Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (23/12): DRC, DCM và PNJ
PNJ vẫn đang mở rộng mạng lưới kinh doanh bán lẻ trong bối cảnh lạm phát tăng. Do đó, Yuanta kỳ vọng PNJ sẽ tăng trưởng trong năm 2023 nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2022.
DRC: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 23.300 đồng/cổ phiếu
Trong quý III/2022, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC) đạt doanh thu thuần 1,35 nghìn tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế 96 tỷ đồng (tăng 128% so với cùng kỳ). Công ty Chứng khoán SSI cho rằng quý III/2021 là mức nền so sánh thấp, thời điểm mà DRC phải giảm sản lượng để tuân thủ theo các biện pháp giãn cách xã hội.
Lợi nhuận quý III tăng 128% so với cùng kỳ do DRC được hưởng lợi từ giá bán tăng và sản lượng tiêu thụ lốp cao hơn.
Xem xét sự sụt giảm nhu cầu đối với lốp bias tại các thị trường xuất khẩu của sản phẩm này (Lào, Myanmar và một số quốc gia ở Trung Đông), SSI dự báo sản lượng tiêu thụ sẽ giảm lần lượt 12% và 9% so với cùng kỳ trong năm 2022 và 2023. Giá bán bình quân có thể tăng 5% vào năm 2022 và giảm 4% so với cùng kỳ vào năm 2023, cùng với xu hướng nguyên vật liệu đầu vào.
Sản lượng tiêu thụ lốp bias năm 2022 dự kiến giảm 12% so với cùng kỳ do quá trình chuyển đổi từ lốp bias sang lốp radial, và nhu cầu suy giảm, giá bán bình quân tăng 5% so với cùng kỳ. Năm 2023, sản lượng tiêu thụ lốp bias có thể giảm 9% so với cùng kỳ do quá trình chuyển đổi từ lốp bias sang lốp radial, nhu cầu suy giảm, giá bán bình quân giảm 4% so với cùng kỳ.
Sản lượng tiêu thụ lốp radial có thể đạt lần lượt 700 nghìn chiếc (tăng 15% so với cùng kỳ) và 800 nghìn chiếc (tăng 14% so với cùng kỳ) trong năm 2022 và năm 2023, cùng với sự gia tăng công suất.
Nhu cầu đối với lốp radial ở Mỹ vẫn mạnh do Mỹ vẫn phụ thuộc khá nhiều vào lốp radial nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong nước. Giá bán bình quân dự kiến sẽ tăng 6% so với cùng kỳ vào năm 2022 và giảm 4% so với cùng kỳ vào năm 2023 cùng với xu hướng nguyên liệu thô đầu vào
SSI nhận thấy sự suy giảm ở thị trường xuất khẩu lốp xe bias và khả năng cạnh tranh cao hơn đối với lốp radial từ các nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc, sau khi các biện pháp phong tỏa của quốc gia này được dỡ bỏ, điều này khiến SSI phải điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận ròng năm 2022 và 2023 lần lượt 6% và 26%, xuống còn 310 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ) và 280 tỷ đồng (giảm 10% so với cùng kỳ), với lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 giảm 4% so với cùng kỳ.
Với kết quả kinh doanh năm 2023 thấp hơn và với P/E mục tiêu điều chỉnh giảm từ 12 lần xuống 11 lần (so với trung bình 3 năm là 12,9 lần và trung bình 5 năm là 15,5 lần), SSI điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 23.300 đồng/cổ phiếu và hạ khuyến nghị đối với DRC xuống trung lập
Trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của DRC có thể giảm đáng kể (giảm 4% so với cùng kỳ trong quý IV/2022 so với mức tăng 128% so với cùng kỳ trong quý III/2022). Điều này sẽ làm tăng áp lực bán cổ phiếu, theo SSI.
DCM: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 32.400 đồng/cổ phiếu
Trong quý III/2022, mặc dù Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) tiến hành bảo dưỡng định kỳ nhà máy trong tháng 9 nhưng nhớ có sự chuẩn bị lượng hàng tồn kho giúp sản lượng tiêu thụ tăng 30% so với cùng kỳ, ước đạt 193 nghìn tấn Urea Cà Mau và 26 nghìn tấn Urea hàng hóa, sản lượng tiêu thụ NPK cũng đạt 11,5 nghìn tấn.
Giá bán phân bón giảm khá mạnh so với nửa đầu năm nhưng vẫn neo ở mức cao, tăng hơn khoảng 30% so với cùng kỳ giúp kết quả kinh doanh của DCM tăng đột biến.
Theo báo cáo tài chính quý III/2022, doanh thu thuần đạt 3.307 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 785,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 82,5% và 99,7% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 11.466 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.492 tỷ đồng, lần lượt tăng 89,5% và 297% so với cùng kỳ, thực hiện 127% về doanh thu và 642% về lợi nhuận trước thuế so với kế hoach cả năm.
Dù mới qua 3 quý nhưng doanh thu và lợi nhuận đã vượt lần lượt 16% và 78,5% doanh thu và lợi nhuận cả năm 2021.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), giá phân bón có xu hướng giảm từ mức đỉnh đầu năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với các năm trước. Cụ thể, giá phân bón thế giới các tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 tăng rất mạnh do nguồn cung từ Nga, Trung Quốc bị thắt chặt.
Hiện nay giá phân bón đã bắt đầu có xu hướng điều chỉnh giảm do nguồn cung tăng lên. Giá Urea trung bình 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm đã giảm khoảng 16% tại Trung Quốc và giảm 2
MBS cho biết DCM đã tiến hành xong việc bảo dưỡng nhà máy Urea trong tháng 9 và sản xuất ổn định, đạt công suất vượt mức thiết kế. Sau 10 năm hoạt động, nhà máy đã sản xuất được 9 triệu tấn Urea, trung bình hằng năm đạt hơn 112% công suất nhà máy.
Nhà máy NPK công nghệ Urê hóa lỏng công suất 300 nghìn tấn/năm đã sản xuất được 48 nghìn tấn, tiêu thụ hơn 38 nghìn tấn. Theo kế hoạch 2022, sản lượng sản xuất NPK sẽ tăng lên 80 nghìn tấn. Theo ước tính của MBS, sản lượng tiêu thụ có thể đạt 70 nghìn tấn tăng khoảng 80% so với 2021.
Dư địa cho tăng trưởng của sản phẩm NPK còn nhiều do công ty mới đưa vào kinh doanh năm thứ 2 và dư địa công suất vẫn còn lớn. Dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý IV có thể đạt lần lượt 2.792 tỷ đồng và 522 tỷ đồng, đưa doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm lên mức 14.258 tỷ đồng và 4.014 tỷ đồng, tăng lần lượt 44% và 105% so với 2021.
Theo MBS, năng lực sản xuất của nhà máy urea rất tốt trong khi nhà máy NPK đã đi vào hoạt động ổn định, dự báo trong năm 2022, sản lượng Ure sản xuất có thể đạt mức 890 nghìn tấn, sản lượng NPK đạt 80 nghìn tấn. Sản lượng bán hàng đạt 1.070 nghìn tấn các loại, trong đó urea Cà Mau có thể đạt mức 800 nghìn tấn, NPK Cà Mau đạt 70 nghìn tấn, phân bón kinh doanh đạt 140 nghìn tấn.
Tổng doanh thu cả năm 2022 dự báo đạt 14.258 tỷ đồng, tăng 44,5% so với 2021 và bằng 157% kế hoạch 2022 (do kế hoạch xây dựng từ cuối năm 2021 và không điều chỉnh lại dù giá bán phân bón tăng mạnh).
Lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 4.014 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.693 tỷ đồng, tăng 105% và 102% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 3.686 tỷ đồng, thu nhập mỗi cổ phần đạt 6.097 đồng.
MBS xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu DCM vào khoảng 32.400 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFE. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E dự phóng khoảng 6,59 lần (dự phóng EPS năm 2023 khoảng 4.927 đồng/cổ phiếu).
PNJ: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 135.453 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) công bố kết quả doanh thu tháng 11/2022 tăng 17% so với cùng kỳ, cho thấy đà tăng trưởng mạnh dù so với mức nền cao của năm ngoái. PNJ ghi nhận doanh thu thuần tháng 11 đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (giảm 15% so với tháng trước nhưng tăng 17% so với cùng kỳ), trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 153 tỷ đồng (tăng 4% so với tháng trước/tăng 9% so với cùng kỳ).
Doanh thu 11 tháng 2022 đạt 31 nghìn tỷ đồng (tăng 85% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (tăng 96% so với cùng kỳ). Như vậy, PNJ đã vượt 24% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của công ty và hoàn thành 90,6% dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022E của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam trong 11 tháng năm 2022.
Biên lợi nhuận gộp giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ còn 17,4%, thấp hơn nhiều so với dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2022 của Yuanta là 18%, do có sự thay đổi trong cơ cấu kênh bán lẻ và sự tác động lạm phát đối với cả sức mua và chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng vẫn tăng 0,3 điểm phần trăm và đạt 5,3% trong 11 tháng năm 2022 do tăng hiệu quả kinh doanh nhờ ứng dụng công nghệ vào bán hàng, quản lý. Mảng bán lẻ vẫn là động lực tăng trưởng chính. Trong 11 tháng, doanh thu bán lẻ (chiếm 60,7% tổng doanh thu) tăng 92% so với cùng kỳ; doanh thu bán vàng 24k (chiếm 25,6%) tăng 85% so với cùng kỳ; doanh thu bán sỉ (chiếm 12,2%) tăng 67% so với cùng kỳ; và doanh thu khác tăng 26% so với cùng kỳ.
PNJ đã mở mới 33 cửa hàng từ đầu năm đến nay, gần như hoàn thành kế hoạch mở 35-40 cửa hàng trong năm 2022. Đồng thời, từ đầu năm đến nay công ty cũng đã đóng 13 cửa hàng và hiện đang vận hành mạng lưới bán lẻ với 362 cửa hàng trên toàn quốc.
Theo Yuanta, kết quả kinh doanh của PNJ thường tăng mạnh vào dịp cuối năm. Trong tháng 10 và tháng 11 năm 2022, PNJ đã hoàn thành 65% dự báo doanh thu quý IV/2022 và 64% dự báo lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của Yuanta, do đó kết quả kinh doanh thực tế của PNJ có khả năng sẽ vượt số liệu dự báo cho năm 2022 của công ty chứng khoán này.
PNJ vẫn đang mở rộng mạng lưới kinh doanh bán lẻ trong bối cảnh lạm phát tăng. Do đó, Yuanta kỳ vọng PNJ sẽ tăng trưởng trong năm 2023 nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2022.
PNJ đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển bền vững theo ESG, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư và tăng cường hợp tác thương mại quốc tế. Yuanta vẫn duy trì khuyến nghị mua đối với PNJ với giá mục tiêu là 135.453 đồng/cổ phiếu. PNJ đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2023 là 12,3 lần, tương ứng với tỷ lệ PEG là 0,8 lần.