Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/9): DRC, PNJ và BSR
Năm 2022, BSC kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PNJ lần lượt đạt 33.436 tỷ đồng và 1.792 tỷ đồng, tương ứng tăng 70% và 74% so với mức mực thiện năm 2021. BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PNJ, giá mục tiêu 145.500 đồng/cổ phiếu.
DRC: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 34.400 đồng/cổ phiếu
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC) đã hoạt động kém hiệu quả trong quý II/2022. Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 4,7% và giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng đạt 1,2 nghìn tỷ đồng và 84 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần của DRC đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 12%, đạt 150 tỷ đồng. Kết quả này lần lượt hoàn thành 55% và 58% kế hoạch cả năm.
Trong quý II, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 18,8% (quý II/2021) xuống 17,9% (quý II/2022) do công ty gặp khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Cao su tự nhiên, cao su tổng hợp, hóa chất và than đen chiếm lần lượt 33%, 11%, 17% và 15% tổng chi phí nguyên vật liệu trong quý II/2022.
Giá cao su tự nhiên đi ngang, nhưng công ty phải chịu mức chi phí cao đối với cao su tổng hợp (tăng 16% so với cùng kỳ), hóa chất (tăng 26% so với cùng kỳ) và than đen (tăng 25% so với cùng kỳ). Giá cá nguyên liệu thô này tăng mạnh cùng với đà tăng của giá dầu.
Về xu hướng giá nguyên liệu, SSI dự đoán giá dầu sẽ giảm, giá cao su tự nhiên có thể chỉ tăng ở mức thấp một con số trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023. Đồng thời, chi phí đầu vào than đen và hóa chất trong 6 tháng cuối năm 2022 và 2023 có thể sẽ giảm theo đà giảm của giá dầu.
SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của DRC sẽ đạt ở mức 49% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng lợi nhuận ròng trong quý III/2022 sẽ đạt mức cao nhất trong năm. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 dự báo ần lượt là 329 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và 378 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ).
Theo SSI, tỷ suất lợi nhuận năm 2022 có thể sẽ cải thiện nhẹ (từ 17,1% năm 2021 lên 17,3% năm 2022) do công suất sử dụng của nhà máy sản xuất lốp radial tăng lên (từ 101% năm 2021 lên 113% vào năm 2022).
Về triển vọng dài hạn, do nhà máy lốp radial hiện đang hoạt động quá công suất nên Ban lãnh đạo có kế hoạch nâng công suất lên 1 triệu lốp (so với công suất thiết kế hiện tại là 600 nghìn lốp). Tổng chi phí đầu tư cho việc mở rộng công suất ước tính khoảng 700 tỷ đồng. Chúng tôi dự kiến công ty sẽ bắt đầu lắp đặt máy móc vào quý 4/2022 và chính thức đi vào hoạt động vào quý 1/2024. Điều này sẽ giúp DRC duy trì tăng trưởng từ năm 2024.
DRC cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất lốp radial dành cho xe du lịch cỡ nhỏ/xe con. Dự án này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu khả thi và có khả năng chỉ thực hiện khi nhà máy sản xuất lốp radial dành cho xe tải đạt công suất 1 triệu lốp/năm.
SSI duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu DRC, giá mục tiêu là 34.400 đồng/cổ phiếu
PNJ: BSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 145.500 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tháng 7 lần lượt đạt 2,511 tỷ đồng (tăng 413.6% so với cùng kỳ) và 79 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 32 tỷ đồng).
Biên lợi nhuận gộp giảm so với giai đoạn trước từ 17,6% (tháng 7/2020) và 19,6% (tháng 7/2021) xuống còn 15.8% (tháng 7/2022) do đẩy mạnh bán hàng ở tất cả các ngành hàng và giảm giá bán kích cầu bảo vệ doanh thu.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá đây là tín hiệu tích cực cho thấy công ty có thể tận dụng tốt lợi thế công nghệ và đổi mới phương thức bán hàng, sẽ hỗ trợ doanh thu trong nửa cuối 2022.
Năm 2022, BSC kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PNJ lần lượt đạt 33.436 tỷ đồng và 1.792 tỷ đồng, tương ứng tăng 70% và 74% so với mức mực thiện năm 2021.
Theo BSC, doanh thu thuần trung bình của các tháng thấp điểm trong quý II/2022 và tháng 7/2022 là 2.645 tỷ đồng cao hơn mức trung bình giai đoạn cao điểm của quý I/2021 là 2.395 tỷ đồng và vượt kỳ vọng trước đó của công ty chứng khoán này nhờ tăng công suất của các nhà máy hiện tại lên 30% so với cùng kỳ, thay đổi layout nhà máy và đầu tư thêm máy móc thiết bị, đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm mới và các kênh bán hàng chưa được chú trọng nhiều như kênh bán sỉ và chính sách bán hàng linh hoạt, tăng chiết khấu và áp dụng chuyển đổi số trong quy trình bán hàng và phân phối, quản lý các sản phẩm phù hợp với từng cửa hàng.
Doanh thu thuần năm 2023 kỳ vọng đạt 37.832 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.147 tỷ đồng, tương ứng tăng 13% và 20% so với năm 2022.
Kết quả này được dự phóng dựa trên giả định tăng trưởng doanh thu bán lẻ trang sức/cửa hàng hiện hữu của PNJ tiếp tục tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ trong năm 2023, nhờ đẩy mạnh bán hàng ở tất cả các mảng kinh doanh được hỗ trợ bởi việc nâng công suất của các nhà máy hiện hữu chính sách bán hàng, marketing linh hoạt với sự hỗ trợ của chuyển đổi số; doanh thu tăng thêm khi mở rộng cửa hàng ra thành phố cấp 2, cấp 3.
Biên lợi nhuận gộp sẽ tăng lên 17.7% trong năm 2023 nhờ tỷ trọng vàng miếng giảm từ 23,2% xuống còn 19,6% do việc khai thác toàn diện các mảng kinh doanh, bao gồm mảng bán sỉ - chưa được chú trọng trong giai đoạn trước và xu hướng đầu tư tích trữ vàng không còn mạnh như trước.
Ngoài ra, biên lợi nhuận mảng bán lẻ ước tính chỉ quanh mức 27 - 28% thấp hơn so với giai đoạn trước (29 - 30%) do chính sách giảm giá bán để kích cầu và tập trung vào các sản phẩm có giá rẻ hơn nhưng vòng quay nhanh hơn.
Về việc mở rộng chuỗi cửa hàng, BSC kỳ vọng số cửa hàng cuối năm 2023 đạt 384 cửa hàng (tăng 30 so với tổng số cửa hàng dự phóng năm 2022) ở khu vực cấp 2, cấp 3 và Style by PNJ trong các shop ở các thành phố lớn. Theo đó, PNJ được kỳ vọng sẽ đầu tư marketing, tăng trải nghiệm của khách hàng nhắm tới đối tượng khách hàng trẻ trung với các dòng sản phẩm phù hợp túi tiền. Vốn đầu tư cho việc mở mới cửa hàng và phát triển thị trường đến từ nguồn vốn phát hành hơn 1.425 tỷ đồng trong 2022, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trung hạn.
BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PNJ, giá mục tiêu 145.500 đồng/cổ phiếu.
BSR: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 29.900 đồng/cổ phiếu
Nửa đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Lọc hoá Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) ghi nhận doanh thu thuần đạt 87,2 nghìn tỷ đồng (tăng 78% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 12,4 nghìn tỷ đồng (tăng 253%). Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), đây là mức tăng trưởng phi thường trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp trên toàn cầu khi mà công suất lọc dầu vẫn đang bị tụt lại phía sau và thậm chí còn đang giảm dần.
Xét đến cuộc xung đột vũ trang kéo dài ở châu Âu và việc Nga, một trong những nhà cung cấp lớn nhất, đang ngày càng bị cô lập khỏi thị trường dầu khí thế giới, trong kịch bản cơ sở, PHS nâng giá dầu Brent trung bình năm 2022 lên 95 USD/thùng (trước đây là 90 USD/thùng) để phản ánh sự hỗn loạn tiềm tàng của cán cân cung – cầu khi mùa đông đến.
Khi đó, doanh thu thuần có thể đạt 143.2 nghìn tỷ đồng (+41.7% YoY) và LNST đạt 17.2 nghìn tỷ đồng (+158% YoY). Từ Q1 2021, biên lợi nhuận đã cải thiện nhanh chóng, theo sau sự gia tăng của giá dầu do tình hình nguồn cung thắt chặt bởi chiến tranh Nga - Ukraine. Trong nửa 2022, Biên lợi nhuận gộp của BSR đã đạt 15.5%, con số cao nhất từ trước đến nay, nhờ vào biên lọc dầu ở mức cao trong thời gian dài. Tuy nhiên, PHS cho rằng biên lợi nhuận gộp sẽ giảm trong thời gian tới và duy trì ở mức 13,5% trung bình cho cả năm 2022.
Theo PHS, có 2 điểm nhấn đầu tư khi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này. Thứ nhất là sự phục hồi mạnh mẽ của giá bán và biên lợi nhuận đang diễn ra trong năm 2022, dưới điều kiện thuận lợi chưa từng có, nhu cầu về xăng dầu bùng nổ trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.
Thứ hai, BSR cũng đang mở rộng quy mô sản xuất với một dự án đầy tham vọng nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng. Dự án này sẽ giúp khỏa lấp nguồn cung thiếu hụt trong nước cũng như đáp ứng yêu cầu chất lượng EURO5 do chính phủ quy định. Theo BSR, dự án này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, kỳ vọng sản lượng có thể bật tăng thêm khoảng 16% vào năm 2026.
PHS khuyến nghị mua cổ phiếu BSR với giá mục tiêu 29.900 đồng/cổ phiếu. Định giá này đã tính đến kế hoạch nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất gần nhất và đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5, có thể khiến sản lượng giảm 12,5% vào năm 2023.