Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/11): TRA, POW và BWE
POW đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 nhà máy điện LNG mới là Nhơn Trạch 3 và 4 với tổng công suất thiết kế 750MW mỗi nhà máy. PHS kỳ vọng dự án sẽ tạo ra sản lượng tăng thêm gần 5.600 triệu kWh/năm vào năm 2026 sau khi hoàn thành và sẽ hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng dài hạn của POW.
TRA: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 86.140 đồng/cổ phiếu
Trong quý III/2022, doanh thu từ thuốc đông dược (ĐD) của Công ty Cổ phần Traphaco (HoSE: TRA) giảm (6% so với cùng kỳ). Mặt khác, mảng ngoài đông dược (NĐD) ghi nhận doanh thu tăng 33% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nhóm thuốc Methorphan và Alpha-Chymotrypsin tăng trưởng mạnh trong quý này (lần lượt tăng 250% và 63% so với cùng kỳ).
Traphaco đã được cấp hồ sơ công bố cho các sản phẩm mới như nhóm sản phẩm chuyển giao từ đối tác Dược Daewoong, sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp của các thương hiệu bán chạy trên thị trường (viên nang mềm giải độc gan Boganic Premium), tuy nhiên, TRA sẽ cần thời gian để phát triển các sản phẩm này.
Trong 9/2022, doanh thu từ ĐD tăng 10% so với cùng kỳ, chiếm 62% tổng doanh thu. Các sản phẩm cốt lõi của dòng sản phẩm đông dược như Hoạt huyết dưỡng não, Boganic (giải độc gan), Cebraton (bổ não), Tottri (điều trị trĩ) vẫn chiếm tới 48% doanh thu ĐD, nhưng tốc độ tăng trưởng bị hạn chế do cạnh tranh gia tăng trên thị trường.
Doanh thu từ dòng sản phẩm NĐD (38% tổng doanh thu) tăng 44% so với cùng kỳ. Các sản phẩm bán chạy ở phân khúc này là Methorphan (thuốc trị ho), Dibetalic (thuốc mỡ), Natriclorid (nhỏ mắt), Koolfever (miếng dán hạ nhiệt), Eucinat 500 (kháng sinh).
Tốc độ tăng trưởng cao này là nhờ trong những năm vừa qua TRA đã nỗ lực phát triển sản phẩm của riêng họ cũng như ký kết với các nhà sản xuất khác để phân phối sản phẩm thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Hội đồng quản trị đang thảo luận về lộ trình xây dựng nhà máy mới đạt tiêu chuẩn GMP-EU, kế hoạch này sẽ giúp TRA tăng trưởng thị trường ETC và tận dụng hiệu quả hơn nữa danh mục sản phẩm của đối tác chiến lược, nhưng chúng tôi dự đoán đây có thể là một kế hoạch dài hạn.
Trong quý III/2022, doanh thu của TRA đạt 606 tỷ đồng (tăng 6,4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 77 tỷ đồng (tăng 8,3% so với cùng kỳ).
Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 56,5%, tăng 4,3% so với cùng kỳ nhưng thấp hơn so với quý II/2022. Việc triển khai hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và tách biệt đội ngũ bán hàng ĐD và NĐD tại 13 tỉnh thành đã làm tăng chi phí bán hàng & quản lý lên 20% so với quý III/2021, nhưng điều này cũng đã mang lại doanh số cao hơn ở các địa bàn này.
Các trình dược viên đã bán hàng hiệu quả hơn trước và một số thậm chí còn vượt qua mục tiêu doanh thu hàng năm của họ ngay từ tháng 9.
Việc tách biệt đội ngũ sẽ được triển khai trên toàn quốc vào năm 2023. Ban lãnh đạo ước tính rằng doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của TRA sẽ lần lượt đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và 330 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ).
Trong năm 2023, Công ty Chứng khoán SSI điều chỉnh giảm ước tính doanh thu dược phẩm do triển vọng vĩ mô yếu hơn cũng như sự cạnh tranh gia tăng đối với các sản phẩm đông dược.
Cụ thể, SSI điều chỉnh giảm dự báo doanh thu xuống 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 13,1% so với cùng kỳ) cho năm 2022 và 2,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10,6% so với cùng kỳ) cho năm 2023. Công ty chứng khoán này cũng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 lần lượt xuống 322 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ) và 370 tỷ đồng tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ).
Tăng trưởng của TRA trong những năm tới sẽ được thúc đẩy bởi phân khúc sản phẩm NĐD và sự ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn so với các công ty cùng ngành.
Giá mục tiêu mới của SSI đối với cổ phiếu TRA là 86.140 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp DCF và P/E mục tiêu là 9 lần. Với tiềm năng giảm giá 6%, SSI đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu TRA.
POW: PHS khuyến nghị mua với giá 13.800 đồng/cổ phiếu
Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW) giảm nhẹ 1,9% so với cùng kỳ xuống 20.566 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm xuống 1.591 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ) và hoàn thành lần lượt 82% và 77% so với dự báo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho năm 2022.
PHS đánh giá đây là kết quả khả quan nhờ giá bán điện bình quân tăng 18% so với cùng kỳ trong khi sản lượng giảm mạnh (giảm 17% so với cùng kỳ) do sự cạnh tranh gay gắt từ năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió đang phát triển nhanh cùng thủy điện với điều kiện thủy văn đặc biệt thuận lợi nhờ La Nina.
PHS kỳ vọng doanh thu thuần của công ty sẽ tăng mạnh trong năm 2023. Theo đó, doanh thu thuần có thể đạt 31.982 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng có thể lên đến 2.847 tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 25% và 31% so với con số dự kiến của 2022.
Kể từ quý I/2022, biên lợi nhuận gộp đã phục hồi nhanh chóng nhờ giá bán thuận lợi trong bối cảnh cả nước thiếu than cho sản xuất điện than. PHS kỳ vọng biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng của POW sẽ ổn định lần lượt ở mức 13% và 9% vào năm 2023.
Sự phục hồi về doanh thu và lợi nhuận có thể xảy ra trong năm 2023, nhờ khả năng quay lại của nhiệt điện, do hiện tượng La Nina có thể qua đi từ đầu năm 2023 và cuốn đi ưu thế thuận lợi của thủy điện. Theo đó, PHS dự báo tổng sản lượng có thể đạt khoảng 17,462 triệu kWh trong năm 2023, tương đương mức tăng trưởng cao lần lượt là 41% và 19% so với năm 2022 và 2021.
POW đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 nhà máy điện LNG mới là Nhơn Trạch 3 và 4 với tổng công suất thiết kế 750MW mỗi nhà máy. PHS kỳ vọng dự án sẽ tạo ra sản lượng tăng thêm gần 5.600 triệu kWh/năm vào năm 2026 sau khi hoàn thành, và sẽ hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng dài hạn của POW.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 13.800 đồng/cổ phiếu. Do đó, công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 37%.
Trong định giá này, PHS cho biết không tính đến nhà máy điện LNG Quảng Ninh 1.500MW do sự không chắc chắn và thiếu thông tin cần thiết. Bên cạnh đó, PHS nâng lãi suất phi rủi ro tính đến thời điểm hiện tại lên 5% (từ mức 3,5%) để dự tính các động thái sắp tới của lãi suất trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang bị thắt chặt.
BWS: MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng với giá mục tiêu 47.700 đồng/cổ phiếu
Kết quả kinh doanh quý III/2022 của Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (HoSE: BWE) ghi nhận doanh thu đạt 860 tỷ đồng (tăng 31,9% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 196 tỷ đồng (tăng 24,1% so với cùng kỳ).
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), kết quả này đạt được nhờ mức nền thấp trong cùng kỳ do giảm giá nước để hỗ trợ Covid và việc đưa vào vận hành các dự án mới và gia tăng được số đầu ống cấp mới của hoạt động cấp nước và xử lý nước thải.
Lũy kế 9 tháng, BWE đạt doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt 2.440 tỷ đồng (tăng 16.1% so với cùng kỳ) và 575 tỷ đồng (tăng 15,1% so với cùng kỳ), trong đó sản lượng nước tiêu thụ đạt 135,6 triệu m3 (tăng 5,5% so với cùng kỳ).
Tỷ lệ thất thoát nước tiếp tục duy trì mức thấp 5% kể từ đầu năm và dự kiến sẽ duy trì mức này trong dài hạn. Hoạt động kinh doanh mang tính bền vững ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chu kỳ
Theo MASVN, hoạt động kinh doanh của BWE mang tính bền vững và ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố chu kỳ. Theo đó, doanh nghiệp này được độc quyền cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương với tổng công suất ước tính đạt hơn 800.000 m3 /ngày đêm.
Hoạt động sản xuất nước trong 9 tháng năm 2022 vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng doanh thu tốt với mức tăng 11,2% so với cùng kỳ, trong đó bao gồm giá nước điều chỉnh tăng 5% và phần còn lại đến từ tăng trưởng sản lượng nước tiêu thụ.
Sản lượng nước thương phẩm được MASVN kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức tăng khoảng 4 - 5%/năm khi trong tương lại tỉnh Bình Dương sẽ có thêm nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động như khu công nghiệp VSIP 3 (1.000ha), khu công nghiệp NTC3 – mở rộng (346ha), … cùng với đó là sự hình thành các khu dân cư vệ tinh.
Theo MASVN, việc mở rộng công suất thông qua hoạt động M&A sẽ giúp BWE thâm nhập thị trường nhanh hơn thông qua tệp khách hàng và hạ tầng sẵn có.
Công ty chứng khoán này cho biết, BWE có khoảng 1.668 tỷ đồng dư nợ dài hạn là các khoản vay USD (chiếm 52% tổng dư nợ dài hạn). Trong đó, tính đến thời điểm tháng 11/2022, tỷ giá USD/VND đã trượt giá thêm khoảng 3,9% so với cuối quý III/2022.
MASVN cho rằng rủi ro tỷ giá có khả năng bào mòn biên lợi nhuận của BWE trong ngắn hạn khi tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong bối cảnh FED còn nâng lãi suất cho đến giữa năm 2023.
Dựa vào kết quả kinh doanh thực tế tháng năm 2022 cùng với việc đánh giá các rủi ro liên quan đến thị trường chứng khoán nói chung và hoạt động doanh nghiệp nói riêng, MASVN điều chỉnh giá mục tiêu của BWE về mức 47.700 đồng/cổ phiếu (từ 55.300 đồng/cổ phiếu), khuyến nghị tăng tỷ trọng.
Trong đó, MASVN giảm bình quân 10,4% lợi nhuận ròng dự phóng trong giai đoạn 2022 - 2024. Công ty chứng khoán này cho rằng đây cũng là vùng giá hợp lý cho BWE khi giá cổ phiếu hiện tại đã chiết khấu đi nhiều do vấn đề rủi ro thị trường mặc dù hoạt động kinh doanh mang tính bền vững và không bị ảnh hưởng quá tiêu cực.