Cơ sở nào Moody's dự báo GDP Việt Nam năm 2022 tăng vọt tới 8,5%?

Sau khi Tổng cục Thống kê công bố con số GDP 6 tháng đầu năm 2022 với mức tăng 6,4%, đa số các chuyên gia, tổ chức quốc tế đều nhận định Việt chắc chắn đạt mục tiêu đề ra, thậm chí tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's còn dự báo GDP ở mức rất cao là 8,5%.

Với việc Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm phục hồi tích cực, giới chuyên gia đã đưa ra những dự báo lạc quan về tăng trưởng GDP cả năm 2022. Nếu Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kỳ vọng GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7-6,9% thì Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm nay.

Thậm chí, theo tờ The Business Times (Singapore), mặc dù tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 7 của Việt Nam giảm tốc nhưng Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics (Moody's) vẫn đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, Moody's nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 8,5% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được Moody's điều chỉnh dự phóng tăng.

Với mức dự báo này, đây cũng là tổ chức đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam cao nhất.

Cơ sở nào Moody's dự báo GDP Việt Nam năm 2022 tăng vọt tới 8,5%? - Ảnh 1

Moody's dự báo GDP Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng cao 8,5% trong năm nay.

Các chuyên gia của Moody’s nhận định, kinh tế Việt Nam tái mở cửa có phần hơi chậm chạp từ đầu năm, nhưng hiện đã tăng tốc, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Thêm vào đó, nền kinh tế còn được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào.

Đánh giá về những dự báo lạc quan này, chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, TS Võ Trí Thành cho biết, ngay từ đầu năm 2022, các chuyên gia đã nhận định rằng nhiều khả năng với đà phục hồi sau khi sống chung an toàn với dịch, mở cửa quốc tế thì Việt Nam có thể đạt được mục tiêu GDP tăng 6,5%.

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine xảy ra đã gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực đến đời sống kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả tăng cao, nguy cơ suy thoái, suy giảm tăng trưởng ở nhiều nước, nhiều khu vực, đối tác của Việt Nam. Theo đó, nhiều người nói Việt Nam về cơ bản vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng. Tuy vậy cũng có kịch bản GDP tăng trưởng thấp hơn, thậm chí là trên 5%.

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức thì kịch bản xấu vẫn có thể xảy ra với kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, sau khi Tổng cục Thống kê công bố con số GDP 6 tháng đầu năm 2022 với mức tăng 6,4%, đa số các chuyên gia, tổ chức quốc tế đều cho rằng Việt chắc chắn đạt mục tiêu đề ra, thậm chí tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's còn dự báo GDP ở mức rất cao là 8,5%.

Cơ sở nào Moody's dự báo GDP Việt Nam năm 2022 tăng vọt tới 8,5%? - Ảnh 2

Theo TS Võ Trí Thành, nếu quý IV năm nay GDP tăng trưởng ở mức 4 - 5% thì GDP cả năm là trên dưới 7%.

Phân tích nguyên nhân giới chuyên gia đưa ra dự báo lạc quan cho tăng trưởng GDP của Việt Nam, TS Võ Trí Thành cho rằng, thường quý III, quý IV kinh tế tăng trưởng tốt hơn quý trước và kinh tế Việt Nam hiện còn được hỗ trợ bởi việc giải ngân đầu tư công chắc chắn được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Lý do khác là năm ngoái GDP tăng trưởng ở mức thấp và đặc biệt quý III/2021 GDP tăng trưởng âm 6,7%. Do đó, rất nhiều dự báo rằng quý III năm nay sẽ tăng trưởng 6,7%. Việc GDP tăng cao - thấp phụ thuộc số liệu vào quý IV. Quý IV năm trước đã bắt đầu hồi phục nhưng còn khá là thấp. Nếu quý IV năm nay tăng trưởng ở mức 4 - 5% thì GDP cả năm là trên dưới 7%. Còn quý IV GDP tăng 6% thì mức tăng chung của cả năm còn cao nữa.

"Nhưng tôi nhấn mạnh rằng thách thức vẫn còn nhiều liên quan đến vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, tính bất định của kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó là tăng trưởng xuất khẩu đang giảm tốc rất nhanh, trong đó có mặt hàng điện tử, đồ gỗ, rất nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Xuất khẩu giảm tốc trong tháng 7 là hệ quả của suy giảm kinh tế thế giới và những lý do khác diễn ra trên toàn cầu", TS Võ Trí Thành nói.

 

Thu An

Theo Doanh nghiệp Việt Nam