Cổ phiếu thép 'phi nước đại' sau quyết định điều tra chống bán phá giá của Bộ Công Thương
Sau khi Bộ Công Thương công bố quyết định điều tra chống bán phá giá thép mạ, sắc xanh đã phủ kín nhóm cổ phiếu thép trong phiên giao dịch sáng nay.
Mở cửa phiên giao dịch tuần mới, thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận diễn biến kém sắc với áp lực bán gia tăng. Ghi nhận trong phiên giao dịch sáng nay, chỉ số VN-Index giảm gần 4 điểm với mức thanh khoản đạt hơn 10.158 tỷ đồng.
Ngược lại với xu hướng chung, nhóm cổ phiếu thép đồng loạt tăng mạnh. Khép lại phiên sáng, sắc xanh bao trùm một loạt cổ phiếu HPG, HSG, NKG, VGS, GDA, SMC, TLH, TIS, TVN...
Đáng chú ý, HSG và HPG của hai ông lớn Hoa Sen và Hoà Phát thuộc top 10 mã ảnh hưởng tích cực đến VN-Index. Trong đó, cổ phiếu HSG tăng 5,52%, dẫn đầu về mặt thanh khoản với 23,8 triệu đơn vị được khớp lệnh; còn HPG tăng 1% với thanh khoản đạt gần 17,8 triệu đơn vị.
Một số mã cổ phiếu thép khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực đó là SMC (4,63%), TVN (4,17%), NKG (3,11%), VGS (2,43%), GDA (2,41%),... hay như TIS tăng tới 10%.
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu thép diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Quyết định này được ban hành vào ngày 14/6, căn cứ theo kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại đối với hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ ngày 3/5/2024 bởi 5 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
Được biết, bên yêu cầu điều tra bao gồm: Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Thép Nam Kim, Công ty CP Tôn Phương Nam, Công ty CP Tôn Đông Á và Công ty CP China Steel & Nippon Steel Việt Nam đã cung cấp được các cơ sở pháp lý để chứng minh hành vi bán phá giá. Ngoài ra, các công ty này còn cung cấp thông tin về biên độ bán phá giá từ Trung Quốc là 69,23% và từ Hàn Quốc là 3,41%.
Với quyết định trên của Bộ Công Thương, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) nhận định, Tập đoàn Hoa Sen sẽ là bên hưởng lợi lớn nhất. Điều này có được nhờ vào vị thế của Hoa Sen tại các thị trường tôn mạ và thép ống. Theo KBSV, doanh nghiệp này đang đứng đầu thị trường tôn mạ khi chiếm 28,4% thị phần và đứng thứ hai tại thị trường thép ống với 12,4% thị phần.
Báo cáo tài chính quý 2 niên độ tài chính 2023-2024 (tương đương quý I/2024) của Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận, hàng tồn kho của 'vua tôn mạ' đã tăng 49% so với quý trước. Trong đó, giá trị nguyên vật liệu chiếm 57% tổng giá trị hàng tồn kho, ghi nhận mức tăng 79%.
KBSV chỉ ra rằng, điều này cho thấy Tập đoàn Hoa Sen có xu hướng đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho ở vùng giá thấp khi giá thép cuộn cán nóng (HRC) - nguyên liệu đầu vào của tôn mạ liên tục đi ngang, tạo đáy trong vùng giá 530 - 550 USD/tấn.
Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 14/6, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc. Đơn vị này cũng cho hay, trong thời hạn 45 ngày, tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.
Cần biết, trước đó, ngày 19/3/2024, Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc. Bên yêu cầu là Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh với quan điểm cho rằng đây là biện pháp tự vệ chính đáng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Cũng cần nói thêm, sản phẩm HRC trong nước hiện nay chỉ được sản xuất bởi 2 doanh nghiệp này.
Như VietnamFinance đã thông tin, ở chiều ngược lại, cùng với Tập đoàn Hoa Sen, 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép khác bao gồm: Công ty CP Thép TVP, Công ty CP Tôn Đông Á, Công ty CP Thép Nam Kim, Công ty CP Tôn Phương Nam, Công ty CP Tôn Pomina, Công ty CP Sản xuất Thép Vina One, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Thép Việt Nhật và Công ty CP Kim khí Nam Hưng đưa ra lập luận phản biện cho rằng không có căn cứ pháp lý để khởi xướng cuộc điều tra này.