Cơn đau đầu của FDI tại Việt Nam: Thừa thầy, thiếu thợ...?
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao khiến doanh nghiệp Việt khó khăn khi nhận chuyển giao công nghệ và tự chủ.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Bắc Ninh trên con đường công nghiệp hóa" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - Economy tổ chức mới đây, các chuyên gia cùng nhân nhận định nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay "rất yếu", dù đây là lực lượng đóng vai trò chủ yếu và rất quan trọng trong việc tiếp thu được công nghệ.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn số liệu khảo sát cho thấy, 60% các doanh nghiệp FDI khi được hỏi nói rằng rất khó để tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam, theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì con số này là 50%.
Ông Thắng nhắc lại trường hợp Foxconn muốn mở rộng cơ sở sản xuất máy tính bảng tại Bắc Ninh thì không tìm ra nguồn nhân lực nên đã phải chuyển sang nước khác, đồng thời nói thêm rằng, hạn chế về chất lượng lao động càng khiến cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cách biệt, thiết sự liên kết.
Chia sẻ với nhận định của chuyên gia về "cơn đau đầu" của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Đức Quyết, nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đã kéo dài nhiều năm và nguyên nhân chính bắt đầu từ giáo dục, đào tạo nhân lực.
Theo ông Quyết, giáo dục của Việt Nam từ lâu vẫn muốn dạy làm thầy nhiều hơn là dạy làm thợ, bởi vậy dẫn đến tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", tỷ lệ số lao động học đại học rất cao, trong khi số lao động được đào tạo để trở thành công nhân lành nghề, trung cấp kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp. Kết quả là tỷ lệ sinh viên ra trường, thậm chí thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng, song song với đó là một loạt cơ hội việc làm không có người đảm nhận, dù có mức lương hấp dẫn.
"Nhiều năm liền, người dân có xu hướng “phổ cập giáo dục đại học”, đại học dường như trở thành con đường bắt buộc đối với thanh thiếu niên trong quá trình lựa chọn hướng đi cuộc đời. Theo con đường ấy, sinh viên tốt nghiệp đại học xong, rồi lại tiếp tục học sau đại học để ra làm thầy chứ không phải làm thợ.
Chính bởi Việt Nam có đội ngũ thầy nhiều hơn thợ nên đương nhiên là thiếu nhân lực chất lượng", nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh chỉ rõ.
Đối với tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao, theo ông Quyết, chính là thiếu thợ bậc cao, thiếu người có kỹ năng lao động, không phải thiếu người có kiến thức. Kỹ năng lao động ở đây chính là ngoài nghiệp vụ chuyên môn, đòi hỏi người lao động phải hiểu biết Luật lao động, ý thức chấp hành lao động công nghiệp...
Nhận định này của ông Quyết có nét tương đồng với lời phàn nàn của đại diện Intel Việt Nam từ cách đây hơn 10 năm. Thời điểm đó, nhà máy lắp ráp và kiểm định chip của Intel tại Việt Nam sắp đi vào hoạt động nhưng nguồn nhân lực lại thiếu trầm trọng, nhất là những kỹ thuật viên lành nghề.
Khi ấy, số lượng nguồn nhân lực là kỹ thuật viên, kỹ sư điện tử tin học được đào tạo khá nhiều trong các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam, nhưng đầu ra, theo đánh giá của Intel, là chưa có khả năng sẵn sàng làm việc do không đủ kinh nghiệm.
Đại diện Intel Việt Nam lúc ấy chỉ rõ, sinh viên Việt Nam không quen với cách tiếp cận, phỏng vấn, điều tra, trắc nghiệm mà các nhà tuyển dụng đưa ra. Bởi sau khi có kết quả cuối cùng thấp, các thầy cô và chính sinh viên được tuyển dụng đều khẳng định rằng, chuyên môn nghiệp vụ đó đã được học rồi.
"Chúng ta thiếu người có kỹ năng lao động một cách thuần thục, có thể hội nhập được với quốc tế và khu vực. Người đảm nhận vị trí giám đốc cũng là người lao động, không phải thầy, đó là người làm công tác quản trị, có ai dạy người đó làm giám đốc không?
Tương tự, trợ lý giám đốc một doanh nghiệp cũng là kỹ năng lao động, không phải kỹ năng làm thầy, không ai dạy cho họ kỹ năng ấy", ông Quyết dẫn ví dụ và đánh giá, kỹ năng của người lao động trực tiếp, công nhân Việt Nam hiện nay đã tiến bộ rất nhiều, năng động, chấp hành kỷ luật tốt nhờ doanh nghiệp FDI rèn luyện. Còn những người làm công tác quản trị hay đòi hỏi kỹ thuật thì Việt Nam chưa chú trọng đào tạo.
"Chúng ta có trường nào đào tạo trợ lý, giám đốc? Thậm chí có thời gian dài ông chủ với giám đốc bị lẫn lộn. Khi phân biệt được rạch ròi thì chúng ta sẽ có chương trình đào tạo nhân lực phù hợp", ông Vũ Đức Quyết nói.
Bởi thiếu người có kỹ năng lao động nên nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh cho rằng khó trách doanh nghiệp FDI không chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Lý do là bởi có chuyển giao công nghệ cao thì phía doanh nghiệp Việt cũng khó mà tiếp nhận được, từ đó càng khó khăn hơn cho việc phát triển doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Từ đây, quay trở lại câu chuyện giáo dục, ông Vũ Đức Quyết cho rằng, chúng ta vẫn để lẫn giáo dục với đào tạo, coi trọng giáo dục hơn đào tạo. Giáo dục thiên về kiến thức, đạo đức, còn đào tạo thiên về kỹ năng. Kiến thức, đạo đức rất quan trọng, nhưng để người học sau khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, hội nhập được với thị trường lao động quốc tế thì đào tạo càng cần hơn.
Chưa kể, vẫn có sự tréo ngoe giữa đào tạo để nguồn nhân lực có kỹ năng lao động với đào tạo nghề. Đào tạo nghề truyền đạt cho người học kiến thức nghề, còn đào tạo nói chung là truyền đạt cho người học cả kiến thức nghề lẫn kỹ năng lao động. Bởi thiếu rạch ròi nên chúng ta không có chương trình đào tạo rõ ràng, dẫn tới thiếu nguồn lao động bậc cao.
Bởi vậy, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Quyết nhắc lại vấn đề đã được dư luận đề cập mãi từ trước tới nay: phương pháp giáo dục trong các nhà trường thế nào, tập trung vào cái gì để sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng, cân bằng giữa chuyên môn nghiệp vụ và sự nhanh nhạy, sáng tạo và quan trọng là đạt tiêu chuẩn quốc tế để sẵn sàng hội nhập.