Cổ phiếu ngân hàng bứt tốc từ đáy, còn dư địa tăng trưởng?

Cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều ngân hàng tăng giá 2 lần sau 3 tháng. Cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.

Cổ phiếu nhiều ngân hàng tăng giá gấp 2 lần kể từ đáy tháng Tư

Đầu tháng 4 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một đợt lao dốc mạnh mẽ, chỉ số VN-Index giảm sâu xuống dưới 1.100 điểm.

Nguyên nhân chính của đợt sụt giảm này đến từ những lo ngại về chính sách thuế quan mới của Mỹ, đặc biệt là thông báo áp thuế đối ứng tối đa 46% đối với hàng hóa Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường chung suy giảm, nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu tác động nặng nề. Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đã tạo đáy trong phiên 8-9/4, với mức giảm giá tới 20-30% so với đầu năm.

Nhưng chỉ sau hơn 3 tháng, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sự phục hồi ấn tượng, trở thành động lực quan trọng kéo VN-Index lên mốc 1.500 điểm.

Một số mã cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá từ 1,5-2 lần so với mức đáy hồi tháng Tư.

Phiên cuối tuần này (18/7), VN-Index có thời điểm đã vươn lên mốc 1.501,02 điểm ngay trong phiên sáng, tiệm cận vùng đỉnh tâm lý quan trọng. Nhưng chỉ số đã xuống dưới mốc 1.500 điểm khi áp lực bán gia tăng vào cuối phiên.

Tuy vậy, trong phiên giao dịch này, thị trường chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của nhiều mã cổ phiếu ngành ngân hàng.

Đơn cử, chốt phiên 18/7, cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tăng 1,34% lên 15.100 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, mã này đã tăng hơn 10%. Nếu so với vùng đáy thiết lập ngày 9/4, cổ phiếu TPB đã tăng vượt 35%.

Cổ phiếu ngân hàng bứt tốc từ đáy, còn dư địa tăng trưởng? - Ảnh 1

Cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), với mức tăng 5,24%, lên đỉnh mới 50.200 đồng/cp. Từ mức đáy phiên 9/4 đến nay, cổ phiếu STB đã tăng gần 50%. Hiện STB là mã có thị giá cao thứ 2 trong nhóm ngân hàng, sau VCB của Vietcombank (61.900 đồng/cp).

Cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng tăng 3,13% trong phiên 18/7, đóng cửa ở giá 36.250 đồng/cp. Từ mức 23.600 đồng/cp vào phiên 9/4, đến nay, cổ phiếu TCB đã tăng giá tới 63,5%.

Cổ phiếu KLB của Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) cũng tăng mạnh. Cổ phiếu này rớt xuống dưới mệnh giá, ở mức 9.800 đồng/cp vào phiên 8. Nhưng tới phiên 18/7, giá cổ phiếu KLB đã vọt lên 20.700 đồng/cp, tức tăng tới 111%.

Cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng có mức tăng "khủng" 66% kể từ phiên 9/4 đến nay, chốt phiên 18/7 ở mức 15.300 đồng/cp.

Hay cổ phiếu EIB của Ngân Hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tăng hơn 60% trong hơn 3 tháng qua, phiên 18/7 có giá 25.150 đồng/cp

Nhiều cổ phiếu khác cũng tăng trên 30% kể từ đáy tháng Tư đến nay như CTG, MBB, VPB, SHB, HDB…

Nhiều động lực tăng giá

Diễn biến thị giá cổ phiếu ở nhiều nhà băng gần đây cho thấy dòng tiền đang chảy nhiều vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang nỗ lực hồi phục sau đợt giảm mạnh vào đầu tháng Tư.

Từ đầu tháng Tư đến nay, các cổ đông nhiều ngân hàng không ít lần trải nghiệm khoảnh khắc cổ phiếu của mình tăng trần với trạng thái dư mua.

Động lực cho sự bứt phá của cổ phiếu ngành ngân hàng trong thời gian gần đây đến từ nhiều yếu tố tích cực.

Cổ phiếu ngân hàng bứt tốc từ đáy, còn dư địa tăng trưởng? - Ảnh 2

Bất chấp những biến động của thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2025 với GDP quý I-II lần lượt tăng 7,05% và 7,96% so với cùng kỳ. GDP trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52%, là mức tăng cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua.

Cùng với đó, ngày 3/7, Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ, được nhiều nhà đầu tư xem là tin tích cực cho thị trường.

Đối với ngành ngân hàng, tín dụng tăng trưởng cao hơn nhiều so với năm trước khi chỉ trong 6 tháng đã đạt gần 10%.

Việc luật hoá Nghị quyết 42/2017 hứa hẹn sẽ tạo công cụ xử lý nợ xấu hiệu quả cho các ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng, giảm lãi suất cho vay và tăng lợi nhuận từ thu hồi nợ của ngành ngân hàng.

Cùng với đó, việc dỡ bỏ cơ chế “room tín dụng” được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng được “cởi trói” trong hoạt động cấp tín dụng. Đây là một bước tiến quan trọng, cho phép các ngân hàng tự chủ hơn trong việc hoạch định chiến lược tăng trưởng tín dụng và kế hoạch lợi nhuận.

Các chuyên gia nhận định, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VPBankS cho hay, nhìn về trung và dài hạn, ngân hàng vẫn đang được định giá hấp dẫn.

Các yếu tố hấp dẫn bao gồm tăng trưởng tín dụng ở mức cao; cơ hội tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi, dù hiện tại xu hướng là chia sẻ lợi nhuận, trách nhiệm với nền kinh tế thông qua việc cung ứng các gói vay lãi suất hợp lý.

Đồng quan điểm, ông Cao Việt Hùng, Giám đốc Phân tích ngành Dịch vụ Tài chính, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, với triển vọng tăng trưởng tín dụng ở mức cao, thị trường bất động sản hồi phục, môi trường lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ, định giá của ngành ngân hàng vẫn còn dư địa để tăng thêm trong thời gian tới.

Minh Anh

Theo Vietnamfinance