CPI tháng 4 tăng tác nhân chính từ giá vật liệu xây dựng

Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 4 tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước, nhưng đã tăng 2,09% so với cuối năm ngoái và tăng mạnh 2,64% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tiếp tục tăng với sự tăng giá mạnh của nhóm vật liệu xây dựng. Các chuyên gia cho rằng dù chịu áp lực nhiều hơn nhưng lạm phát vẫn chưa vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

CPI tháng 4 tăng tác nhân chính từ giá vật liệu xây dựng - Ảnh 1

Theo Tổng cục Thống kê, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí, giá ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 4 tăng.

Trong đó, chỉ số giá của nhóm nhà ở và xây dựng (chiếm 18,8% tỷ trọng rổ hàng hóa tính CPI) là nguyên nhân chính khiến CPI tăng vọt, từ mức tăng 1,7% trong tháng 3 lên mức tăng mạnh 2,7%. Điều này là do chi phí đầu vào cao hơn. Giá khí đốt, thép và các nguyên liệu thô để sản xuất xi măng như xăng và than đá tăng mạnh, chủ yếu do xung đột Nga-Ukraine, theo đánh giá của Công ty chứng khoán Maybank Investment.

Ảnh hưởng tiếp theo đến từ nhóm nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (chiếm 4,6% rổ CPI) và ăn uống ngoài gia đình (chiếm 8,6%) tăng lần lượt 1,8% và 3,8% so với cùng kỳ. Đây được đánh giá là mức tăng mạnh hơn so với mức tăng của các tháng trước nhờ vào nhu cầu du lịch tăng trở lại và việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Nhóm giao thông (chiếm 9,7%) tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ do đà tăng giá xăng dầu. Ngược lại, nhóm thực phẩm (chiếm 21,3%) giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 4 tháng đầu năm, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức 0,89% của giai đoạn 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm 2017-2020. Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng 0,97% so với cùng kỳ.

Điều này đồng nghĩa với việc áp lực lên việc điều hành lãi suất và chính sách tiền tệ cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, áp lực lên lạm phát trong thời gian tới vẫn còn rất lớn.

“Lạm phát sẽ tăng trong những tháng tới khi việc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tổng cầu. Sẽ có những áp lực về nguồn cung xuất phát từ cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra và những hạn chế về di chuyển ở Trung Quốc, ngay cả khi những cú sốc về nguồn cung như lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia được thông qua”, báo cáo của MIB đưa ra dự báo.

Trên thực tế, nhiều đơn vị nghiên cứu mới đây đều nâng dự báo CPI cuối năm. Chẳng hạn như Công ty Chứng khoán BSC nâng từ mức 3,3% lên 3,6%, trong khi Công ty Chứng khoán Mirae Asset nâng từ 3,8% lên 3,9%, dù khẳng định lạm phát sẽ được kiểm soát ổn định dưới mức 4% trong năm nay.

Mức 4% cũng là mức được nhiều tổ chức đưa ra. Trước đó đầu tháng 4, Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo về lạm phát của Việt Nam ở mức 4,2% cho năm 2022 và 5,5% cho năm 2023. Các yếu tố về nguồn cung sẽ mang đến rủi ro làm gia tăng lạm phát, đặc biệt là tình hình căng thẳng địa chính trị hiện tại. Trong trung hạn, các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát đến từ nguồn cầu sẽ gia tăng khi nền kinh tế phục hồi.

Văn Trì

Theo Chất lượng và Cuộc sống