Cổ phiếu TNA của Thiên Nam bị hạn chế giao dịch từ ngày 24/5

Theo quyết định của HoSE, cổ phiếu TNA của Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thoả thuận kể từ ngày 24/5.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra quyết định chuyển cổ phiếu TNA của Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Thiên Nam) từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 24/5/2024.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định này là Thiên Nam chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định.

Trước đó, Thiên Nam có công văn gửi HoSE về việc xin gia hạn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 chậm nhất đến ngày 10/5/2024.

Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn còn một số vướng mắc cần làm rõ với đơn vị kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán. Công ty cho biết sẽ làm việc tích cực và hiệu quả với đơn vị kiểm toán để có thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2023 trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, cổ phiếu TNA chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thoả thuận kể từ ngày 24/5/2024.

Cổ phiếu TNA của Thiên Nam bị hạn chế giao dịch từ ngày 24/5 - Ảnh 1Thiên Nam có văn phòng tại số 111-121 Ngô Gia Tự, phường 2, quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Thiên Nam được thành lập năm 1994 với tiền thân là Công ty Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Quận 10. Trụ sở chính của Thiên Nam tại số 111-121 Ngô Gia Tự, phường 2, quận 10, TP Hồ Chí Minh. Năm 2010, công ty chính thức đi vào hoạt động dưới hình thức Công ty Cổ phần, với vốn điều lệ ban đầu là 13 tỷ đồng.

Năm 2005, cổ phiếu TNA của Thiên Nam được niêm yết và giao dịch tại HoSE. Công ty kinh doanh trong nhiều mảng, gồm: mua bán sắt thép - vật liệu hàn, bất động sản, giáo dục, công nghệ thực phẩm, giấy, đồ gỗ, tủ lạnh và máy tính điện tử...

Năm 2009, Thiên Nam tăng mạnh vốn điều lệ lên 80 đồng từ mức 33 tỷ đồng năm 2006. Đến tháng 12/2021, vốn điều lệ tăng lên hơn 495,7 tỷ đồng.

Thiên Nam đang phấn đấu trở thành doanh nghiệp phát triển bền vững trong năm lĩnh vực kinh doanh chủ lực: kinh doanh sắt thép, phân phối hàng công nghệ thực phẩm ngoại nhập, kinh doanh bất động sản, đầu tư giáo dục và kinh doanh thương mại hàng điện máy.

Tuy nhiên, về tình hình kinh doanh, kết thúc quý 1/2024, doanh thu thuần của công ty chỉ vỏn vẹn ở mức 125,7 tỷ đồng, giảm 11 lần so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận gộp chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, giảm gấp 4 lần so với quý 1/2023. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 74,1% còn 2,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí tài chính ở mức 11,1 tỷ đồng, dù đã giảm mạnh nhưng phần lớn là chi phí lãi vay. Tương tự, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm, lần lượt đạt 4,4 tỷ đồng và 3,2 tỷ đồng.

Kết quả, xuất nhập khẩu Thiên Nam lỗ sau thuế 8,1 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 1,4 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2024, tổng số nợ phải trả của công ty là 1.730 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 1.718 tỷ đồng và nợ dài hạn chiếm 12,4 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến hết quý 1/2024 đạt 573,4 tỷ đồng, giảm 1,4% so với số đầu năm.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 17/5, giá cổ phiếu TNA dừng ở mức 5.220 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của doanh nghiệp này trên thị trường đạt 256,9 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch ngày 20/5, tại thời điểm 10h30, giá cổ phiếu TNA tiếp tục giảm, chỉ còn 5.020 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 291.000 cổ phiếu.

Thu An

Theo Doanh nghiệp Việt Nam