VNDirect: GDP Việt Nam quý III/2022 có thể tăng 11%

Cùng với đó, các chuyên gia phân tích VNDirect dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2022 có thể đạt đỉnh ở mức 11% so với cùng kỳ, sau đó hạ nhiệt trong quý IV/2022.

VNDirect: GDP Việt Nam quý III/2022 có thể tăng 11%
VNDirect: GDP Việt Nam quý III/2022 có thể tăng 11%

Trong Báo cáo cập nhật vĩ mô vừa phát hành, Khối phân tích của VNDirect phân tích mức tăng trưởng cao này nhờ vào một số yếu tố.

Yếu tố thứ nhất là mức nền thấp trong quý III/2021 với GDP của Việt Nam giảm 6,0% so với cùng kỳ. Do tác động của giãn cách xã hội, ngành dịch vụ, ngành công nghiệp và xây dựng giảm lần lượt 8,6% và 5,5% so với cùng kỳ trong quý III/2021.

Thứ hai, ngành dịch vụ sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhờ du lịch trong nước tiếp tục phát triển mạnh; nhu cầu trong nước phục hồi nhờ thu nhập của người dân cao hơn và thuế giá trị gia tăng giảm 2% (kéo dài đến hết năm 2022).

Thứ ba là việc thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng. "Chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt đỉnh vào quý III/2022, sau đó hạ nhiệt trong quý IV/2022 (dự báo tăng trưởng GDP quý IV/22 đạt 5-6% so với cùng kỳ). Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 là 7,1% so với cùng kỳ (+/-0,3%). Nhìn chung, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022", Khối phân tích VNDirect nhận định.

VNDirect cũng duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,9% so với cùng kỳ vào năm 2023. Triển vọng tăng trưởng thấp hơn là do các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ và châu Âu tăng trưởng kinh tế chậm lại, có thể làm giảm triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, lạm phát cao hơn có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, lãi suất tăng làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Khối phân tích VNDirect, vẫn có những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 như nguồn vốn đầu tư công dồi dào, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vững chắc và lượng khách du lịch quốc tế trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Giá xăng trong nước đã 4 lần được điều chỉnh giảm trong tháng qua nhờ Chính phủ giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500-1.000 đồng/lít đối với các mặt hàng xăng dầu từ ngày 6/7/2022; Giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu toàn cầu đã giảm đáng kể trong tháng 7/2022. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm21,7% trong tháng 7 xuống 24.520 đồng/lít trong khi giá xăng RON 95 giảm 22,1% xuống 25.600 đồng/lít. Giá xăng dầu trong nước giảm là tác nhân chính giúp giảm lạm phát trong tháng 7.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát của Việt Nam đã tăng 3,1% so với cùng kỳ vào tháng 7/2022 (thấp hơn mức 3,4% so với cùng kỳ trong tháng trước). So sánh theo tháng, CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% (thấp hơn mức tăng 0,7% trong tháng 6/22), chủ yếu là do đà tăng của chỉ số giá lương thực, thực phẩm (+1,4% so với tháng trước). Mặt khác, chỉ số giá giao thông giảm 2,9% so với tháng trước nhờ giá xăng dầu giảm.

Mới đây, Chính phủ cũng đã quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống 10%, do đó giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục giảm trong kỳ điều hành tới. Việc tăng giá thịt lợn (tác động lớn đến chỉ số giá lương thực, thực phẩm cũng như lạm phát chung của cả nước) đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, sau khi vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg vào giữa tháng 7, giá thịt lợn hơi đã giảm dần và hiện giao dịch ở mức quanh 64.000-65.000 đồng/kg.

"Chúng tôi dự phóng giá heo hơi sẽ dao động trong khoảng 60.000-70.000 đồng/kg trong những tháng cuối năm 2022. Tựu trung, chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra là kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 dưới 4,0% so với cùng kỳ. Do đó, chúng tôi duy trì dự báo CPI bình quân của Việt Nam năm 2022 tăng 3,5% so với cùng kỳ", VNDirect nêu.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance