Đằng sau chuyện 'chọn nhà mới' cho các ngân hàng 'kiểm soát đặc biệt'
Theo ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Khối Xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings, việc NHNN lựa chọn các ngân hàng nhận chuyển giao để tái cơ cấu 4 ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt dựa trên sự tương đồng trong mô hình hoạt động cũng như khả năng bổ trợ của ngân hàng nhận chuyển giao với ngân hàng bị chuyển giao.
Sự tương thích giữa các ngân hàng
Đã gần nửa năm trôi qua kể từ ngày NHNN hoàn tất chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng 0 đồng (CBBank, OceanBank và GPBank) cùng ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt là DongA Bank. Tuy nhiên, đến nay, câu hỏi “Vì sao ngân hàng này lại về một nhà với ngân hàng kia mà không phải là một sự lựa chọn khác?” vẫn là mối quan tâm của thị trường.
Theo ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Khối Xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings, việc NHNN lựa chọn các ngân hàng nhận sáp nhập để tái cơ cấu 4 ngân hàng yếu kém dựa trên sự tương đồng trong mô hình hoạt động cũng như khả năng bổ trợ của ngân hàng nhận chuyển giao với ngân hàng bị chuyển giao.
“Sự tương thích này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro gián đoạn đến hoạt động hiện tại của các ngân hàng nhận chuyển giao, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để quá trình tái cơ cấu diễn ra hiệu quả và liền mạch”, ông nói.

Đại diện FiinRatings dẫn chứng, việc chuyển giao OceanBank sang MB là một thương vụ kết hợp có mức độ tương thích cao, nhờ vào sự tương đồng trong cơ cấu sở hữu, cơ sở khách hàng và định hướng phục vụ khách hàng khối doanh nghiệp nhà nước. Mối liên kết này tạo hiệu ứng cộng hưởng tích cực, qua đó giúp MB dễ dàng tích hợp hoạt động với OceanBank mà không ảnh hưởng đến các mảng kinh doanh cốt lõi. Đồng thời, năng lực xử lý nợ xấu và kiểm soát rủi ro tập trung đã được chứng minh của MB, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng có thể xử lý hiệu quả danh mục cho vay rủi ro cao của OceanBank.
Tương tự, thương vụ sáp nhập CBBank là ngân hàng có mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn vốn bán buôn và chất lượng tài sản suy giảm nghiêm trọng - vào Vietcombank cũng được xem là bước đi chiến lược.
Với năng lực quản trị rủi ro vượt trội, chất lượng tài sản hàng đầu và vai trò chủ chốt trong việc cung cấp thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, Vietcombank sở hữu đầy đủ năng lực để tái cấu trúc hoạt động của CBBank. Nguồn lực vốn dồi dào và nền tảng tài chính vững chắc của Vietcombank sẽ là cơ sở quan trọng để ổn định hoạt động và từng bước tái cấu trúc CBBank mà không làm ảnh hưởng đến vị thế dẫn đầu thị trường của Vietcombank, ông Khang nói.
Hay như đối với trường hợp DongA Bank và HDBank, cả hai đều là những ngân hàng được thành lập và hoạt động chủ yếu tại TP.HCM với danh mục cho vay tập trung vào nhóm khách hàng SMEs.
Trong khi DongA Bank có khẩu vị rủi ro cao với mức độ tập trung cho vay lớn, thể hiện qua việc phần lớn dư nợ cho vay năm 2012 được phân bổ vào lĩnh vực bất động sản và xây dựng (27,6%) và các ngành khác (65,5%) thì HDBank lại có kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Điều này được chứng minh bằng tỷ lệ nợ xấu (NPL) của nhóm SMEs ổn định ở mức 0,7% (2024), trong khi hai lĩnh vực này chiếm tới 59% danh mục SMEs.
Còn GPBank, ngân hàng này có tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập (CIR) ở mức 48,3% (năm 2010), mức cao nhất trong 4 ngân hàng bị chuyển giao (DongA Bank: 48,6%, CBBank: 35,9%, OceanBank: 30,5%). Trái lại, ngân hàng nhận chuyển giao - VPBank lại sở hữu tỷ lệ CIR thấp nhất ngành ở mức 23% (cuối năm 2024), dẫn đầu ngành về hiệu quả vận hành nhờ chiến lược chuyển đổi số chủ động và ứng dụng công nghệ toàn diện. Nhờ đó, sau khi về chung nhà, VPBank có thể áp dụng các hệ thống lõi hiện đại, chuẩn hóa quy trình và phát triển ngân hàng số, “kéo” GPBank thoát khỏi vùng trũng hiệu quả.
Cơ hội và rủi ro của các bên
Đại diện FiinRatings cho rằng, tác động từ các thương vụ chuyển giao bắt buộc đến các ngân hàng nhận chuyển giao cũng như toàn ngành là tương đối hạn chế.
Các ngân hàng nhận chuyển giao được hỗ trợ bởi bộ đệm vốn vững chắc và mức trích lập dự phòng cao, đủ để hấp thụ rủi ro liên quan đến nợ xấu của các ngân hàng bị chuyển giao mà không làm suy giảm đáng kể bộ đệm vốn hoặc hiệu quả tài chính, từ đó, giúp hạn chế nguy cơ rủi ro lan rộng trong toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, trước những rủi ro mang tính hệ thống có thể phát sinh sau quá trình sáp nhập các ngân hàng yếu kém, như trường hợp SCB năm 2022, NHNN cũng đã chủ động can thiệp thông qua các cải cách pháp lý – đáng chú ý là Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 và các sửa đổi bổ sung năm 2025 – nhằm hạn chế sự tích lũy rủi ro và nâng cao tính minh bạch trong hệ thống.
Ví dụ, các quy định chặt chẽ hơn về sở hữu chéo và công bố thông tin cổ đông đã được ban hành. Theo đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của một TCTD trở lên phải công khai sở hữu của bản thân và cả của người có liên quan.
Ngoài ra, một cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một TCTD; đồng thời, cổ đông lớn cũng không được nắm giữ từ 5% trở lên tại một TCTD khác. Luật cũng siết chặt giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng: giảm dần trần cho vay từ 14% xuống còn 10% vốn điều lệ đối với một khách hàng riêng lẻ, và từ 23% xuống còn 15% đối với khách hàng và người có liên quan, trong giai đoạn từ ngày 01/01/2026 đến 01/01/2029.

Đi sâu vào từng nhóm ngân hàng, theo đại diện FiinRatings, trong giai đoạn tới, các ngân hàng bị chuyển giao dự kiến sẽ tiếp tục hưởng lợi từ hàng loạt biện pháp hỗ trợ như tăng vốn, hỗ trợ thanh khoản và tái cơ cấu nợ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu và phục hồi, góp phần củng cố sức khỏe tài chính của các tổ chức này.
Tuy nhiên, chính các ngân hàng này cũng có thể đối mặt với rủi ro tín dụng gia tăng, đặc biệt khi danh mục cho vay tập trung các ngành nghề có mức độ rủi ro cao hoặc các bên có liên quan của ngân hàng nhận chuyển giao, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mặc dù việc các ngân hàng bị chuyển giao được miễn lãi suất với lãi suất khoản vay tái cấp vốn và cho vay đặc biệt từ NHNN giúp giảm áp lực về vốn và thanh khoản trong quá trình phục hồi và tái cơ cấu song sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn bán buôn có thể làm suy yếu cấu trúc vốn của ngân hàng. Trong bối cảnh năng lực kiểm soát rủi ro còn hạn chế và giám sát chưa hiệu quả, các điểm yếu trên có thể tiềm ẩn rủi ro hệ thống, tương tự các sự kiện như CBBank năm 2013 hoặc SCB năm 2022.
Ở phía các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, cơ chế chuyển giao bắt buộc mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhóm này, bao gồm việc mở rộng tiền năng tăng trưởng, nâng cao mức độ ổn định tài chính, giảm áp lực về vốn và thanh khoản, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dài hạn. Những lợi thế này góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động và củng cố vị thế cạnh tranh của các ngân hàng trong hệ thống.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro cần được lưu ý, đặc biệt là rủi ro liên quan đến tăng trưởng tín dụng nóng và mức độ rủi ro tập trung cao, ông Khang nói.
Cụ thể, các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được nới rộng hạn mức tín dụng nhờ NHNN cấp thêm và đến từ việc khai thác kênh phân phối và tệp khách hàng sẵn có của ngân hàng bị chuyển giao. Ở mặt tích cực, điều này giúp các ngân hàng nhận chuyển giao tăng trưởng tín dụng vượt trội so với mặt bằng chung, từ đó gia tăng quy mô tài sản và lợi nhuận. Nhưng ngược lại, tăng trưởng tín dụng nóng cũng làm tăng rủi ro tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao. Do đó, công tác quản trị rủi ro hiệu quả sẽ đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững sau chuyển giao, ông Khang nói.