bản so với cùng kỳ), cho thấy vẫn còn tiềm năng mở rộng trong quý IV/2022. Mảng ngân hàng đầu tư vẫn ảm đạm.

Trong quý III/2021, chi phí cho hoạt động tư vấn tài chính là 6 tỷ đồng (trong khi quý II/2022 thu về 20 tỷ và quý III/2021 thu 35 tỷ đồng).

Yuanta nâng quan điểm lên tích cực đối với ngành chứng khoán hồi tháng 6 với khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VCI. Với tình hình hiện tại trên thị trường chứng khoán, Yuanta cho rằng khó để có thể tranh luận thêm về lợi ích của việc sở hữu các mã cổ phiếu của các công ty chứng khoán, vì giá cổ phiếu với chỉ số và giá trị giao dịch có mối tương quan khá cao.

Theo Yuanta, có thể xem VCI như là một cổ phiếu phòng vệ. Yuanta cho rằng VCI có thể hoạt động như một công cụ phòng ngừa rủi ro đối với các danh mục đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, vì cổ phiếu này rất có tiềm năng tăng giá nếu thị trường (bất ngờ) phục hồi vào cuối năm. Với P/B đang ở mức 1,5 lần và ROE là 20%, khả năng giá cổ phiếu giảm thêm là khá hạn chế.

Yuanta khuyến nghị mua cổ phiếu VCI của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt với giá mục tiêu 44.279 đồng/cổ phiếu.

Hải Đường

Theo VietnamFinance