Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/11): PVT, HT1 và NT2

SSI duy trì đánh giá khả quan đối với cổ phiếu PVT dựa trên tiềm năng tăng giá và triển vọng tích cực năm 2023. Trong 3-6 tháng tới, SSI nhận thấy lợi nhuận cốt lõi của quý IV/2022 sẽ cải thiện hơn nữa khi nhiều hợp đồng thuê tàu được gia hạn với mức giá cao hơn, đây sẽ là động lực chính cho giá cổ phiếu trong thời gian tới.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/11): PVT, HT1 và NT2
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/11): PVT, HT1 và NT2

PVT: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 24.000 đồng/cổ phiếu

Trong quý III/2022, doanh thu của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) tăng trưởng ấn tượng 38,7% so với cùng kỳ lên 2,33 nghìn tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế tăng trưởng ấn tượng hơn với mức 143% so với cùng kỳ, đạt 481 tỷ đồng, bao gồm khoản lãi một lần từ thanh lý tàu PVT Athena là 211 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được, PVT đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 chỉ trong 3 quý đầu năm 2022. Nhìn theo từng mảng hoạt động, vận tải biển vẫn là động lực tăng trưởng chính, với lợi nhuận gộp tăng gần gấp đôi, trong khi lợi nhuận gộp mảng FSO/FPSO giảm 15% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng mảng vận tải được kỳ vọng tích cực, do xu hướng tăng gần đây của thị trường tàu chở dầu toàn cầu, dẫn đến giá thuê tàu cao hơn trên tất cả các loại tàu vận chuyển (dầu thô, dầu/hóa chất, LPG và các loại khác). Lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể, tăng 47% so với cùng kỳ, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận gộp là 17,8% trong quý III (cải thiện 1 điểm phần trăm so với năm ngoái, nhưng giảm hơn 1 điểm phần trăm so với quý II/2022).

Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc tỷ suất lợi nhuận gộp giảm là do tỷ suất lợi nhuận mảng vận tải giảm trong quý này, điều này có thể do chi phí nhiên liệu cao hơn và khấu hao từ các tàu mới đầu tư. Dư nợ bằng USD của PVT ở mức gần 90 triệu USD, chủ yếu là các khoản vay dài hạn để đầu tư tàu, với lãi suất một năm dựa trên LIBOR kì hạn 3 - 6 tháng cộng biên độ 2,5 - 5%.

SSI cho rằng, điều này có nghĩa là trong bối cảnh hiện tại, PVT dễ chịu rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Cụ thể, trong quý III/2022, công ty lỗ tỷ giá 23 tỷ đồng, và chi phí lãi vay cũng tăng 40% theo quý. Trong quý, PVT đã bán thành công tàu chở dầu thô PVT Athena theo như kế hoạch, khi con tàu này đã hết khấu hao. Lợi nhuận từ thanh lý tài sản đạt 211 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản lợi nhuận ghi nhận một lần này và khoản lỗ tỷ giá, PVT đạt lợi nhuận trước thuế quý III là 293 tỷ đồng, thấp hơn một chút so với lợi nhuận trước thuế quý II/2022 là 314 tỷ đồng.

PVT được hưởng lợi từ giá cước thuê tàu cao hơn trên thị trường quốc tế, trong khi thị trường nội địa ổn định. Sau buổi trao đổi với công ty, SSI kỳ vọng điều kiện thuận lợi này cho các chủ sở hữu tàu chở dầu sẽ tiếp tục được duy trì trong các quý tới, vì chúng tôi không thấy bất kỳ sự cải thiện nào từ xung đột Nga-Ukraine trong ngắn hạn và thị trường tàu chở dầu vẫn đang trong xu hướng tăng.

Theo SSI, có thể kết quả kinh doanh của PVT sẽ chịu một số tác động từ lỗ tỷ giá trong quý IV/2022, nhưng sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận cao hơn từ điều kiện tốt hơn trong thị trường thuê tàu. Do đó, SSI giữ nguyên dự báo cho PVT như trong báo cáo trước (tại đây), đồng thời điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 24.000 đồng/cổ phiếu (từ 26.200 đồng/cổ phiếu) dựa trên P/E mục tiêu thấp hơn là 10 lần (từ 11 lần) để phản ánh việc hạ xếp hạng thị trường chung.

SSI duy trì đánh giá khả quan đối với cổ phiếu dựa trên tiềm năng tăng giá và triển vọng tích cực năm 2023. Trong 3-6 tháng tới, SSI nhận thấy lợi nhuận cốt lõi của quý IV/2022 sẽ cải thiện hơn nữa khi nhiều hợp đồng thuê tàu được gia hạn với mức giá cao hơn, đây sẽ là động lực chính cho giá cổ phiếu trong thời gian tới. Ngoài ra, việc thanh lý 2 tàu (PVT Eagle, PVT Dragon) sẽ mang lại một khoản lợi nhuận cho PVT trong các quý sắp tới, và đây cũng sẽ là một chất xúc tác khác cần theo dõi.

HT1: VCBS khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 10.200 đồng/cổ phiếu

Kết thúc 9 tháng năm 2022, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên (HoSE: HT1) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 6.603 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ) và gần 204 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 35,6% so với cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 84% và 51% kế hoạch năm 2022.

Kết quả doanh thu tăng trưởng tích cực đến từ sản lượng hồi phục và giá bán tăng từ mức nền thấp của năm 2021 khi ngành xi măng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại cho thấy con số kém khả quan khi giá than sản xuất đầu vào tăng mạnh.

Cụ thể, sản lượng tiêu thụ 9 tháng năm 2022 tăng trưởng tốt từ mức nền thấp của năm 2021. Sản lượng tiêu thụ xi măng của HT1 trong quý III/2022 đạt 1,7 triệu tấn (tăng 56% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng năm 2022, sản lượng tiêu thụ đạt 5 triệu tấn (tăng 14% so với cùng kỳ). Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh tình hình tiêu thụ xi măng trong nước hồi phục từ mức nền thấp của 2021.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng cả nước trong 9 tháng năm 2022 đạt 72,93 triệu tấn (giảm 10% so với cùng kỳ), trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa tăng trưởng tốt đạt 47,31 triệu tấn (tăng 5% so với cùng kỳ). Ở chiều ngược lại, sản lượng xuất khẩu xi măng chỉ đạt 24,71 triệu tấn (giảm 28% so với cùng kỳ) khi nhu cầu tại Trung Quốc giảm mạnh.

Lợi nhuận gộp trong 9 tháng năm 2022 của HT1 đạt 10.3%, con số này giảm 4% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2021. Mặc dù đã điều chỉnh giá bán tăng 10% so với đầu năm 2022 tuy nhiên việc giá than tăng 80-100% (than chiếm tỷ trọng khoảng 50% giá thành) đã làm ảnh hưởng nặng nề tới biên lợi nhuận của HT1.

Qua trao đổi với doanh nghiệp, VCBS cho rằng HT1 đang trong giai đoạn khá khó khăn trong ngắn hạn và chưa có ý định đẩy mạnh tăng trưởng trong thời gian tới. Giá than neo cao trong bối cảnh nhu cầu tăng cao và nguồn cung thiếu hụt gây ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của công ty.

Hiện nay công ty đang nhập than bởi các doanh nghiệp phân phối trong nước, tuy nhiên tại nhiều thời điểm xảy ra tình trạng thiếu hàng để sản xuất. Do nhu cầu tiêu thụ xi măng trong tương lai được dự báo không tích cực và tình hình cạnh tranh trong nước gia tăng mạnh do tình hình xuất khẩu kém thuận lợi, HT1 không có ý định tăng giá bán vì sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh.

Trong 9 tháng năm 2022, sản lượng tiêu thụ của công ty vẫn tăng trưởng tốt và duy trì thị phần ở mức 32-33% trong bối cảnh ngành cạnh tranh cao và đầu ra sụt giảm. Nguyên nhân do công ty có vị thế lớn nhất tại khu vực miền Nam với thị trường tiêu thụ trải dài từ miền Trung tới miền Nam, ngoài ra các nhà máy nung được đặt ngay cạnh các mỏ đá vôi lớn giúp tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, công ty cũng chia sẻ sản lượng tiêu thụ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nguồn cung của thị trường bất động sản do chỉ chiếm 30% cơ cấu tiêu thụ, còn lại là 70% tới từ khu vực dân sinh với nhu cầu tăng trưởng bền vững. Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng sản lượng tiếp tục tăng trưởng 2 con số trong quý IV/2022 và tăng trưởng 1 con số trong năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu, công ty tập trung chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia với mức sản lượng khiêm tốn (2% tổng tiêu thụ) và chưa có kế hoạch đẩy mạnh. Ngoài ra, công ty không có kế hoạch xuất khẩu sang Trung Quốc hay đẩy mạnh thị trường miền Bắc vì thiếu lợi thế về địa lý so với các doanh nghiệp tại miền Bắc.

Hiện nay công suất thiết kế của HT1 vào khoảng 7,5 – 8 triệu tấn, do đánh giá tình hình tiêu thụ trong năm tới bất định nên HT1 đã hoãn kế hoạch mở rộng công suất trong năm nay. Bên cạnh đó, theo tính toán thì công suất đầu tư trong thời điểm hiện tại sẽ bị cao hơn rất nhiều do chi phí giá cả neo cao nên sẽ kém hiệu quả.

Năm 2022 là năm khó khăn cho ngành xi măng nói chung và HT1 nói riêng khi sản lượng tiêu thụ chịu áp lực giảm do thị trường xuất khẩu yếu và chi phí đầu vào tăng cao. Nhìn chung, VCBS cho rằng kết quả kinh doanh trong các quý tới sẽ tiếp tục kém khả quan khi giá đầu vào vẫn neo cao. Do đó, VCBS dự báo doanh thu thuần trong năm 2022 đạt 8.775 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ) và 259 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 30% so với cùng kỳ).

Kết quả kinh doanh kỳ vọng sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm 2023 khi tình hình tiêu thụ có thể có biến chuyển tốt hơn khi nhu cầu từ Trung Quốc và giá than điều chỉnh. VCBS dự báo doanh thu thuần năm 2023 đạt 8.720 tỷ đồng (giảm 1% so với cùng kỳ) khi sản lượng tiêu thụ tăng trưởng nhẹ và giá bán chịu áp lực giảm giá do nhu cầu tiêu thụ kém, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 433 tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ) khi giá than điều chỉnh giảm.

Sử dụng phương pháp định giá P/E với mức trung bình lịch sử 9 lần, VCBS ước tính giá trị hợp lý của HT1 là 10.200 đồng/cổ phiếu tương ứng với EPS 2023F là 1.134 đồng/cổ phiếu. VCBS khuyến nghị trung lập với cổ phiếu HT1.

NT2: KBSV khuyến nghị mua với giá 33.900 đồng/cổ phiếu

Trong quý III/2022, doanh thu của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) ghi nhận mức tăng trưởng cao, đạt 2.168 tỷ đồng (tăng 74% so với cùng kỳ), tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của NT2 có diễn biến trái ngược với doanh thu khi đạt 199 tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ). Sản lượng điện thương phẩm tăng gần gấp đôi trong quý III/2022, đạt 897,3 triệu kWh (tăng 95% so với cùng kỳ) nhờ vào nhu cầu tiêu thụ điện hồi phục và quý III/2021 là quý thấp điểm khi tiêu thụ điện tại khu vực miền Nam sụt giảm do thực hiện giãn cách xã hội.

Sự sụt giảm của lợi nhuận sau thuế quý III/2022 đến từ khoản đền bù lớn cho NT2 trong quý III/2021 khi A0 không huy động đủ sản lượng cam kết do nhu cầu sụt giảm do giãn cách xã hội; NT2 thực hiện trích lập 187 tỷ cho khoản nợ xấu của EVN trong khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp.

Theo NT2, công ty đã hạch toán khoản đền bù chênh lệch tỷ giá từ Công ty Mua bán điện (EPTC) khoảng 340 tỷ trên tổng số khoảng 420 tỷ chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn 2016-2021.

Ngoài ra, sản lượng Qc của quý III/2022 ước tính đạt 761,8 triệu kWh, chiếm 85% tổng sản lượng điện thương phẩm của NT2 trong quý.

Theo Công Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), 2 lý do trên là các yếu tố đóng góp chính vào mức biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao trong quý III/2022, đạt 19,5% và chỉ thấp hơn quý III/2021 do quý III/2021 NT2 cũng nhận được khoản đền bù cho sản lượng chưa huy động, giúp kéo biên lợi nhuận gộp lên mức 24,4%.

Trong quý III/2022, NT2 đã ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 209 tỷ đồng (tăng 10x so với cùng kỳ) do khoản trích lập dự phòng nợ xấu khó đòi từ EVN. Theo tìm hiểu của KBSV, khoản trích lập này bắt nguồn từ nợ xấu phát sinh từ thoả thuận mua bán khí ba bên giữa PV GAS, NT2 và EVN khi khoản chi phí vận chuyển phát sinh thêm từ đường ống vận chuyển khí mới Phú Mỹ - TP. HCM đã được NT2 và PV GAS thoả thuận chi trả và chuyển ngang vào giá điện thông qua hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN.

Tuy nhiên EVN không chấp nhận khoản chi phí phát sinh này dẫn tới việc chậm thanh toán và nợ xấu cho NT2. Do đó, NT2 phải trích lập dự phòng khoản nợ xấu này cho tới khi có những quyết định tiếp theo từ Chính phủ để được hoàn nhập khoản dự phòng này trong tương lai.

KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của NT2 sẽ lần lượt đạt 9.439 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ) và 1.034 tỷ đồng (tăng 94% so với cùng kỳ) dựa trên 5 giả định. Thứ nhất là sản lượng điện thương phẩm đạt 4.217 triệu kWh (tăng 32% so với cùng kỳ) nhờ vào nhu cầu điện phát triển kinh tế và mức nền thấp của năm 2021.

Thứ hai là giá khí đầu vào trung bình đạt 9,92 USD/MMBTU (tăng 24,5% so với cùng kỳ) do giá dầu thế giới tăng mạnh và thiết lập mặt bằng giá mới. Thứ ba là giá bán điện trên thị trường điện cạnh tranh (CGM) đạt trung bình 1.500 đồng/kWh nhờ vào nhu cầu huy động cao hơn từ các nguồn điện có chi phí đầu vào cao như điện khí và điện than.

Thứ tư là NT2 ghi nhận 340 tỷ đền bù tỷ giá trong quý III/2022. Thứ năm là NT2 trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu 187 tỷ đồng với EVN.

KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của NT2 sẽ lần lượt đạt 9.045 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ) và 889 tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ). Sản lượng điện thương phẩm đạt 4.309 triệu kWh (tăng 2% so với cùng kỳ) nhờ vào nhu cầu điện tăng trưởng tốt và điện khí được tăng cường huy động. Giá khí đầu vào trung bình đạt 9,62 USD/MMBTU (giảm 3% so với cùng kỳ) do giá dầu hạ nhiệt. Giá bán điện trên thị trường điện cạnh tranh (CGM) đạt trung bình 1.575 đồng/kWh (tăng 7% so với cùng kỳ) do các nguồn nhiệt điện sẽ được huy động nhiều hơn thay cho thuỷ điện. Theo KBSV, NT2 sẽ ghi nhận khoảng 80 tỷ đền bù tỷ giá còn lại trong 2023.

KBSV sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp (FCFF) và EV/EBITDA với tỷ lệ 50% cho mỗi phương pháp để đưa ra khuyến nghị mua cho NT2 với mức giá mục tiêu là 33.900 đồng/cổ phiếu.

Hải Đường

Theo VietnamFinance