Công nhân Samsung đình công lần đầu tiên trong lịch sử
Một liên đoàn lao động tại Samsung Electronics ở Hàn Quốc cho biết nhiều công nhân đã đình công vào ngày 7/6, đánh dấu cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử 55 năm của gã khổng lồ sản xuất điện thoại thông minh và chip.
Cuộc đình công lịch sử
Tuần trước, Công đoàn Samsung Electronics Toàn quốc (NSEU) cho biết khoảng 28.000 thành viên của họ - tương đương 1/4 tổng lực lượng lao động của công ty tại Hàn Quốc - sẽ tổ chức đình công một ngày vào ngày 7/6, sau khi các cuộc đàm phán thất bại về thỏa thuận lương và thưởng.
Theo đó, các thành viên công đoàn NSEU đã nghỉ 1 ngày vào ngày 7/6, sau ngày nghỉ lễ (6/6) và trước cuối tuần. Nhiều thành viên công đoàn đã sử dụng ngày nghỉ phép để đình công.
Khoảng 10 công nhân đã tổ chức biểu tình trước văn phòng chính của Samsung ở Seoul vào sáng 7/6, hô vang: “Tôn trọng lao động! Chúng tôi không muốn tăng lương 6,5% hay thưởng 200%!”
Ông Son Woo-mok, người đứng đầu NSEU cho biết: “Cuộc đình công đầu tiên tại Samsung Electronics diễn ra ngày hôm nay (7/6) thông qua việc sử dụng thời gian nghỉ phép có lương và có nhiều nhân viên đang tham gia”.
“Thật khó để đưa ra con số chính xác, nhưng theo những gì tôi thấy về lượng người đi làm vào buổi sáng, có sự khác biệt đáng kể so với thông thường”, ông Son cho biết thêm.
Ông Lee Hyun-guk, phó giám đốc NSEU, cho biết: “Việc sử dụng phối hợp những ngày nghỉ phép là bước đầu tiên của chúng tôi để hướng tới mục tiêu cuối cùng là đình công quy mô lớn”.
Ban quản lý tại công ty, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, đã bế tắc trong các cuộc đàm phán với công đoàn về tiền lương kể từ tháng 1 nhưng hai bên vẫn chưa giải quyết được những bất đồng.
Phía Samsung Electronics cũng cho biết họ đã “siêng năng tham gia đàm phán với công đoàn và sẽ tiếp tục làm như vậy”.
Cuộc đình công của công nhân Samsung là cuộc đình công đầu tiên của gã khổng lồ công nghệ. Hành động tập thể cho thấy “có xu hướng dần dần trao quyền cho người lao động ở Hàn Quốc”.
Theo các nhà phê bình, Samsung Electronics đã tránh thành lập công đoàn trong gần 50 năm, dù đã vươn lên trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh và chất bán dẫn lớn nhất thế giới.
Người sáng lập Samsung Lee Byung-chul, qua đời năm 1987, đã kiên quyết phản đối các công đoàn, nói rằng ông sẽ không bao giờ cho phép họ thành lập “cho đến khi mắt tôi dính bụi bẩn”.
Công đoàn lao động đầu tiên tại Samsung Electronics được thành lập vào cuối những năm 2010.
Không ảnh hưởng tới sản xuất
Người phát ngôn của Samsung cho biết cuộc đình công kéo dài 1 ngày “không có tác động nào đến hoạt động sản xuất và quản lý”.
Công ty nghiên cứu thị trường TrendForce có trụ sở tại Đài Loan cho biết cuộc đình công sẽ không ảnh hưởng đến việc sản xuất DRAM và NAND Flash cũng như không gây ra bất kỳ tình trạng thiếu lô hàng nào.
TrendForce cho biết Samsung chiếm một phần đáng kể trong sản lượng chip cao cấp toàn cầu, nhưng cuộc đình công liên quan đến nhân viên trụ sở chính chứ không phải công nhân trên dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra, đây chỉ là cuộc đình công kéo dài một ngày và rơi vào thời điểm nghỉ lễ đã được lên kế hoạch kéo dài ở Hàn Quốc, có nghĩa là công ty có thể đã điều chỉnh mức nhân sự dự kiến.
“Cuối cùng, các nhà máy phụ thuộc nhiều vào sản xuất tự động và yêu cầu tối thiểu sức lao động của con người. Do đó, cuộc đình công sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào đến nguồn cung cấp bộ nhớ trong tương lai”, TrendForce cho biết trong một báo cáo.
Samsung Electronics là công ty con hàng đầu của Tập đoàn Samsung Hàn Quốc, cho đến nay là tập đoàn lớn nhất do gia đình kiểm soát, thống trị hoạt động kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
Trong vài năm gần đây, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới đã trải qua quãng thời gian đầy khó khăn. Tình trạng thiếu chip máy tính trong đại dịch Covid-19, theo sau là nhu cầu sụt giảm do kinh tế toàn cầu bất ổn, khiến lượng chip tồn kho của những gã khổng lồ như Samsung Electronics lên cao lịch sử và công ty đã phải thực hiện cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, nhờ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), tình hình đang trở nên tốt đẹp hơn.
Tháng trước, Samsung đã báo cáo lợi nhuận hoạt động trong quý đầu tiên tăng hơn 10 lần trong bối cảnh dự báo nhu cầu cao về AI và chip cao cấp, lĩnh vực mà hãng phải cạnh tranh với Intel ( INTC ) và TSMC của Đài Loan.