Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (23/2): QNS, DRC và MWG

Trong kịch bản cơ sở, VNDirect kỳ vọng Bách Hoá Xanh sẽ có lãi trong quý III/2023 khi doanh thu hàng tháng mỗi cửa hàng đạt 1,5-1,55 tỷ đồng (tăng trưởng 8,7-12% so với quý IV/2022) nhờ giá trị giỏ hàng tăng khi tiêu dùng phục hồi và lượng người đến Bách Hoá Xanh tiếp tục tăng.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (23/2): QNS, DRC và MWG
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (23/2): QNS, DRC và MWG

QNS: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 43.000 đồng/cổ phiếu

Lũy kế cả năm 2022, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 8,3 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ), đạt 103% và 101% dự báo của Công ty Chứng khoán SSI cho năm 2022.

Trong quý IV/2022, QNS đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1,9 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ, giảm 15% so với quý trước) và 427 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ, tăng 34% so với quý trước). Mảng đường là động lực tăng trưởng doanh thu chính, với doanh thu thuần đạt 523 tỷ đồng trong quý IV (tăng 51% so với cùng kỳ, - 14% so với quý trước) do QNS được hưởng lợi từ sản lượng mía cao hơn trong vụ mùa 2022/2023.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng đường giảm từ 32,8% trong quý IV/2021 xuống 26,0% trong quý IV/2022, do tỷ lệ đường RE trong tổng sản lượng đường tiêu thụ tăng lên; và  giá mía nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn mức tăng giá bán đường bình quân.

Mảng điện sinh khối tiếp tục ghi nhận lãi nhẹ, trong khi mảng sữa đậu nành đạt 915 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 8% so với cùng kỳ, giảm 27% so với quý trước).

Mức tiêu thụ sữa đậu nành giảm 12% so với cùng kỳ trong quý III/2022 và giảm 4% so với cùng kỳ trong quý IV/2022 - cho thấy sức tiêu thụ ở thị trường thực phẩm dinh dưỡng vẫn yếu.

Tỷ suất lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành đạt 36,7% trong quý IV/2022 so với 37,4% trong quý IV/2021 do chi phí đầu vào tăng (đậu nành, đường, bao bì…). Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp chung của QNS giảm từ 32,1% trong quý IV/2021 xuống 30,2% trong quý IV/2022

Theo QNS, sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành trong năm 2023 ước tính đi ngang so với năm 2022 do mức tiêu thụ vẫn còn yếu. Giá đậu nành dự kiến tăng 6% so với cùng kỳ trong năm 2023 do QNS đã đặt trước 50% nguyên liệu đầu vào cho năm 2023.

SSI ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp của QNS là 40,3% trong năm 2023, so với 40,7% trong năm 2022. Công ty dự kiến ra mắt sản phẩm mới (sữa đậu nành bổ sung chất xơ) vào giữa năm 2023.

Về mảng đường, sản lượng đường RS dự kiến đạt 160 nghìn tấn (tăng 23% so với cùng kỳ) trong năm 2023 do QNS được hưởng lợi từ sản lượng mía cao hơn trong niên vụ 2022/2023. SSI giả định sản lượng tiêu thụ đường RE sẽ duy trì ở mức 20 nghìn tấn cho năm 2023, với giả định giá bán trung bình của đường RS & RE sẽ tăng 1%. Tỷ lợi nhuận gộp của đường RS và RE ước tính lần lượt là 22,8% và 0,5% trong năm 2023.

SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của QNS lần lượt là 9 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) và 1,4 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ).

QNS giao dịch với P/E dự phóng năm 2023 là 8,4 lần, đây là mức trung bình 4 năm trong khoảng 6,3 - 11,5 lần. SSI áp dụng P/E mục tiêu là 11 lần cho mảng sữa đậu nành và 6 lần cho các mảng khác.

SSI đưa ra giá mục tiêu một năm mới đối với cổ phiếu QNS là 43.000 đồng/cổ phiếu (từ 40.400 đồng/cổ phiếu), tương ứng với tiềm năng tăng giá tăng 11% (tổng mức sinh lời - ROI là 17%).

SSI lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu QNS. Trong ngắn hạn, công ty chứng khoán này dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2023 do mức tiêu thụ sữa đậu nành yếu hơn và chi phí đầu vào cao hơn.

Tuy nhiên, SSI cho rằng mức định giá hấp dẫn và cổ tức tiền mặt sắp tới của QNS trong nửa đầu năm 2023 sẽ là yếu tố tích cực trong bối cảnh thị trường đầy khó khăn.

DRC: BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 26.550 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC) công bố doanh thu thuần tháng 1 đạt 301 tỷ, giảm 23% so với cùng kỳ. Bất chấp kỳ nghỉ Tết, doanh thu xuất khẩu tháng 1/2023 khá vững chắc ở mức hơn 10 triệu USD, so với mức 11 triệu USD vào tháng 1/2022, được hỗ trợ bởi hai thị trường chính là Brazil và Mỹ.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng doanh thu nội địa của DRC đang đình trệ do cả yếu tố thời vụ và nhu cầu sụt giảm trước những khó khăn của thị trường vĩ mô (tình hình xuất khẩu chậm, lạm phát, và môi trường lãi suất cao)

Ban lãnh đạo chia sẻ thị trường nội địa đang cho dấu hiệu phục hồi trở lại trong tháng 2-3 so với mức thấp trong tháng 1. Trong khi ước tính doanh thu xuất khẩu tháng 2-3 mạnh mẽ ở mức cao 11–12 triệu USD/ tháng, được hỗ trợ rất lớn bởi nhu cầu liên tục tăng trưởng ở thị trường Brazil.

Ngoài ra, DRC cũng cho biết từ tháng 2, đơn đặt hàng bias cũng cải thiện, phục vụ chính cho các thị trường châu Á, bao gồm Myanmar, Ai Cập, và Trung Đông. Tuy nhiên, do xu thế radial hóa, DRC đang nghiên cứu chuyển dịch các dây chuyền sản xuất lốp bias sang các sản phẩm mới như PCR, LTR để tối ưu hóa năng lực sản xuất.

DRC đã chuẩn bị hàng tồn kho nguyên vật liệu đủ để phục vụ sản xuất kinh doanh tới hết tháng 4/2023, thấp hơn một chút so với chu kỳ tích trữ hàng tồn kho trung bình khoảng 3,6 tháng trong quá khứ, khi giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm và không có nhiều biến động trong nửa đầu năm. Giá cao su tự nhiên và tổng hợp giảm khoảng 5%, giá hóa chất giảm khoảng 17%, giá than đen tăng khoảng 3%.

Theo Bloomberg, chi phí vận chuyển đã giảm trở lại mức trước dịch, do tiêu thụ toàn cầu giảm và sự gián đoạn nguồn cung giảm bớt khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Chi phí vận chuyển container đã giảm khoảng 85% từ đỉnh.

Đối với DRC, BVSC đã nhận thấy tác động tích cực đến OpEx/doanh thu thuần trong Quý 4/2022, giảm mạnh xuống 6,0% (tương tự mức năm 2020) từ mức trên 8% trong năm 2021-2022. Theo quan điểm của BVSC, điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023 của DRC, trong bối cảnh đóng góp của xuất khẩu gia tăng.

DRC đặt kế hoạch kinh doanh 2023 thận trọng, với doanh thu thuần đạt 5.223 tỷ (tăng 7% so với cùng kỳ) – phù hợp với dự phóng của BVSC là 5.274 tỷ (tăng 8% so với cùng kỳ); và lợi nhuận trước thuế đạt 330 tỷ (giảm 15% so với cùng kỳ) – tương đương 87% dự phóng của BVSC là 379 tỷ (giảm 1% so với cùng kỳ).

DRC thận trọng đặt kế hoạch sản lượng thương phẩm lốp Radial năm 2023 vào khoảng 720 nghìn lốp (giảm 2% so với cùng kỳ). Ở phân khúc lốp Bias, DRC đặt kế hoạch sản lượng lốp Bias thương phẩm năm 2023 đạt 600 nghìn lốp (tăng 4% so với cùng kỳ).

Ở mức giá hiện tại, DRC đang giao dịch tại mức P/E năm 2023 là 9 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm vừa qua là 11,8 lần. BVSC khuyến nghị lên khả quan đối với DRC, với mức giá mục tiêu 1 năm là 26.550 đồng/cổ phiếu theo phương pháp DCF, với giả định ERP thấp hơn là 10% từ mức thận trọng là 11%, tuy nhiên vẫn cao hơn mức 8% áp dụng giai đoạn trước đây.

Định giá hiện tại tương ứng với mức P/E 2023 là 10,4 lần. BVSC ưa thích DRC nhờ khả năng phục hồi nhanh hơn khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, do DRC nằm ở nhóm các công ty phía trên của chuỗi giá trị và thế mạnh xuất khẩu; đồng thời tiềm năng tăng trưởng dài hạn được đảm bảo bởi dự án mở rộng Radial giai đoạn 3.

MWG: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 61.500 đồng/cổ phiếu

Doanh thu quý IV/22 của Bách Hóa Xanh tăng trưởng 27,8% so với cùng kỳ nhờ tái cấu trúc hệ thống chuỗi. Tuy nhiên, doanh thu Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trong quý IV/22 lại giảm 26,5% so với cùng kỳ.

Do đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) chỉ đạt mức doanh thu 30.588 tỷ đồng (giảm 15,4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng 619 tỷ đồng (giảm 60,4% so với cùng kỳ) trong quý IV/22.

Biên lợi nhuận hoạt động trong quý IV/22 giảm 2,5 điểm % xuống 3,15% do tăng cường khuyến mãi trong giai đoạn tiêu dùng nội địa yếu. Trong năm 2022, doanh thu của MWG tăng trưởng 8,5% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận ròng giảm 16,3% so với cùng kỳ, chỉ hoàn thành 92%/77% dự phóng của Công ty Chứng khoán VNDirect.

Doanh thu hàng tháng mỗi cửa hàng của Bách Hoá Xanh tăng lên 1,38 tỷ đồng trong quý IV/2022, tăng 2% so với quý trước và 56,8% so với cùng kỳ nhưng thấp hơn một chút so với dự báo của VNDirect là 1,45 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 27% trong quý IV/22 và không ghi nhận chi phí thanh lý tài sản giúp Bách Hoá Xanh thu hẹp mức lỗ còn 350 tỷ đồng trong quý IV/22 từ mức lỗ trung bình khoảng 850 tỷ đồng trong ba quý trước đó.

Với việc dừng mở rộng và biên lợi nhuận gộp được giữ ở mức ổn định 26%, VNDirect cho rằng doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng là chỉ số chính cần quan sát để theo dõi khả năng sinh lời của Bách Hoá Xanh.

Trong kịch bản cơ sở, VNDirect kỳ vọng Bách Hoá Xanh sẽ có lãi trong quý III/2023 khi doanh thu hàng tháng mỗi cửa hàng đạt 1,5-1,55 tỷ đồng (tăng trưởng 8,7-12% so với quý IV/2022) nhờ giá trị giỏ hàng tăng khi tiêu dùng phục hồi và lượng người đến Bách Hoá Xanh tiếp tục tăng.

Nợ ròng/cổ phiếu 2022 giảm còn 963 đồng, tốt hơn so với 8.794 đồng vào 2021 khi MWG giảm nợ và hàng tồn kho để đảm bảo dòng tiền trước khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.

VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của MWG trong 6T23 sẽ giảm 16% so với cùng kỳ với lợi nhuận Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh giảm 39% so với cùng kỳ và Bách Hoá Xanh lỗ 434 tỷ đồng.

Trong nửa cuối 2023, với việc các yếu tố vĩ mô tốt hơn, VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của MWG sẽ tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ với Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tăng 16,7% so với cùng kỳ và Bách Hoá Xanh ghi nhận mức lãi 67 tỷ đồng. Nhìn chung, VNDirect ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng của MWG sẽ tăng trưởng 3,6% và 25,8% so với cùng kỳ trong 2023, 15% và 19,1% so với cùng kỳ trong 2024.

VNDirect hạ giá mục tiêu 1 năm xuống 21,5% sau khi giảm dự phóng EPS 32,5% và 24,3% trong năm 2023 và 2024. Công ty chứng khoán này khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MWG.

Hải Đường

VietnamFinance